Nam Định từng bước giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Thứ Tư, 19/10/2022 11:11 AM (GMT+7)

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở tỉnh Nam Định những năm qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ Tuy nhiên, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức cao so với các địa phương khác trong cả nước, dao động từ 114,5-115 bé trai/100 bé gái.

Để hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về công tác dân số và phát triển. Các cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả nhiều giải pháp. Trong đó chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về biện pháp can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; đẩy mạnh truyền thông, giáo dục các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân số và phát triển, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước.

Tỉnh cũng đã chú trọng tuyên truyền các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền về thực trạng nguyên nhân và những hệ lụy nghiêm trọng trong tương lai của việc mất cân bằng giới tính khi sinh; giáo dục, vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu của một bộ phận người dân muốn sinh bằng được con trai để “nối dõi tông đường”.

Chi cục DS-KHHGD đã triển khai nhiều hoạt động can thiệp tích cực như: phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức truyền thông nhóm nhỏ, tư vấn tại gia đình, cộng đồng, nói chuyện chuyên đề dành riêng cho các đối tượng như: các cặp vợ chồng, nam giới, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên, những người có uy tín trong cộng đồng về mất cân bằng giới tính khi sinh và các hệ lụy của nó, các biện pháp can thiệp để giảm thiểu tình trạng này. Phối hợp với Thanh tra Sở Y tế tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định cấm lựa chọn giới tính thai nhi ở các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế trên địa bàn. Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm không dễ dàng, vì trên các tờ kết quả siêu âm thai không ghi giới tính thai nhi, vi phạm rõ ràng khi bác sĩ thông báo bằng lời cho người đến khám nhưng nếu muốn xử lý được đòi hỏi phải có bằng chứng, chứng cứ rõ ràng.

B8AEA5E8-63E0-4DF0-A133-2F595B088318

Ảnh: Nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh tại xã Tân Khánh, huyện Vụ Bản

Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng các phong trào thi đua liên quan đến công tác dân số và nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội như: Thực hiện tốt cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ sinh con một bề làm kinh tế giỏi”; Tổ chức cho hội viên ký cam kết không lựa chọn giới tính thai nhi; Mỗi hội viên phụ nữ là một tuyên truyền viên dân số ở khu dân cư. Các ngành chức năng, các đoàn thể triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái học nghề, vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, giới thiệu việc làm cho phụ nữ, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Bằng các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, từ năm 2016 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh tại tỉnh ta đang dần được kiểm soát, kiềm chế gia tăng, tuy nhiên mức giảm không đáng kể. Năm 2016 là 115 bé trai/100 bé gái; các năm 2017-2019 là 114,5 bé trai/100 bé gái; năm 2020 là 114 bé trai/100 bé gái và năm 2021 là 113,9 bé trai/100 bé gái. Trong 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh có 16.728 trẻ sinh ra, giảm 1.092 trẻ so với cùng kỳ năm 2021; tỷ số giới tính khi sinh là 115 bé trai/100 bé gái.

Để khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng, tự nhiên, rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành và toàn xã hội. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật Bình đẳng giới, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc thực hiện bình đẳng giới của toàn xã hội. Xây dựng, thử nghiệm và mở rộng triển khai các mô hình kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giới, bình đẳng giới trong các trường trung học; mô hình hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái. Nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về lựa chọn giới tính thai nhi. Phấn đấu năm 2022 tỷ số giới tính khi sinh còn 113,6 bé trai/100 bé gái; đưa tỷ số này về mức 113 bé trai/100 bé gái vào năm 2025./.

Nguyễn Phương Liên

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...