Hàng trăm trẻ phải đi khám dậy thì sớm mỗi năm

Thứ Bảy, 06/06/2020 09:22 AM (GMT+7)

Ở nước ta, trẻ gái dậy thì sớm chiếm tỷ lệ cao hơn trẻ nam. Ở dậy thì sớm trung ương, tỷ lệ nữ bị dậy thì sớm gấp 20 lần nam.

day-thi-som

TS.BS Bùi Phương Thảo, Phó trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho hay những năm gần đây, mỗi năm, khoa tiếp nhận trên 350 trẻ đến khám, điều trị vì dậy thì sớm. Con số này cách đây 10 năm chỉ khoảng 10 trẻ.

Hiện tại, khoa Nội tiết - Chuyển hóa di truyền đang quản lý hơn 1.000 bệnh nhi bị dậy thì sớm, trong đó, trên 500 trẻ đang được điều trị bằng thuốc ức chế.

"Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tiếp nhận 107 bệnh nhi dậy thì sớm. Dự kiến, 60-80% được điều trị", TS Thảo cho hay.

Theo TS Thảo, tuổi dậy thì ở cả nam và nữ ngày càng giảm. Cách đây 100 năm, nữ giới có kinh nguyệt từ 15-16 tuổi; giai đoạn năm 1990, giảm xuống ở 11-12 tuổi. Sau 30 năm, tuổi dậy thì của bé gái hiện tại là 8-13 tuổi, bé trai 9-14 tuổi.

 Khoa Nội tiết - Chuyển hóa di truyền, BV Nhi Trung ương, đang quản lý hơn 1.000 bệnh nhi bị dậy thì sớm, trong đó, trên 500 trẻ đang được điều trị bằng thuốc ức chế. Ảnh: T.L.Dậy thì sớm ở trẻ em có hai loại: Ngoại biên và trung ương. Dậy thì sớm ngoại biên có bất thường và u nang buồng trứng, bệnh lý di truyền gây tiết hormone sinh dục. Dậy thì sớm trung ương có sự bất thường hoặc khối u trong não, gây kích thích tuyến sinh dục.

Độ tuổi nhỏ nhất được chẩn đoán và điều trị dậy thì sớm là vài tháng tuổi. Những bệnh nhi này đều mắc bệnh lý di truyền. Với dậy thì sớm trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương từng điều trị cho nhiều bé gái 3-4 tuổi có khối bất thường trong não dẫn đến việc có kinh nguyệt.

TS Thảo cho biết xuất hiện đặc tính sinh dục trước 8 tuổi với bé gái (phát triển tuyến vú, có kinh nguyệt…) và trước 9 tuổi với bé trai (có cơ bắp, ria mép, giọng ồm…), chiều cao tăng nhanh hơn 6 cm/năm là những biểu hiện của dậy thì sớm.

Để chẩn đoán dậy thì sớm, các bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, theo dõi cấp độ tăng trưởng, đánh giá mức độ dậy thì của trẻ qua tuổi xương chụp cổ tay trái, siêu âm tử cung, buồng trứng, khối thượng thận… Một số trường hợp sẽ chụp cộng hưởng từ não để chẩn đoán.

Ở nước ta, trẻ gái dậy thì sớm chiếm tỷ lệ cao hơn trẻ nam. Ở dậy thì sớm trung ương, tỷ lệ nữ bị dậy thì sớm gấp 20 lần nam.

Tuy nhiên, trẻ nam dậy thì sớm có tỷ lệ mắc các bệnh về não rất lớn. “Nguyên nhân của dậy thì sớm trung ương 90-95% ở nữ là vô căn, 5-10% có bất thường ở não, u não, dị tật não. Ở trẻ trai, khoảng 40-50% có u não, bất thường não, dị tật não. Vì thế, chúng tôi chỉ định chụp MRI tất cả trẻ trai để chẩn đoán”, TS Thảo cho hay.

TS Thảo nói rõ với trẻ dậy thì sớm, nếu không điều trị, các trẻ nữ khi lớn sẽ thấp hơn các bạn trung bình 12 cm. Với trẻ nam, con số này là 20 cm.

Trần Thanh Tùng

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...