789

Những quy tắc giúp trẻ vị thành niên hình thành thói quen tốt

Thứ Tư, 14/10/2020 08:39 AM (GMT+7)

Tuổi vị thành niên là giai đoạn quan trọng để hình thành nhân cách, cần có sự quan tâm, hướng dẫn của gia đình.

Trẻ vị thành niên là lứa tuổi nhìn nhận thế giới linh hoạt, nhanh chóng tiếp thu và học hỏi và cũng chưa có đủ kinh nghiệm để nhận diện ra điều tốt – xấu. Chính vì vậy đây là giai đoạn cần có sự giáo dục, quan tâm từ bố mẹ, xã hội. Vậy có những nguyên tắc nào giúp trẻ vị thành niên hình thành thói quen tốt?

Từ nhận diện trào lưu xấu

Theo PGS-TS Đỗ Ngọc Khanh, Trưởng Ban nề nếp và tư vấn tâm lý học đường trường PTQT Gateway Cầu Giấy, trào lưu xấu là những xu hướng, luồng tư tưởng lôi cuốn đông đảo người tham gia ủng hộ nhưng mang lại hệ quả không tốt cho bản thân người tham gia. Có thể kể đến một số trào lưu ảnh hưởng tiêu cực đến các bạn trẻ thời gian qua như ném đá hội đồng, bắt nạt học đường, chê bai, bôi xấu nhau qua mạng xã hội, tham gia các thử thách mạo hiểm tính mạng, hút bóng cười...

quy-tac-hinh-thanh-thoi-quen-tot

Nhưng làm sao để các bạn tuổi teen nhận ra đâu là trào lưu xấu để tránh xa? PGS-TS Đỗ Ngọc Khanh cho rằng, trước hết các em cần tự hỏi bản thân nếu mình làm theo trào lưu này thì mình sẽ đi đến đâu? Trào lưu đó có mang lại lợi ích gì cho bản thân về lâu dài không? Đó có phải giá trị thực sự mà mình muốn có không? Mục đích cuộc sống của mình là gì?

...Đến rèn thói quen tốt mỗi ngày 

Để các em có thể tự trả lời được những câu hỏi này và định hướng cho chính mình, một trong những cách tốt nhất là các em rèn luyện những thói quen tốt mỗi ngày dưới sự hỗ trợ, đồng hành của cha mẹ, thầy cô. Đó là thói quen sinh hoạt lành mạnh, thói quen quản lý tiền bạc, quản lý thời gian; thói quen đọc sách, nghiên cứu; thói quen giữ lời hứa; thói quen chia sẻ...

Tạp chí Tâm lý học Hoa Kỳ (1903) định nghĩa một “thói quen, nhìn từ quan điểm của tâm lý học, được coi là lối suy nghĩ, ý chí, cảm xúc tương đối cố định, thu thập được thông qua sự lặp đi lặp lại từ trước của một trải nghiệm tinh thần”. Thói quen cũ rất khó bị phá vỡ và thói quen mới khó hình thành vì các mô hình hành vi mà con người lặp lại trở nên in sâu bằng đường truyền dây thần kinh trong não bộ, tuy vậy có thể hình thành thói quen mới nhờ sự lặp đi lặp lại nhiều lần.

Mỗi người có rất nhiều thói quen hàng ngày. Theo PGS-TS Đỗ Ngọc Khanh, các em có thể liệt kê các thói quen của bản thân, đánh giá từng thói quen xem lợi ích của nó là gì? Có rủi ro gì không? Xác định các rủi ro đó là trước mắt hay lâu dài? Xác định các lợi ích là trước mắt hay lâu dài? Thói quen nào có nhiều lợi ích lâu dài nhất và ít rủi ro nhất thì đó là thói quen tốt.

Hãy bắt đầu bằng những điều đơn giản

Ví dụ như muốn hình thành thói quen đọc sách, các em không nên đọc hết một cuốn chỉ trong một ngày. Ý chí đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thay đổi thói quen. Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng sức mạnh ý chí hoạt động rất giống một cơ bắp. Nếu bạn sử dụng nó nhiều, nó sẽ mệt mỏi. Khi đó, bạn rất dễ từ bỏ. Do đó, các em nên đọc tăng dần mỗi ngày thay vì cố gắng đọc xong một đêm, để thói quen hình thành một cách tự nhiên.

Lên kế hoạch chi tiết, rõ ràng

Thiết lập kế hoạch về việc định hình một thói quen nào đó và gắn nó với một thói quen cũ bằng cách áp dụng câu lệnh: Sau/Trước khi [thói quen được thiết lập], các em sẽ [thói quen mới]. Ví dụ: Trước khi ăn sáng, các em sẽ tập chống đẩy 5 cái để dần có thói quen luyện tập thể dục.

quy-tac-hinh-thanh-thoi-quen-tot2

Luôn có những người ủng hộ xung quanh

Những người xung quanh có tác động lớn đến hành vi của các em. Họ sẽ truyền cảm hứng để các em kiên trì với mục tiêu của mình. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng con người có xu hướng áp dụng các mục tiêu tương tự với những người mà chúng ta dành nhiều thời gian ở bên nhất. Vì vậy, sẽ rất khó hình thành thói quen quản lý tiền bạc khoa học, nếu các em tiếp xúc nhiều với những người tiêu xài hoang phí. Hoặc đơn giản, ba mẹ và thầy cô sẽ giúp các con tìm ra những bối cảnh mang tính củng cố tích cực. Ví dụ như đọc sách ở một nơi đẹp để cảm thấy dễ chịu khi đọc, từ đó khiến các con cảm thấy hứng thú với việc đọc.

Đào Lan Anh

Cùng chuyên mục

Nhân ngày tránh thai thế giới 26/09, cùng tìm hiểu về màng phim tránh thai

Màng phim tránh thai VCF (còn gọi là film tránh thai hay màng tránh thai) là lựa chọn biện pháp tránh thai. Nhưng màng phim...

Để cuộc nói chuyện về giới tính với con trở nên tinh tế

Giáo dục giới tính cho trẻ giúp trẻ hiểu rõ về bản thân, có khả năng tránh khỏi nhiều nguy cơ xấu. Song trong...

Những sai lầm của cha mẹ khi giáo dục giới tính cho trẻ

Xung quanh việc giáo dục giới tính cho trẻ, bản thân cha mẹ vẫn có những hiểu nhầm, từ đó việc làm thế nào...

Con xuất hiện xu hướng đồng tính, phụ huynh cần làm gì?

Mỗi cá nhân sẽ có 4 đặc điểm: Giới tính sinh học, bản dạng giới, thể hiện giới, xu hướng tính dục. Các...