789

Những đối tượng dễ mắc bệnh gout

Thứ Hai, 18/11/2019 01:54 PM (GMT+7)

Với việc trang bị các kiến thức về bệnh cùng với một lối sống khỏe mạnh bạn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh gout cho chính mình.

benh-gout

Bệnh gout là gì?

Gout là một dạng viêm khớp gây đau đớn, bệnh có liên quan đến axit uric.

Axit uric là một chất thải do cơ thể tạo ra khi tiêu hóa một số loại thực phẩm. Khi nồng độ axit uric trong máu cao sẽ khiến các tinh thể của nó tích tụ trong khớp, kích hoạt tình trạng sưng viêm và đau dữ dội.

Các nguyên nhân bệnh gout

Gout là một bệnh phức tạp. Có nhiều yếu tố đóng vai trò nguyên nhân dẫn đến bệnh gout.

Nguyên nhân bệnh gout cơ bản và trực tiếp nhất là do axit uric tích tụ trong cơ thể quá nhiều, khiến các tinh thể muối natri urate tích tụ trong khớp gây viêm khớp.

Bệnh gout xảy ra khi nồng độ urate trong máu luôn trên mức giới hạn cho phép trong suốt thời gian dài, tạo điều kiện cho tinh thể urate hình thành. Khoảng 2/3 lượng urate trong cơ thể chúng ta đến từ sự phân hủy lượng purin tự nhiên trong tế bào. 1/3 lượng urate còn lại đến từ hoạt động phân giải purin trong một số thực phẩm và đồ uống.

Có urate trong máu không có nghĩa là bị mắc bệnh gout. Người khỏe mạnh bình thường cũng có urate trong máu. Khi urate bắt đầu tích tụ, cơ thể sẽ loại bỏ lượng urate dư thừa qua đường tiểu. Tuy nhiên, khi cơ thể sản sinh ra quá nhiều urate hoặc thận không thể loại bỏ đủ urate thì mức urate bắt đầu tăng lên. Nếu mức urate vượt quá điểm bão hòa thì có khả năng hình thành tinh thể muối natri urat.

Những tinh thể này chính là nguyên nhân gây nên hầu hết những tổn thương cho người bệnh gout. Chúng chủ yếu hình thành trong và xung quanh các mô khớp, đặc biệt là ở khớp ở tay chân, nhất là các khớp ngón.

Các tinh thể có thể dần tích tụ trong trong sụn và các mô khớp trong nhiều năm mà người bệnh không hề hay biết. Khi trong khớp đã có quá nhiều tinh thể tích tụ, các tinh thể này tràn ra ngoài khoang khớp (khoảng trống giữa các xương). Các tinh thể cứng hình kim chạm vào lớp lót mềm của khớp (synovium) và làm khớp bị viêm nhanh chóng.

Quá trình viêm phá vỡ các tinh thể đã trở nên lỏng lẻo bên trong khớp. Vậy nên trong vài ngày hoặc vài tuần, cơn gout dường như lắng xuống.

Sự tích tụ của các tinh thể, ngoài việc gây ra các cơn viêm đột ngột còn dẫn đến hình thành các tophi (nốt sần) bên trong và xung quanh khớp. Những hạt tophi này có thể phát triển và gây áp lực làm tổn thương sụn và xương. Vì lẽ đó, cơn đau sẽ xuất hiện hàng ngày với tần suất thường xuyên hơn, vào mỗi khi người bệnh vận động khớp. Bệnh gout trong giai đoạn này thường đã thành mãn tính. Ở một số trường hợp, người ta có thể dễ dàng quan sát các tophi và cảm nhận được chúng ở dưới da. Tuy nhiên, phần chưa quan sát được của tophi trong khớp và các mô sâu hơn thường khá rộng.

Người mắc bệnh gout mãn tính có nguy cơ cao bị tổn thương các khớp vĩnh viễn.

 Nếu phân loại thì hai nguyên nhân gây bệnh gout chính yếu nhất là:

Người bệnh nạp vào cơ thể nhiều loại thức ăn, đồ uống làm tăng vọt nồng độ axit uric trong cơ thể.

Uống quá nhiều rượu dẫn đến dư thừa axit uric.

Ăn quá nhiều một số loại thực phẩm cũng là nguyên nhân gây bệnh gout, đặc biệt là các thực phẩm chứa nhiều purine. Trong quá trình tiêu hóa, purine bị phá vỡ tạo thành axit uric. Axit uric trong máu tăng cao, làm các tinh thể axit uric tích tụ ở khớp gây viêm đau. Các thực phẩm ăn nhiều sẽ gây gout tiêu biểu là: động vật có vỏ, thịt đỏ, các loại nội tạng, nước ép có vị ngọt, thực phẩm nhiều đường, muối.

Cơ thể có vấn đề với việc chuyển hóa, dẫn đến cơ thể tự sản xuất quá nhiều axit uric hoặc bị suy giảm khả năng đào thải axit uric và tạo ra một lượng tồn dư tích tụ. Nguyên nhân thường rơi vào các trường hợp sau:

Một số vấn đề về sức khỏe như rối loạn về máu huyết và chuyển hóa khiến cơ thể sản xuất quá nhiều axit uric hoặc bị suy giảm khả năng đào thải axit uric.

Không uống đủ nước hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể (nhịn ăn giảm cân hoặc cố chấp theo đuổi chế độ ăn chay khi cơ thể không thích ứng) thì cơ thể sẽ khó bài tiết axit uric, khiến các tinh thể axit uric tích tụ trong khớp.

Người đang dùng thuốc (chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế miễn dịch) cũng có nguy cơ bị suy giảm khả năng đào thải axit uric.

Những đối tượng dễ mắc bệnh gout

Các đối tượng dễ mắc bệnh gout bao gồm:

Đàn ông từ 40-50 tuổi và phụ nữ sau mãn kinh.

Nam giới (nam giới dễ phát triển thành bệnh gout hơn nữ giới).

Người có thành viên gia đình từng mắc bệnh gout.

Người có thói quen ăn uống thiếu điều độ: ăn quá nhiều thực phẩm có purine (thịt đỏ, một số loại cá, nội tạng), uống nhiều rượu bia (hơn 2 ly mỗi ngày).

Người đang dùng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, cyclosporine…

Người có các vấn đề sức khỏe khác như cao huyết áp, bệnh thận, bệnh tuyến giáp, ngưng thở khi ngủ, tiểu đường.

Người bị phơi nhiễm chì trong thời gian dài: Phơi nhiễm chì mãn tính được cho là có liên quan đến một số trường hợp bị bệnh gout.

Người béo phì, thừa cân: Thừa cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout vì trong cơ thể có nhiều mô hơn, có nghĩa là axit uric (một chất thải của quá trình chuyển hóa) được sản xuất nhiều hơn. Hàm lượng chất béo trong cơ thể cao hơn cũng làm tăng tình trạng viêm ở toàn thân vì các tế bào mỡ tạo ra các cytokine gây viêm.

Người có một số chấn thương hoặc vừa trải qua phẫu thuật.

Người đang tiến hành hóa trị.

Các dấu hiệu bệnh gout

Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh hout hầu như luôn xảy ra đột ngột và thường vào ban đêm, bao gồm:

Đau khớp dữ dội: Bệnh gout thường ảnh hưởng đến khớp lớn ở ngón chân cái, nhưng không có nghĩa là bệnh không gây ảnh hưởng đến các khớp khác. Một vài khớp cũng bị ảnh hưởng là: mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay, cổ tay và ngón tay. Cơn đau nghiêm trọng nhất có khả năng xảy ra trong vòng 4-12 giờ đầu sau khi bắt đầu.

Khó chịu kéo dài: Sau khi cơn đau nghiêm trọng nhất đã giảm bớt, khớp vẫn sẽ bị khó chịu trong khoảng vài ngày đến vài tuần. Các cơn gout sau này có khi kéo dài hơn và gây ảnh hưởng đến nhiều khớp hơn.

Khớp bị sưng viêm, tấy đỏ: các khớp bị ảnh hưởng sưng to, trở nên mềm, nóng ấm và tấy đỏ.

Cử động khớp bị hạn chế: Khi bệnh gout tiến triển, người bệnh khó lòng vận động khớp với biên độ và cường độ như bình thường.

Cách phòng bệnh gout

Đối với các bệnh nhân chưa mắc bệnh gout cần tìm hiểu cách phòng tránh bệnh gout. Dựa vào nguyên nhân bệnh sinh, các yếu tố nguy cơ của gout mà có các cách phòng bệnh gout như sau:

Chế độ ăn để phòng bệnh gout

- Không ăn thức ăn có chứa nhiều purin:

Purin vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành acid uric. Không ăn thức ăn có chứa nhiều purin. Điều này giúp giảm lượng acid uric tích lũy thành tinh thể urat ở khớp và các cơ quan khác.

Các thực phẩm cần hạn chế là phủ tạng động vật. Có thể kể đến như gan, lòng, cật, tim, tiết. Thịt đỏ, thịt muối, phô mai, tôm, cua cũng là những nguồn thực phẩm giàu purin. Ngoài ra cần tránh nấm và một số thực vật có hàm lượng purin tương đối cao như đậu hạt các loại.

- Tránh rượu bia, chất kích thích:

Hạn chế sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn, thuốc lá và chất kích thích. Vì chúng có thể làm suy giảm chức năng gan thận, dẫn tới mất cân bằng trong chuyển hóa acid uric của cơ thể.

- Uống nhiều nước mỗi ngày:

Nên uống tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày để tăng cường hoạt động của hệ bài tiết, thải độc tố ra ngoài cơ thể.

- Tuyệt đối không nên nhịn đói:

Nhịn đói, nhất là nhịn đói lâu ngày có thể làm nồng độ acid urid trong máu tăng cao. Do vậy nên ăn đủ bữa trong ngày theo đúng giờ giấc nhất định, tránh bỏ bữa.

- Tăng cường rau xanh, hoa quả tươi:

Để bổ sung nguồn chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết. Vừa giúp tăng cường miễn dịch và phòng ngừa nguy cơ bệnh gout.

Duy trì cân nặng hợp lý

Bởi vì béo phì là một yếu tố nguy cơ đối với bệnh gout cũng như nhiều vấn đề sức khỏe khác. Do vậy duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu thừa cân để giảm lượng acid urid trong máu và giảm sức nặng chịu đựng của các khớp.

Các nghiên cứu đã chỉ ra có sự liên quan mật thiết giữa lượng acid uric tỉ lệ thuận với mức độ béo và chỉ số cân nặng. Khi người thừa cân béo phì giảm được trọng lượng cơ thể thì lượng acid uric trong máu cũng giảm, Do đó nguy cơ mắc bệnh gout cũng ít đi.

Giảm cân đối với những người thừa cân béo phì là một mục tiêu quan trọng cần đặt ra để phòng tránh bệnh gout. Tuy nhiên không nên ăn kiêng khem quá nghiêm ngặt lại gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.

Tham gia các hoạt động thể dục thể thao phù hợp

Thường xuyên vận động thể dục thể thao hợp lý để tăng độ dẻo dai của xương khớp và cải thiện sức khỏe. Lưu ý không tập luyện quá sức có thể gây chấn thương cơ xương khớp, làm tăng lượng acid uric giải phóng ra. Nên vận động thường xuyên, vừa sức với tình hình sức khỏe và bệnh lý đang mắc.

Quản lý bệnh tlm mạch, bệnh thận mạn tính, đái tháo đường nếu có

 Bởi vì bệnh gout có liên quan mật thiết với một số bệnh khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận hoặc bệnh rối loạn chuyển hóa khác. Nếu quản lý tốt các bệnh lý này có thể giảm thiểu nguy cơ xuất hiện bệnh gout cho người bệnh.

Khi cần dùng các thuốc như thuốc lợi tiểu thiazid, furosemid, thuốc aspirin… cần tuân theo chỉ dẫn liều lượng của bác sĩ. Vì các thuốc này có thể khởi phát một cơn gout.

Nghỉ ngơi hợp lý, giữ tình thần thoải mái vui vẻ

Nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày.

Tránh các yếu tố tâm lý như căng thẳng, lo âu, buồn phiền, suy nghĩ nhiều… có thể gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.

Phòng cơn gout cấp bằng colchicin trong các trường hợp có nguy cơ

Khi một người gặp các tình trạng như chấn thương, phẫu thuật, nhiễm khuẩn, stress… có thể là yếu tố nguy cơ khởi phát một cơn gout cấp xuất hiện. Trong các trường hợp này colchicin có thể được dùng để dự phòng diễn biến xấu xảy ra.

Phòng cơn gout cấp và tránh chuyển sang giai đoạn mạn tính

Đối với những người đã mắc bệnh gout thì mục tiêu phòng bệnh sẽ là phòng cơn gout cấp và tránh chuyển sang giai đoạn mạn tính.

- Bệnh nhân cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về bệnh gout. Như các yếu tố nguy cơ khởi phát bệnh, cách phòng ngừa biến chứng… Như vậy mới chủ động được trong việc phòng ngừa bệnh.

- Tuân thủ điều trị của bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp. Tái khám và theo dõi định kỳ, phát hiện sớm biến chứng và tiến triển xấu của bệnh.

- Uống thuốc hạ uric máu theo chỉ định của bác sĩ.

- Thực hiện chế độ ăn giảm đạm, đặc biệt giảm thức ăn chứa purin. Tăng lượng chất xơ, vitamin và khoáng chất. Có thể ăn hoa quả tươi. Tránh chất béo no từ mỡ động vật.

- Uống nhiều nước, đảm bảo đủ 2 lít nước mỗi ngày.

- Kiềm hóa nước tiểu bằng các loại nước khoáng kiềm.

- Điều chỉnh cân nặng ở mức hợp lý, giảm cân nếu thừa cân.

- Tránh hoạt động thể dục thể thao, hoạt động thể lực quá mức. Bệnh nhân có thể chơi một số môn thể thao như cầu lông, bơi lội, chạy bộ. Tuy nhiên bài tập cần nhẹ nhàng vừa sức để tránh khởi phát cơn gout cấp.

- Tránh làm việc nặng, quá sức, luôn giữ ấm cơ thể, tránh để lạnh.

- Giữ cho tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng stress. Nên tham gia các hoạt động thiền, yoga… để cân bằng sức khỏe tinh thần.

- Đối với bệnh nhân gout mạn tính, có thể uống colchicin 0,5-1 mg/ngày, uống trước khi đi ngủ để phòng ngừa các cơn gout cấp tái phát.

Như vậy, với việc trang bị các kiến thức về bệnh cùng với một lối sống khỏe mạnh bạn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh gout cho chính mình.

Duyen

Cùng chuyên mục

Nhân ngày tránh thai thế giới 26/09, cùng tìm hiểu về màng phim tránh thai

Màng phim tránh thai VCF (còn gọi là film tránh thai hay màng tránh thai) là lựa chọn biện pháp tránh thai. Nhưng màng phim...

Để cuộc nói chuyện về giới tính với con trở nên tinh tế

Giáo dục giới tính cho trẻ giúp trẻ hiểu rõ về bản thân, có khả năng tránh khỏi nhiều nguy cơ xấu. Song trong...

Những sai lầm của cha mẹ khi giáo dục giới tính cho trẻ

Xung quanh việc giáo dục giới tính cho trẻ, bản thân cha mẹ vẫn có những hiểu nhầm, từ đó việc làm thế nào...

Con xuất hiện xu hướng đồng tính, phụ huynh cần làm gì?

Mỗi cá nhân sẽ có 4 đặc điểm: Giới tính sinh học, bản dạng giới, thể hiện giới, xu hướng tính dục. Các...