Khởi động dự án mới về dữ liệu dân số Công bố Báo cáo Tình hình Dân số Thế giới năm 2022

Thứ Sáu, 06/05/2022 04:00 PM (GMT+7)

           Ngày 5 tháng 5 năm 2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức Lễ khởi động dự án mới nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng và sử dụng dữ liệu về dân số và phát triển có chất lượng phục vụ xây dựng và giám sát các chính sách, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời theo dõi tiến độ đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Tại buổi lễ, Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2022 của UNFPA “Nhìn rõ những mảng tối: Các bằng chứng cho thấy cần phải hành động để ứng phó với cuộc khủng hoảng đang bị lãng quên - Mang thai ngoài kế hoạch” cũng được công bố.

          Việt Nam đang chuyển mình nhanh chóng để tăng trưởng và phát triển. Cả nước đang nỗ lực thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, và Kế hoạch  hành động quốc gia  thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Tương tự các quốc gia khác trên thế giới, đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động nghiêm trọng đối với Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là các biến động về dân số liên quan đến các sự kiện sinh, chết và di cư. Trong bối cảnh này, số liệu thống kê chất lượng và đáng tin cậy là yếu tố căn bản để xây dựng, thực hiện triển khai, giám sát và đánh giá tiến trình  đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững. 

          Với tổng kinh phí 1,9 triệu Đô-la Mỹ, thực hiện trong 5 năm, từ năm 2022 đến năm 2026, dự án mới mang mã số VNM10P04 được triển khai nhằm hỗ trợ Việt Nam áp dụng công nghệ và các nền tảng truyền thông mới trong việc thu thập, phân tích và phổ biến dữ liệu,  và đảm bảo các chính sách, chiến lược và chương trình dựa trên bằng chứng nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030. 

          Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bày tỏ: “Trong gần 45 năm hợp tác giữa Việt Nam và UNFPA, năng lực của Tổng cục Thống kê trong việc xây dựng và quản lý dữ liệu và số liệu thống kê đã được cải thiện đáng kể. Dự án chu kỳ 10 hợp tác giữa Tổng cục Thống kê và UNFPA phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Chúng tôi cam kết sẽ sẽ tận dụng tốt các nguồn lực của dự án để không ngừng phát triển nhằm cung cấp các dữ liệu kịp thời, có chất lượng cao, phục vụ công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy sự tăng trưởng quốc gia”.

z3391358385781_db83ed739143ab74681e162d1b3e534b

          Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ: “Chúng tôi bắt đầu triển khai Chương trình Quốc gia mới lần thứ 10 và TCTK là một trong những đối tác quan trọng nhất của UNFPA tại Việt Nam. Như chúng ta vẫn thường nói, những quốc gia có dữ liệu chất lượng là những quốc gia đạt được mức tăng trưởng kinh tế - xã hội ấn tượng. Dữ liệu tốt hơn, cuộc sống tốt hơn”.

Dự án mới sẽ tập trung vào:

  • Nâng cao năng lực  thu thập, phân tích và phổ biến dữ liệu về dân số và  sức khỏe sinh sản và tình dục (SKSS&TD) nhằm đạt được đầy đủ các tiềm năng “lợi tức nhân khẩu học”; 
  • Trang bị cho các nhà hoạch định chính sách kiến thức và kỹ năng về sử dụng nguồn dữ liệu mới; 
  • Khai thác các nguồn dữ liệu mới (các cuộc điều tra mới, Dữ liệu lớn và dữ liệu hành chính của ngành và liên ngành), truyền thông và quản lý dữ liệu (Ví dụ: trang  dữ liệu điện tử và kho dữ liệu) nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách dân số dựa trên bằng chứng, đồng thời có thể được sử dụng cho các hoạt động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu;
  • Nâng cao năng lực sử dụng dữ liệu cho vận động và xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng;
  • Cung cấp bằng chứng về hiệu quả đầu tư cho SKSS&TD, đặc biệt củng cố hệ thống quản lý tài chính công ở cấp địa phương để đảm bảo phân bổ và chi đủ ngân sách cho SKSS&TD.

          Tại sự kiện, UNFPA cũng trình bày những phát hiện chính trong báo cáo thường niên của tổ chức. Báo cáo “Tình trạng Dân số Thế giới” được công bố toàn cầu vào ngày 30 tháng 3 năm 2022. Báo cáo năm nay có tiêu đề “Nhìn rõ những mảng tối: Các bằng chứng cho thấy cần phải hành động để ứng phó với cuộc khủng hoảng đang bị lãng quên - Mang thai ngoài kế hoạch". Báo cáo nhấn mạnh rằng trong tổng số ca mang thai hàng năm trên toàn thế giới, thì gần nửa trong số đó và cụ thể là 121 triệu ca là mang thai ngoài kế hoạch. Đối với phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng, họ không có lựa chọn trong việc có mang thai hay không, trong khi đây là lựa chọn về sinh sản có tác động lớn nhất đến cuộc sống của họ. 

          Báo cáo cũng đưa ra cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng nhân quyền này gây ra những hậu quả rất nặng nề cho xã hội, phụ nữ và trẻ em gái, và sức khỏe toàn cầu. Hơn 60% trường hợp mang thai ngoài kế hoạch sẽ dẫn đến kết cục phá thai và có khoảng 45% số ca phá thai là không an toàn. Tỷ lệ tử vong mẹ do việc phá thai không an toàn chiếm 5 - 13% tổng số ca tử vong mẹ và gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của thế giới.

          Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe sinh sản và tình dục trong 20 năm qua. Tuy vậy, sự chênh lệch và bất bình đẳng liên quan đến sức khỏe sinh sản và tình dục vẫn còn tồn tại trong các cộng đồng dân cư khác nhau, bao gồm đồng bào dân tộc ít người, lao động nhập cư, thanh thiếu niên và những người sống ở vùng sâu, vùng xa. Các bằng chứng hiện tại cho thấy mặc dù tỷ lệ tử vong mẹ ở cấp quốc gia tại Việt Nam đã giảm xuống còn 46 ca tử vong mẹ/100.000 trẻ đẻ sống, nhưng ở các khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, tỷ lệ này vẫn còn cao hơn con số đó tới 2-3 lần. Đồng thời, tỷ lệ tử vong mẹ ở các bà mẹ dân tộc H'Mông cao hơn 7 lần so với các bà mẹ dân tộc Kinh. Ở những khu vực này, rất nhiều bà mẹ tử vong do việc mang thai và sinh con tại nhà. Thậm chí nhiều bà mẹ sinh con mà không có sự trợ giúp của người đỡ đẻ có kỹ năng. 

          Điều tra các Mục tiêu Phát triển Bền vững do Tổng cục Thống kê Việt Nam phối hợp với UNFPA và UNICEF thực hiện vào năm 2021 cho thấy chỉ có 72,2% phụ nữ đã kết hôn hài lòng với các biện pháp tránh thai hiện đại và  tỷ lệ này thậm chí còn giảm xuống còn 50,3% ở những  phụ nữ chưa kết hôn. Vấn đề này dường như còn đang diễn ra cấp bách ở những người chưa có gia đình, những đối tượng có nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình ước tính cao hơn 4 lần so với phụ nữ đã lập gia đình. 

          Liên quan đến khả năng ra quyết định về sinh sản và quan hệ tình dục của phụ nữ, Điều tra các Mục tiêu Phát triển Bền vững năm 2021 đã chỉ ra rằng trung bình có 84,8% phụ nữ Việt Nam tự quyết định về quan hệ tình dục và 70,4% tự quyết định về việc sử dụng các biện pháp tránh thai. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chỉ có 42,6% người dân tộc H'Mông và 61,4% phụ nữ không được đi học có thể tự ra quyết định về quan hệ tình dục. Đối với các quyết định về việc sử dụng các biện pháp tránh thai, chỉ có 25,5% trẻ vị thành niên và 54,2% thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 20-24 có thể tự ra quyết định. 

          Bà Kitahara kết luận tại sự kiện: “Đây là một nguyên nhân dẫn đến việc mang thai ngoài kế hoạch, đồng thời cũng là một phần của cuộc khủng hoảng vô hình đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta ở khắp mọi nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. UNFPA kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo địa phương ưu tiên quyền của phụ nữ và trẻ em gái, tạo thêm nhiều lựa chọn, bao gồm cả việc tiếp cận phổ cập tới các biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả và đảm bảo rằng mọi thanh thiếu niên - bao gồm cả trẻ em trai - đều nhận thức đầy đủ về các nguy cơ và biện pháp phòng tránh mang thai ngoài kế hoạch. Chúng ta cần lắng nghe tiếng nói của phụ nữ, hiểu rõ hơn nhu cầu của họ và tăng cường sự bình đẳng cho họ trên mọi lĩnh vực”.

           Các dự án mới của UNFPA trong khuôn khổ Chương trình Quốc gia lần thứ 10 sẽ hướng đến mục tiêu đạt được các kết quả mang tính chuyển đổi trong Kế hoạch Chiến lược chung của UNFPA, hướng tới việc Việt Nam sẽ không còn trường hợp tử vong mẹ khi có thể ngăn ngừa được, không còn nhu cầu kế hoạch hóa gia đình nào mà không được đáp ứng, và không còn các trường hợp bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác với phụ nữ và trẻ em gái. Chương trình trong 5 năm tới sẽ phù hợp với Khung Hợp tác Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc để Việt Nam thực hiện cam kết mang tính chuyển đổi “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. 

Nguồn: vietnam.unfpa.org

Nguyễn Thắm

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...