Mức sinh ở Hậu Giang tăng trở lại: Tín hiệu đáng mừng

Thứ Sáu, 03/03/2023 10:41 AM (GMT+7)

Năm nay mức sinh của tỉnh Hậu Giang đã tăng trở lại sau nhiều năm giảm liên tục. Đây chính là tín hiệu đáng mừng của ngành dân số nói riêng và cả tỉnh nói chung. Chính vì vậy để mức sinh tiếp tục tăng một cách bền vững, cần tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp trong giai đoạn mới.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hậu Giang Võ Thị Hoàng Loan, tổng tỉ suất sinh của tỉnh giảm qua hàng năm. Hậu Giang là một trong 21 tỉnh, thành phố trong cả nước có mức sinh thay thế thấp. Cụ thể, năm 2017 đạt 1,59 con/bà mẹ; năm 2022 đạt 1,44 con/bà mẹ, thấp hơn so với chỉ tiêu mức sinh thay thế 2,1 con/bà mẹ đến năm 2030.

“Nếu mức sinh thấp trong thời gian dài sẽ tác động trực tiếp đến tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên và làm cho quy mô dân số ngày càng bị thu hẹp, tăng tình trạng thiếu hụt lao động, đẩy nhanh già hóa dân số. Nguyên nhân đạt mức sinh thấp là do đa số các cặp vợ chồng trẻ của tỉnh đều đã quen với mô hình sinh ít con” – bà Loan thông tin thêm. 

Trước những thách thức đó, ngành dân số trong năm 2022 đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để nâng mức sinh của tỉnh. Trong năm, đã tham mưu ban hành Chỉ thị số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân số và nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2030; Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh Quy định một số chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; Kế hoạch số 196 của UBND tỉnh,... Qua đó, nhằm trợ lực cho công tác dân số, bao gồm các chính sách khuyến khích tăng sinh.

Cùng đó, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai có hiệu quả mô hình sinh đủ 2 con. Sơ kết mô hình giai đoạn 2019-2021, tỉnh đã công nhận 38/138 ấp, khu vực đăng ký thực hiện đạt mô hình 3 năm liên tục. Năm 2022, đã phối hợp triển khai có hiệu quả các mô hình “Đồng bào công giáo thực hiện mô hình sinh đủ 2 con và nâng cao chất lượng dân số”; “Dân vận khéo trong vận động sinh đủ 2 con và nâng cao chất lượng dân số”,... Từ đó, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân, nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.

Với những nỗ lực trên, đến cuối năm 2022, tổng tỷ suất sinh của tỉnh đã đạt 1,44 con/phụ nữ. Trong năm, có 6.913 trẻ sinh, tăng 1.453 trẻ so cùng kỳ năm 2021. Đáng mừng hơn vì trong đó có 3.491 bé trai và 3.422 bé gái, tỷ số giới tính khi sinh khá cân bằng ở mức 102,02 bé trai/100 bé gái. Trong đó, có 283 trẻ sinh lần 3 trở lên, chiếm tỷ lệ 4,09%, tất cả đều không thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Tỷ suất sinh thô thực hiện đạt 9,46% và tỷ suất gia tăng dân số tự nhiên đạt 6,96%, vượt so với chỉ tiêu kế hoạch năm.

Bà Hồ Thu Ánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang tặng Bằng khen cho gia đình có thành tích xuất sắc trong thực hiện dân số, sinh đủ hai con một bề là gái.

Bà Hồ Thu Ánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang tặng Bằng khen cho gia đình có thành tích xuất sắc trong thực hiện dân số, sinh đủ hai con một bề là gái.

Để tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về việc sinh đủ 2 con, cần có sự nỗ lực tuyên truyền, vận động sát sao và bền bỉ. Huyện Châu Thành A là một trong những địa phương thực hiện mô hình sinh đủ 2 con đạt nhiều kết quả nổi bật giai đoạn vừa qua. Hiện nay, huyện đã có 10/10 xã, thị trấn đăng ký thực hiện mô hình. Năm 2022, huyện có tỷ lệ chung sinh đủ 2 con đạt 65,44%, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu tỉnh giao là đạt 40% trở lên. Qua thực tế triển khai mô hình đạt hiệu quả, địa phương này cũng đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm hay.

Bà Trương Ngọc Điệp, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, cho biết: “Thời gian qua, việc triển khai mô hình nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng thực hiện mô hình được người dân đồng tình, hưởng ứng. Các chính sách hỗ trợ, khen thưởng của tỉnh là động lực khuyến khích người dân tham gia mô hình. Bên cạnh đó, công tác rà soát, thống kê, vận động của lực lượng cộng tác viên dân số cũng là yếu tố quan trọng trong thực hiện mô hình”. Từ đó có thể thấy, các giải pháp nâng cao mức sinh đang được tỉnh áp dụng là đúng hướng và có hiệu quả.

Nâng cao mức sinh của tỉnh không chỉ là nhiệm vụ của ngành dân số, mà là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. Với những chuyển biến tích cực trong năm qua, có thể vững tin tiến gần hơn với mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ thời gian tới.

Vũ Phương Bảo Khanh

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...