789

Giải pháp cho quyền bình đẳng phụ nữ Việt Nam

Thứ Ba, 13/10/2020 03:27 PM (GMT+7)

Mục tiêu thúc đẩy quyền bình đẳng cho chị em phụ nữ đang được Việt Nam thực hiện rất tốt.

Việt nam luôn đặt mục tiêu phấn đấu thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong bộ máy Nhà nước. Điều này nhằm mang đến sự cân bằng trong cơ cấu dân số, thúc đẩy an ninh xã hội.

Quyết định về quyền bình đẳng cho phụ nữ tại Việt Nam

Tại Hội thảo rà soát toàn diện cấp quốc gia sau 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một trong những văn kiện toàn diện nhất của thế giới về bình đẳng giới và trao quyền của phụ nữ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) với sự hỗ trợ của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức ngày 6/5/2019, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà đề nghị các chuyên gia quốc tế và trong nước, các thành viên Ban soạn thảo và các đại biểu tham dự hội thảo trên cơ sở rà soát và phân tích số liệu cụ thể tập trung thảo luận vào những kết quả đạt được cũng như những khó khăn trong quá trình thực hiện 12 lĩnh vực của Cương lĩnh Đặc biệt.

quyen-binh-dang-phu-nu

Năm 2020, cả thế giới sẽ kỷ niệm 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, đồng thời 5 năm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, năm 2020 cũng là năm cuối cùng của Chiến lược quốc gia đầu tiên về bình đẳng giới và Chính phủ sẽ chuẩn bị chiến lược bình đẳng giới mới trong giai đoạn 2021-2030. Vì vậy, quá trình chuẩn bị trong năm 2019 để đánh giá và rà soát toàn diện việc thực thi bình đẳng giới với sự tham gia của tất cả các bên liên quan là đặc biệt quan trọng.

Thời gian qua, Việt Nam đã quyết tâm trong thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh thông qua việc đẩy mạnh công tác lồng ghép giới trong xây dựng và thực thi luật pháp; ban hành chương trình và đề án cụ thể về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; triển khai mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của của phụ nữ trong toàn xã hội. Những nỗ lực này đã giúp cho vai trò và địa vị của phụ nữ Việt Nam ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1% cao hơn mức trung bình của cả khu vực lẫn toàn cầu.

Theo đánh giá của quốc tế, hiện nay, tỷ lệ nữ chủ doanh nghiệp của Việt Nam đạt 31,3% trên tổng số chủ doanh nghiệp. Tỷ lệ tạo việc làm mới cho lao động nữ luôn đạt ở mức hơn 48% trong 5 năm qua.

Những khó khăn và thách thức

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn gặp khó khăn và thách thức trong quá trình thực hiện. Bất bình đẳng giới còn tồn tại rõ rệt trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; nhiều vụ bạo lực và xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái xảy ra có diễn biến hết sức phức tạp; việc xử lý và can thiệp các vụ việc bạo lực này vẫn còn gặp khó khăn và đôi khi chưa được xử lý kịp thời, thỏa đáng gây ra bất bình trong xã hội...

Theo nhiều nghiên cứ chỉ ra, nguyên nhân chính dẫn đến sự phân biệt đối xử với phụ nữ là tư tưởng trọng nam, khinh nữ còn dai dẳng; bất bình đẳng trong tuổi nghỉ hưu, tạo rào cản cho phụ nữ tiếp cận quyền tham chính nên tỷ lệ phụ nữ tham chính thấp; hạn chế trong tiếp cận việc làm nên tỷ lệ phụ nữ thất nghiệp còn cao; hạn chế trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên còn tỷ suất tử vong mẹ còn cao so với một số nước trong khu vực; quyền bình đẳng trong hôn nhân và gia đình chưa được bảo đảm tốt, dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ; hạn chế trong hưởng thụ các quyền an sinh xã hội; hạn chế trong tiếp cận quyền văn hóa, xã hội; đặc biệt là chưa quan tâm đúng mức đến bảo đảm quyền của phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số...

Tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 ở cấp xã chỉ đạt 19,69%; cấp huyện chỉ đạt 14,3%; cấp tỉnh chỉ đạt 13,3%(1). Nữ đại biểu Quốc hội Khóa XIV đạt 133 người (tỷ lệ 26,80%)(2) nhưng vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã đặt ra. Trong tổng số 10 cơ quan của Quốc hội, chỉ có 1 cơ quan có tỷ lệ lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 60%. Chỉ có 13,7% nữ đại biểu tham gia giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan của Quốc hội và chủ yếu tập trung vào các cơ quan văn hóa - xã hội, thiếu vắng phụ nữ trong các cơ quan Quốc hội về kinh tế, đối ngoại, tài chính, pháp luật(3)...

Tỷ lệ phụ nữ tham gia đại biểu HĐND cấp xã đạt 26,59%; cấp huyện đạt 27,85%; cấp tỉnh đạt 26,54%; nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý cấp xã dưới 5%, trong đó phần lớn là các tỉnh, thành phố phía Bắc

Tỷ lệ hộ gia đình có nam giới là chủ sở hữu quyền sử dụng đất duy nhất là 74,2%, trong khi đó ở vùng nông thôn đồng bằng là 40,6%. Trong khi 36% giấy chứng nhận sử dụng đất của người Kinh có tên cả vợ và chồng thì con số này ở người dân tộc thiểu số chỉ là 21%(5).

Theo số liệu tổng hợp của 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy chỉ tính riêng năm 2016, số vụ bạo lực gia đình có nạn nhân là phụ nữ là 9733 vụ(6). Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh - hệ lụy của nạn phân biệt đối xử đáng báo động ở Việt Nam khi năm 2015, tỷ số giới tính khi sinh tại nước ta là 112,8/100 đến năm 2016, tỷ lệ này đã tới 113,4/100(7).

quyen-binh-dang-phu-nu2

Toàn xã hội cần nhận thức rõ bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ Việt Nam là yêu cầu khách quan của sự phát triển đất nước. Nó cũng xuất phát từ yêu cầu thực hiện trách nhiệm của quốc gia thành viên Liên hợp quốc trước cộng đồng quốc tế và khu vực. Nó cũng là một nội dung của việc đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vào thực tiễn đời sống.

Để làm được điều đó, phụ nữ cần rèn luyện đức tính tự tin để có bản lĩnh vượt qua định kiến giới và hướng đến mục tiêu tự khẳng định mình. Phụ nữ phải thể hiện mình thật sự có vai trò trong cuộc sống gia đình và ngoài xã hội; tự đào tạo, bồi dưỡng để bù đắp những thiếu hụt của bản thân, để đảm bảo điều kiện cần và đủ sẵn sàng nhận giữ trọng trách mới. Phụ nữ phải có sự tôn vinh lẫn nhau, tránh tình trạng níu kéo nhau giữa cán bộ nữ và xem thái độ ứng xử ấy như một cách khẳng định phẩm chất lãnh đạo của mình.

Nhất thiết không thể ỉ lại mình là phụ nữ để an phận, thủ thường, cho phép bằng lòng với hiện tại. Kể cả phụ nữ trí thức phải vượt qua được tâm lý an phận, khi đã đạt được trình độ nhất định thì tự thỏa mãn, không tiếp tục phấn đấu học hỏi. Tức là nữ trí thức phải luôn có ý thức cầu tiến, độc lập trong tư duy; sống có mục đích và lý tưởng.

Phụ nữ phải phấn đấu học hỏi, chú trọng rèn luyện kỹ năng sống, tự tin, sáng tạo, quyết đoán, biết hoạch định kế hoạch, biết đối mặt với áp lực, biết chăm sóc bản thân và gia đình.

Thế kỷ XXI đã và đang đề cao vai trò của người phụ nữ, điều đó đòi hỏi phụ nữ phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao vai trò và sự đề cao của xã hội. Hiện nay, phụ nữ tham gia hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng phụ nữ cũng không được phép lãng quên trách nhiệm phải làm tròn vai trò của người mẹ, người vợ trong gia đình. Mỗi phụ nữ phải luôn có

ý thức trau dồi tứ đức Công - Dung - Ngôn - Hạnh. Phải làm tròn vai trò làm mẹ, có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục con khôn lớn trưởng thành. Phụ nữ còn là người thầy đầu tiên của con, đối xử bình đẳng, công bằng đối với các con.

Thực tế đã minh chứng, nếu phụ nữ nỗ lực đạt được nhiều thành công trong cuộc sống, sự nghiệp thì chính họ đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên to lớn cho các chị em gái, con gái họ trong gia đình và cho các đồng nghiệp nữ trong cơ quan, đoàn thể để họ vững tâm, tự tin phấn đấu vươn lên.

Ngô Thị Hồng Duyên

Cùng chuyên mục

Nhân ngày tránh thai thế giới 26/09, cùng tìm hiểu về màng phim tránh thai

Màng phim tránh thai VCF (còn gọi là film tránh thai hay màng tránh thai) là lựa chọn biện pháp tránh thai. Nhưng màng phim...

Để cuộc nói chuyện về giới tính với con trở nên tinh tế

Giáo dục giới tính cho trẻ giúp trẻ hiểu rõ về bản thân, có khả năng tránh khỏi nhiều nguy cơ xấu. Song trong...

Những sai lầm của cha mẹ khi giáo dục giới tính cho trẻ

Xung quanh việc giáo dục giới tính cho trẻ, bản thân cha mẹ vẫn có những hiểu nhầm, từ đó việc làm thế nào...

Con xuất hiện xu hướng đồng tính, phụ huynh cần làm gì?

Mỗi cá nhân sẽ có 4 đặc điểm: Giới tính sinh học, bản dạng giới, thể hiện giới, xu hướng tính dục. Các...