Khi chính sách dân số đi vào lòng dân

Thứ Ba, 28/04/2020 09:41 AM (GMT+7)

Trong những năm qua, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự quan tâm phối hợp của các Ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; đặc biệt sự tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân.

Nhờ vậy, đã mang lại một số kết quả đáng khích lệ góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

dan-so-lam-dong

Chất lượng dân số được nâng cao

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản về chỉ đạo triển khai công tác dân số cũng như đầu tư về vật lực, nhân lực, đặc biệt có nhiều chính sách phù hợp với lòng dân, nhất là hỗ trợ miễn phí vật tư y tế cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS)…

Để người dân nắm bắt kịp thời những kiến thức về dân số một cách cặn kẽ, Phòng Truyền thông, giáo dục của Chi cục DS-KHHGĐ Lâm Đồng chủ động phối hợp với các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện triển khai các nội dung như: Chăm sóc sức khỏe sinh sản; tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh; lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sàng lọc sau sinh (SLTS&SLSS); Luật Hôn nhân, gia đình; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng chống bạo lực gia đình...

Công tác truyền thông đã có nhiều đổi mới trong công tác tuyên truyền, mang lại hiệu quả cao. Hoạt động truyền thông được triển khai phù hợp với từng đối tượng, từng vùng, cụ thể: Ưu tiên vùng có mức sinh cao, vùng ĐBDTTS, vùng sâu, tập trung cho nhóm đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và sinh con một bề, các nhóm đối tượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhóm vị thành niên và thanh niên… Song song với công tác truyền thông công tác đào tạo tập huấn về chuyên môn, các chỉ thị, Nghị quyết cho cán bộ, người dân nhất là đội ngũ làm công tác Dân số - Y tế cũng được triển khai đồng bộ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã quan tâm mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

Nhờ vậy, mà đến nay người dân đã nhận thức được những lợi ích khi thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã dần chấp nhận quy mô gia đình nhỏ "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con". Các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội đã quan tâm lồng ghép công tác dân số vào chương trình công tác của từng đơn vị. Chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ trong đội tuổi sinh đẻ đã quan tâm đến sức khỏe của bản thân, chú trọng đến vấn đề sức khỏe sinh sản, khám phụ khoa và tự nguyện tham gia các chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ. Mặt khác, người dân đã hiểu được tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, lợi ích của việc SLTS&SLSS, hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh…

BS Đinh Đức Thọ, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: "Hàng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều ban hành các văn bản liên quan đến công tác dân số và chỉ đạo sát sao với các Sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan lồng ghép công tác dân số vào chương trình công tác và đánh giá hàng năm của mỗi đơn vị; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự tham gia tích cực của những người có uy tín trong cộng đồng, già làng, trưởng bản trong việc vận động người dân thực hiện công tác dân số… nhờ vậy công tác dân số tại Lâm Đồng mới đạt được kết quả trên. Tuy nhiên công tác dân số tại Lâm Đồng trong thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức".

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân

Lâm Đồng cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước đã thực hiện việc sáp nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập đã làm ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng của một số cán bộ, một số đã xin nghỉ hoặc chuyển công tác khác, điều đáng nói những người chuyển đi là những người đã gắn bó lâu năm với ngành, có thâm niên công tác. Chế độ đãi ngộ còn quá thấp nên đội ngũ cán bộ DS-KHHGĐ cấp xã thường xuyên chuyển công tác; những người mới thay chưa có kỹ năng diễn đạt trước đám đông cũng như nghiệp vụ quản lý công tác DS-KHHGĐ... Vì vậy, công tác tham mưu cho lãnh đạo các cấp còn hạn chế. Hiện nay một số địa phương có tâm lý chủ quan thỏa mãn với những kết quả đã đạt được nên buông lỏng trong việc chỉ đạo cũng như đầu tư kinh phí cho công tác dân số. Một số người dân hiểu chưa đúng về chính sách dân số nên đã chủ động sinh thêm con, trong đó có cả đảng viên, công chức… Mặt khác, hiện nay một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức, hiểu đúng về lợi ích của việc SLTS&SLSS, tác hại của việc tảo hôn và nhân cận huyết thống, ý nghĩa của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, khám phụ khoa…

Để khắc phục những khó khăn nêu trên, trước tiên cần phải triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông, trong đó chú trọng đến các Đề án, chiến dịch, các đợt truyền thông nhóm nhỏ, tại hộ gia đình; lồng ghép tuyên truyền về hệ lụy của việc lựa chọn giới tính thai nhi cho người dân, cấp phát tờ rơi cho các đối tượng, hộ gia đình. Tiếp tục lồng ghép công tác dân số vào cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch"; duy trì và mở rộng 87 mô hình chi hội kiểu mẫu thực hiện gia đình 5 không, 3 sạch với hội phụ nữ gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Có thể hiểu rằng, công tác dân số không chỉ dừng lại ở việc "đẻ ít, đẻ nhiều" mà phải hiểu dân số bao hàm nhiều vấn đề như: Dân số vàng, chất lượng dân số, quy mô và cơ cấu dân số; mất cân bằng giới tính và những vấn đề mới đặt ra… đúng như tinh thần Nghị quyết 21 là chuyển công tác DS-KHHGĐ sang Dân số và Phát triển.

BS Đinh Đức Thọ chia sẻ: "Để công tác dân số trong thời gian tới thành công, trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chính sách Dân số và Phát triển; nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số, SKSS, làm chuyển biến sâu sắc nhận thức, hành động, nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc thực hiện công tác dân số, SKSS/KHHGĐ… Đặc biệt là tránh chủ quan và thỏa mãn với những gì đã đạt được, cung cấp kịp thời các phương tiện, vật tư y tế có chất lượng để phục vụ cho mọi đối tượng khi có nhu cầu".

Trần Thị Hải Yến

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...