Giải pháp cấp thiết chặn dòng di cư tự do

Thứ Tư, 13/04/2022 11:18 AM (GMT+7)

Di dân là một quy luật tự nhiên của quá trình phát triển dân số và là một hiện tượng kinh tế – xã hội (KTXH) khách quan, có tác động đến trình độ phát triển của một quốc gia. Di dân là biểu hiện rõ nét nhất của sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, lãnh thổ. Quá trình này, dẫn đến những tác động sâu sắc trong phát triển KTXH của cả khu vực. Một mặt, việc di cư này vừa tạo ra sự cân bằng về lực lượng lao động giữa các vùng cũng như giữa các khu vực trên địa bàn, nguồn lực lao động của các tỉnh cũng được bổ sung, đời sống văn hóa của các địa phương càng trở nên phong phú. Mặt khác, việc di cư này tạo ra sức ép đối với các địa phương trong việc cung ứng dịch vụ công, dịch vụ xã hội cơ bản như vấn đề học tập, khám chữa bệnh, vui chơi, giải trí và nhiều vấn đề xã hội đã nảy sinh gây sức ép đối với công tác quản lý của chính quyền địa phương. Như vậy, bên cạnh những tác động tích cực, có lợi, người nhập cư đã có những tác động nghịch chiều đối với sự phát triển KTXH của địa phương. Do đó, cần có những nghiên cứu, điều tra thực trạng tác động của người nhập cư đến các mặt đời sống xã hội trên địa bàn khu vực, đánh giá sự tác động này trên cả hai mặt tích cực và tiêu cực, phân tích nguyên nhân của tình trạng di cư tự do (DCTD) nhằm đưa ra các giải pháp điều tiết sự tác động này theo hướng có lợi cho sự phát triển KTXH của địa phương.

Các giải pháp ngăn chặn

dan-di-cu-la-gi---khai-niem-dan-di-cu-duoc-hieu-nhu-the-nao---357013

Bàn về giải pháp ngăn chặn di dân tự phát, ông Đỗ Văn Chiến - bộ trưởng chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ - cho rằng nguyên nhân chủ yếu của việc di dân tự phát là do nơi đi thiếu đất sản xuất, đến nơi có đất đai màu mỡ, rộng lớn. Bà con khi đi đều bán hết nhà cửa, tài sản nên việc yêu cầu họ quay về là hết sức khó khăn. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong một Hội nghị cũng từng cho rằng di cư tự phát là vấn đề lịch sử, vấn đề toàn cầu không phải là nhất thời. Phải nhận thức vấn đề như vậy để có những giải pháp căn bản giải quyết di dân tự do, cấp đất ở, đất sản xuất.

Vì thế, để giải quyết tình trạng này, ông Chiến đề nghị ở tỉnh "đầu đi" phải quản lý dân cư thật tốt, nếu không sẽ khó ngăn chặn nạn di dân tự do.

"Ở "đầu đến", đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện hai chính sách cơ bản đó là mua bảo hiểm y tế để người dân được hưởng các quyền lợi căn bản và tạo thêm nhiều trường học cho con em di dân tự phát.

Cho phép các tỉnh điều tra về dân cư, đất đai để có phương án sắp xếp, ổn định dân cư. Đề nghị các tỉnh khi rà soát, sắp xếp phải tạo điều kiện cho cả bà con dân tộc thiểu số tại chỗ, tạo sự công bằng".

Cần phải rà soát tổng thể các quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp, tài chính, chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số và dân di cư tự do, các hộ nghèo thiếu đất sản xuất để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn.

Chính phủ cần xây dựng kế hoạch chi tiết, ưu tiên nguồn lực đất đai, kinh phí và con người để thực hiện chính sách đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và dân di cư tự do nhằm giảm thiểu việc lấn chiếm đất đai, phá rừng lấy đất sản xuất.

Đảng và Nhà nước không khuyến khích di dân tự do mà ổn định dân cư tại chỗ. Đặc biệt, những tỉnh phía Bắc cần tạo thêm nơi ở, việc làm để bà con ở lại quê hương, gìn giữ biên cương.

"Nhưng nếu bà con đã vào rồi, phải huy động toàn bộ nguồn lực để bà con có nơi ở hợp pháp, có đất sản xuất, đảm bảo nhu cầu cuộc sống cơ bản. Bên cạnh đó, những địa phương có dân đến phải tăng cường quản lý, ngăn chặn lấn chiếm, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai, tạo thành điểm nóng" - Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương giảm tình trạng di dân tự do, hoàn thành dứt điểm dự án ổn định dân di cư tự do kéo dài nhiều năm. Ngoài ra, các địa phương tổ chức đào tạo nghề để người dân di cư đến phải có đời sống ngang bằng với dân cư tại chỗ. Thủ tướng cũng yêu cầu phải thanh tra, kiểm tra để giải quyết triệt để những vụ tranh chấp, khiếu nại về đất đai. Đối với đất nông lâm trường phải xác lập "đất có chủ", không để tình trạng thiếu rõ ràng về ranh giới, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện, tức phải đo đạc để lập hồ sơ quản lý.

Bên cạnh đó, các chính sách lạc hậu cần được bãi bỏ. Các chính sách không thể là rào cản để giải quyết ổn định dân cư, quản lý đất đai nông lâm trường, sự phát triển đất nước…

Trần Giang

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...