Loãng xương - bệnh nguy hiểm ở người cao tuổi

Chủ Nhật, 16/02/2020 08:48 AM (GMT+7)

Loãng xương là bệnh khá phổ biến và thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh tiến triển âm thầm nên người bệnh thường nhầm lẫn với các bệnh lý khác, dẫn đến không phát hiện sớm bệnh để phòng tránh và điều trị kịp thời.

loang-xuong-o-nguoi-cao-tuoi

Dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác

Cách đây không lâu, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân là cụ ông N.V.B. (83 tuổi, ngụ huyện Thống Nhất) bị gãy xẹp đốt sống do loãng xương gây nên. Trường hợp của bệnh nhân B. phải phẫu thuật bơm xi măng sinh học để cho đốt sống vững chắc, mặt khác phải điều trị đồng thời bệnh loãng xương.

Người nhà của cụ B. cho biết, cụ B. bị đau nhức vùng lưng đã mấy tháng nay, cứ nghĩ là bệnh đau nhức xương khớp người già nên tự mua thuốc chống đau nhức về uống. Không may trong lúc đi lại bị trượt té, dẫn đến đau dữ dội vùng thắt lưng cột sống và không thể vận động được nên gia đình đưa cụ B. vào bệnh viện khám mới biết cụ bị gãy xẹp 1 đốt sống do loãng xương gây nên.

Theo bác sĩ Trần Viết Hợi, Trưởng khoa Nội Bệnh Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai, trường hợp của cụ B. không phải hiếm gặp. Ước tính trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho khoảng 500 trường hợp loãng xương, trong đó có nhiều bệnh nhân bị gãy xương do loãng xương gây nên.

Loãng xương là một tình trạng rối loạn chuyển hóa làm giảm các chất khoáng trong xương, khiến sức chịu đựng của xương giảm dần, làm tăng nguy cơ bị gãy xương. Bệnh thường không có triệu chứng đặc hiệu, vì các triệu chứng thường gặp của bệnh loãng xương là đau nhức xương ở vùng cổ, vai và lưng, dấu hiệu này rất giống một số bệnh lý khác như: thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm cột sống… do đó người bệnh rất dễ nhầm lẫn. Thực tế cho thấy, bệnh nhân đến bệnh viện khám loãng xương hay đo mật độ xương không nhiều, chủ yếu là khám các bệnh lý nội khoa khác và kèm theo đau nhức xương khớp thì mới phát hiện ra bệnh.

“Với những người cao tuổi khi đến khám, nếu có kèm theo đau nhức xương khớp hoặc có nhiều yếu tố nguy cơ của loãng xương, chúng tôi sẽ tư vấn và khuyên bệnh nhân đo mật độ xương. Vì triệu chứng của bệnh không rầm rộ và không đặc hiệu nên rất dễ bị bỏ sót bệnh. Do đó, đo mật độ xương là cách nhanh nhất và chính xác nhất để phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác một người nào đó có bị loãng xương hay không” - bác sĩ Hợi nói.

* Biến chứng nguy hiểm và cách phòng ngừa bệnh

Theo bác sĩ Hợi, các yếu tố nguy cơ chính dẫn đến loãng xương chủ yếu là phụ nữ sau mãn kinh và người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Ngoài ra, khi người bệnh có một số bệnh lý khác như: suy thận, đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp (cường giáp) hay khi lạm dụng thuốc steroid điều trị chống giảm đau xương khớp cũng làm tăng nguy cơ loãng xương. Bệnh nhân nào có nhiều yếu tố thì nguy cơ bị loãng xương và gãy xương càng cao.

Khi có một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến loãng xương, người bệnh nên chú ý và cần đến các cơ sở y tế để khám, tư vấn và đo mật độ xương, bởi biến chứng của loãng xương rất nguy hiểm. Với người cao tuổi nếu bị loãng xương khi té ngã rất dễ bị gãy xương, khi đó người bệnh sẽ phải điều trị kết hợp vừa gãy xương vừa điều trị loãng xương. Khi bị gãy xương thường lâu lành và gây ra một số bệnh khác về hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, thần kinh. Nguy hiểm nhất có thể dẫn đến tàn tật, giảm khả năng vận động, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và thậm chí là tử vong.

Sau đây là các cách phòng ngừa bệnh loãng xương ở người già

Phơi nắng

Dưới làn da của chúng ta có vitamin D. Khi tiếp xúc với nắng, vitamin này sẽ được kích hoạt và chuyển đổi thành vitamin D3. Dạng hoạt tính của vitamin này hữu dụng đối với việc duy trì mật độ và sức khỏe xương. Không cần mất nhiều thời gian cho việc kích hoạt vitamin D3 trong cơ thể, chỉ phơi nắng 10 phút trước 9 giờ sáng và sau 3 giờ chiều là được.

Việc hấp thu đầy đủ canxi và vitamin D thời trẻ là điều quan trọng phải xem xét nếu bạn muốn tránh bị loãng xương.

Uống sữa

Sữa được xem là nguồn cung cấp canxi tốt nhất để ngăn chặn tình trạng mất xương. Hãy tập thói quen thường xuyên uống sữa và các loại thực phẩm chứa canxi khác như hạnh nhân, cá mòi, cá hồi, ngũ cốc, nước cam và rau xanh.

Tập thể dục

Hoạt động thể chất là chìa khóa để duy trì sức khỏe xương. Hãy đảm bảo tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Hãy chọn môn thể dục có tác dụng căng duỗi xương để tăng cường mật độ xương. Bạn có thể lựa chọn các loại hình vận động như tập yoga, chạy hoặc các bài tập tăng cường sức bền.

Hạn chế rượu và soda

Việc uống rượu hay soda quá mức làm tăng nguy cơ loãng xương bởi nó có thể làm giảm khả năng hấp thu canxi và làm cạn kiệt nguồn dự trữ loại khoáng chất này. Vì vậy, bạn nên hạn chế uống.

Không hút thuốc

Hút thuốc cản trở quá trình điều trị gãy xương và làm giảm khả năng tái tạo xương của cơ thể. Bạn có thể gia tăng sức mạnh của xương và khả năng phục hồi sau chấn thương ngay khi ngừng hút thuốc.

Giảm muối 

Cho dù chưa khẳng định chắc chắn là muối có tác động tới bệnh loãng xương nhưng có một mối quan hệ giữa lượng sodium cao và mất xương, đặc biệt đối với người huyết áp cao. Nói chung, muối làm tăng lượng canxi bài tiết trong nước tiểu và mồ hôi, từ đó có thể thúc đẩy sự mất xương nếu bạn đã thiếu hụt canxi. 

Thuốc men 

Một số loại thuốc dùng để trị bệnh trầm cảm, chứng trào ngược a xít... có thể làm tăng nguy cơ loãng xương. Vì vậy, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng những loại thuốc này.

Kiểm tra định kỳ

Bạn nên ưu tiên việc kiểm tra tình trạng xương thường xuyên, kiểm tra là cách duy nhất để phát hiện mất xương. Khi bạn càng có tuổi, nguy cơ loãng xương càng cao.

Ngô Thị Hồng Duyên

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...