789

Hình ảnh đáng yêu của bé gái đầu tiên ra đời nhờ "mang thai hộ"

Thứ Sáu, 22/01/2016 09:44 AM (GMT+7)

Em bé bụ bẫm, kháu khỉnh chào đời trong niềm vui vỡ òa của cha mẹ và các y bác sĩ.

* Nhân vật trong bài được thay tên

7h20 phút sáng 22/1, bé gái Đinh Quỳnh Anh – em bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp mang thai hộ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã được trao tới tay bố mẹ đẻ của em, bé nặng 3,6kg, rất kháu khỉnh.

Em bé chào đời ở tuần thai thứ 38, do chính GS.TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế mổ lấy thai.

Suốt 16 năm chờ đợi, gia đình anh chị Minh đã được đón đứa con mang dòng máu, gene của chính mình.

Người mang thai hộ cho gia đình chị Minh là người cô họ, năm nay 46 tuổi, bắt đầu thụ thai từ tháng 3/2015.

Chị chia sẻ: "Bản thân chị đã mổ nội soi  từ năm 2001, chị có bất thường về tử cung nên không thể tự mình mang thai, dù buồng trứng hay chức năng sinh lý khác đều bình thường"

“Bác sĩ nói, chỉ chờ đợi khi nhà nước cho phép mang thai hộ, vợ chồng chị mới có khả năng làm cha mẹ” – chị Minh chia sẻ.

Vì thế, khi nghe tin Nhà nước cho phép mang thai hộ, anh chị vui mừng khôn kể. Ngay ngày hôm sau khi nghe tin, chị đã đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương hỏi chi tiết về mang thai hộ để có cơ hội được đón nhận niềm vui thiêng liêng này.

Chi phí cho một ca mang thai hộ không khác gì so với kinh phí thụ tinh trong ống nghiệm.

Đón bé từ tay GS.TS Nguyễn Viết Tiến, chia sẻ trong thời khắc hạnh phúc, thiêng liêng, chị Minh không ngăn nổi dòng nước mắt, nghẹn ngào: Tôi không biết nói gì hơn. Chồng tôi đặt tên con là Đinh Quỳnh Anh. Chúng tôi sẽ nhờ cô họ - người mang thai hộ gia đình tôi – hỗ trợ nuôi con trong tháng đầu tiên. Sau đó, chúng tôi sẽ tự mình nuôi con.

“Thật sự chúng tôi rất hạnh phúc. 16 năm trời chờ đợi cơ mà. 18 năm cưới nhau, chúng tôi đã chờ đợi quá lâu rồi. Chúng tôi cũng không ngại dư luận đâu” – bố đẻ bé Đinh Quỳnh Anh chia sẻ.

Tại buổi họp báo ngay sau giờ phút hạnh phúc đón đứa bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp mang thai hộ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, GS.TS Nguyễn Viết Tiến xúc động chia sẻ: "Chứng kiến em bé chào đời, chúng ta khẳng định được rằng Luật Hôn nhân và Gia đình đã được sửa đổi, trong đó điều khoản về mang thai hộ, đã đi vào cuộc sống với kết quả rất tốt.

Nó cũng cho thấy rằng, những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn nhưng vì lý do người vợ không mang thai được, trong khi người vợ có noãn, chồng vẫn có tinh trùng thì vẫn có thể mang thai hộ được, vẫn còn cơ hội làm cha, làm mẹ.

“Nếu không có quy định sửa đổi này, chúng ta sẽ không bao giờ chứng kiến được thời khắc hạnh phúc sau hàng chục năm chờ đợi đằng đẵng đã đón trên tay đứa con của chính mình. Trước đó, để làm cha, làm mẹ, họ chỉ có thể nhận con nuôi” – GS Nguyễn Viết Tiến nói.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng cho rằng, qua đây, chúng ta cũng có thể khẳng định, kỹ thuật mang thai hộ của Việt Nam ngang tầm thế giới, chúng ta đã làm chủ được kỹ thuật. Bởi kỹ thuật mang thai hộ so với thụ tinh trong ống nghiệm thông thường thì khó hơn. Việc lấy noãn của người phụ nữ khó hơn với những người không có tử cung, hoặc bệnh lý không thể mang thai (bị bệnh tim, thận, cao huyết áp, không có chỉ định mang thai), thì phải mang thai hộ, nếu kích thích buồng trứng cho những đối tượng này cũng đối mặt nguy cơ rủi ro, thậm chí đe dọa tính mạng.

“Bản thân tôi rất vui mừng vì tôi đã tham gia sửa đổi Luật, Nghị định. Chúng tôi cũng là người triển khai, thực hiện, đưa ra các yếu tố, điều kiện thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Rõ ràng, khi một luật được ban hành, đòi hỏi thực hiện nghiêm, Bộ Y tế đã rất thận trọng đến mức chỉ cho 3 trung tâm tại 3 miền thực hiện kỹ thuật này. Những lý do được đưa ra, vì số lượng bệnh nhân yêu cầu mang thai hộ không nhiều; Để thực hiện được mang thai hộ cũng đòi hỏi kỹ thuật của Bệnh viện cao; Thực hiện kỹ thuật mang thai hộ đòi hỏi nhiều giấy tờ chứng minh, với 14 con dấu đếm được” – GS. TS Nguyễn Viết Tiến nói.

GS Nguyễn Viết Tiến cũng thông tin: Lúc đầu chúng tôi làm, những trường hợp này khó e rằng khó thành công, nhưng khi bắt tay vào triển khai kỹ thuật rồi, đối với những trường hợp khó thì tỷ lệ thành công cao hơn, tỷ lệ thành công ở nhóm bệnh lý là 60-70%.

Số lượng hồ sơ đã được duyệt đầy đủ là hơn 60 cặp hồ sơ. Toàn quốc gia khoảng xấp xỉ 100 hồ sơ. Tỷ lệ này tương đương nước ngoài.

Qua ca mang thai hộ đầu tiên thành công này, chúng tôi muốn truyền đi thông điệp: Nên tuyệt đối tin tưởng bác sĩ. Nhưng chúng tôi cũng luôn tự nhủ rằng, chỉ khi nào bệnh nhân không tìm thấy yếu tố khắc phục, điều trị được thì mới nghĩ về mang thai hộ. Còn với người bệnh, dù sao đi nữa vẫn phải cố gắng chữa cho chính bản thân  mình đã.

PGS.TS Vũ Bá Quyết – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: Để chúc mừng ca mang thai hộ đầu tiên thành công này, chúng tôi sẽ miễn phí toàn bộ viện phí cho gia đình. Bé sẽ được chăm sóc bình thường như những đứa trẻ khác.

Một vài hình ảnh đầu tiên về em bé này do PV Báo Gia đình & Xã hội ghi nhận tại bệnh viện:

Theo: Báo Gia đình & Xã hội

System

Cùng chuyên mục

Nhân ngày tránh thai thế giới 26/09, cùng tìm hiểu về màng phim tránh thai

Màng phim tránh thai VCF (còn gọi là film tránh thai hay màng tránh thai) là lựa chọn biện pháp tránh thai. Nhưng màng phim...

Để cuộc nói chuyện về giới tính với con trở nên tinh tế

Giáo dục giới tính cho trẻ giúp trẻ hiểu rõ về bản thân, có khả năng tránh khỏi nhiều nguy cơ xấu. Song trong...

Những sai lầm của cha mẹ khi giáo dục giới tính cho trẻ

Xung quanh việc giáo dục giới tính cho trẻ, bản thân cha mẹ vẫn có những hiểu nhầm, từ đó việc làm thế nào...

Con xuất hiện xu hướng đồng tính, phụ huynh cần làm gì?

Mỗi cá nhân sẽ có 4 đặc điểm: Giới tính sinh học, bản dạng giới, thể hiện giới, xu hướng tính dục. Các...