Phát huy lợi thế dân số vàng trước khi quá muộn

Thứ Năm, 24/10/2019 02:36 PM (GMT+7)

Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” khi có 69% dân số trong tuổi lao động. Đây được xem là cơ hội thuận lợi để nâng cao hiệu quả lao động, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cho đất nước.

Để phát huy được tối đa thế mạnh này, Nghị quyết số 21-NQ/TW về Công tác dân số trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhấn mạnh: Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu “dân số vàng”, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững.

ttxvn_detmayxuatkhau

Đất nước đang bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” với lực lượng lao động trẻ hùng hậu, đủ sức làm xoay chuyển nền kinh tế đất nước nếu chúng ta biết khai thác tối đa nguồn tài nguyên quý giá này.

Thế mạnh to lớn của lực lượng lao động hùng hậu

Ðặc điểm nổi bật trong thời kỳ "cơ cấu vàng" là dân số có khả năng lao động (từ 15 - 64 tuổi) chiếm tỷ lệ cao, hiện nay chiếm khoảng 69% tổng dân số. Đây là thời kỳ mang lại cơ hội lớn để nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.

Bắt đầu từ năm 2007, với tỷ số phụ thuộc chung (nhóm dân số 0-14 tuổi và nhóm dân số trên 65 tuổi tính trên nhóm dân số 15-64) dưới 50%, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu "dân số vàng". Theo các nhà nhân khẩu học, cơ cấu "dân số vàng" thường kéo dài từ 30 - 35 năm, thậm chí là 40 -50 năm. Điều đó đồng nghĩa với chừng ấy thời gian đất nước có được lực lượng lao động trẻ hùng hậu, đủ sức làm xoay chuyển nền kinh tế đất nước nếu chúng ta biết khai thác tối đa nguồn tài nguyên quí giá này. Nhiều quốc gia châu Á đã biết tận dụng triệt để cơ hội "dân số vàng" để tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế, đóng góp khoảng 1/3 vào tăng trưởng như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc, cơ hội này đã mang lại 15% tăng trưởng kinh tế trong hơn 20 năm qua.

Thời kỳ cơ cấu "dân số vàng" là một cơ hội hiếm hoi và đây chính là cơ hội để Việt Nam cất cánh như một số nước trong khu vực đã nói trên. Theo các chuyen gia, Việt Nam cần chớp lấy thời cơ "dân số vàng" để cải thiện năng suất lao động, vì cơ hội này sẽ không quay trở lại.

Với tổng số dân là hơn 96 triệu người, hiện nay số người trong độ tuổi lao động ở nước ta đã trên 66 triệu người. Theo GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân), đây là dư lợi lớn của "dân số vàng" cho tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, với khoảng một nửa dân số trong độ tuổi lao động dưới 34 tuổi, thuận lợi cho việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật và linh hoạt trong chuyển đổi nghề. Mỗi năm, nước ta có từ 1,5 - 1,6 triệu người bước vào độ tuổi lao động, tuy nhiên lực lượng này vẫn chưa tạo nên sức bật cho nền kinh tế, vì có trên 70% là lao động giản đơn. Sự thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành thương mại, tài chính, ngân hàng, du lịch... là những thách thức không nhỏ đặt ra cho giai đoạn cơ cấu "dân số vàng".

Chớp lấy thời cơ, ứng phó với thách thức

Một thực tế là phần lớn những người học càng cao thì cơ hội có được việc làm tương xứng lại càng khó, nhiều sinh viên đại học ra trường 2-3 năm nhưng vẫn chưa thể kiếm được việc làm.

Theo thống kê trong 3 quý năm 2015 của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, có thể thấy một điều rất lạ là người có bằng cấp càng cao thì nguy cơ thất nghiệp càng lớn. Trong khi đó, người không có bằng cấp lại có tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn. PGS.TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý (ĐH Kinh tế Quốc dân) đã chỉ rõ: "Việt Nam chỉ có thể có "dư lợi" dân số tới năm 2018, nếu năng suất lao động không thay đổi". Theo PGS.TS Giang Thanh Long, với xu hướng già hóa dân số ngày càng nhanh trong tương lai, thâm hụt của nhóm cao tuổi ngày càng tăng thì thách thức chính sách đảm bảo an sinh xã hội là không nhỏ.

"Nếu giả định cơ cấu thu nhập từ lao động và tiêu dùng bình quân đầu người theo từng độ tuổi của năm 2012 được giữ nguyên và năng suất lao động không thay đổi, thì biến đổi cơ cấu tuổi dân số chỉ có tác động tích cực tới tỷ số hỗ trợ kinh tế tới năm 2018. Nói cách khác, Việt Nam chỉ có "dư lợi dân số" tới năm 2018", PGS.TS Giang Thanh Long nói. Cũng theo phân tích của ông, cơ hội chuyển thành "dư lợi dân số" chỉ còn vài năm nữa, nếu không thay đổi năng suất lao động thì "dư lợi dân số" đang dương trở về 0 vào năm 2018, sau đó sẽ là số âm.

Theo kết quả Điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê, số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của một lao động đang làm việc ở Việt Nam đã giảm dần từ 45,6 giờ trong năm 2011 xuống 45,3 giờ năm 2018. Năng suất lao động trên mỗi giờ làm việc của Việt Nam năm 2018 theo giá hiện hành đạt 43,4 nghìn đồng, cao hơn 3,5 nghìn đồng so với năm 2017. Tính theo sức mua tương đương (PPP 2011), NSLĐ mỗi giờ làm việc của Việt Nam đạt khá thấp so với một số nước trong khu vực ASEAN, năm 2015 chỉ đạt 4,4 USD, trong khi đó Malaysia đạt 24,9 USD; Thái Lan đạt 12,1 USD; Indonesia đạt 12 USD; Philippines đạt 8,4 USD. Riêng Singapore đạt mức NSLĐ theo giờ rất cao với 54,9 USD.

Để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tập trung chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, trong đó trọng tâm là cải thiện năng suất lao động để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Cơ cấu "dân số vàng", nếu không khai thác thì sẽ hết

Thực tế, cơ hội "dân số vàng" không tự động mang lại tác động tích cực mà nó phải được "giành lấy" để "đẻ" ra lực lượng lao động vàng, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Nếu giai đoạn "dân số vàng" diễn ra trùng với thời kỳ kinh tế ổn định, hệ thống giáo dục đảm đương tốt việc cung cấp tri thức, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động thì sẽ trở thành động lực mạnh của nền kinh tế. Ngược lại, nếu cơ hội không được chớp lấy thì đất nước phải đối mặt với những thách thức mới. Mà trước tiên là lực lượng đông đảo trong độ tuổi lao động thiếu việc làm, người thất nghiệp dễ mắc tệ nạn xã hội, trở thành gánh nặng cản trở sự phát triển của đất nước. Như vậy, "dân số vàng" sẽ không có giá trị nếu không thực sự "vàng" về tri thức và tay nghề.

Theo GS Nguyễn Đình Cử, để đưa đất nước đi lên, phát triển bền vững, tránh được "bẫy thu nhập trung bình" và đương đầu được với thách thức "dân số siêu già" của thời kỳ "hậu dân số vàng", cần tận dụng những vận hội do cơ cấu "dân số vàng" mang lại, thông qua đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra và tìm kiếm nhiều việc làm có thu nhập cao, cả ở trong và ngoài nước, hạn chế tiêu dùng xa xỉ để nâng cao tiết kiệm, thúc đẩy đầu tư. "Mỏ vàng không khai thác thì còn, cơ cấu "dân số vàng" nếu không khai thác thì sẽ hết. Bởi vậy, nhận rõ, nắm bắt và tận dụng cơ hội này càng sớm càng tốt, không chỉ là nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo, quản lý mà còn là của mỗi người dân", GS Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh.

Phạm Thanh Huyền

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...