Phòng bệnh viêm phổi ở người cao tuổi khi trời trở lạnh

Thứ Năm, 05/10/2023 10:18 AM (GMT+7)

Viêm phổi là tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường xuất hiện nhiều hơn ở người cao tuổi và trẻ nhỏ.

Viêm phổi là tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường xuất hiện nhiều hơn ở người cao tuổi và trẻ nhỏ. Viêm phổi đặc biệt phổ biến trong những tháng mùa đông, khi thời tiết lạnh và độ ẩm thấp có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch và khiến mọi người dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp hơn.

Ở người cao tuổi, bệnh viêm phổi thường có các triệu chứng như sau:

- Khó chịu, sốt nhẹ từ 37,8 - 38,5 độ C, ít khi sốt cao tới 39 độ C kể cả khi viêm phổi nặng.

- Lạnh, rét run khiến người bệnh và người thân nhầm tưởng rằng do nhiệt độ cơ thể thay đổi thất thường.

- Ho nhẹ, ho từng tiếng hoặc ho ngắn, ít xuất hiện đờm hay không nhiều đờm.

- Thở nhanh hoặc khó thở, thở gắng sức, hít thở có tiếng ngay cả nằm nghỉ ngơi.

- Đau tức ngực như có vật gì đè nén.

Do bệnh có những triệu chứng âm thầm nên người cao tuổi và người thân thường bỏ qua. Nhưng chỉ sau 5 - 7 ngày khi bệnh biểu hiện rõ rệt thì bệnh đã nặng hơn và có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị sớm, nhanh chóng, đúng bệnh.

Khi người cao tuổi nghi ngờ bị viêm phổi, cần đến khám tại cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc để điều trị, nhất là kháng sinh, bởi vì dùng kháng sinh không đúng chỉ định thì bệnh không những không khỏi mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Để phòng bệnh viêm phổi, người cao tuổi và người thân cần lưu ý một số điều sau đây:

- Không để người cao tuổi bị nhiễm lạnh, nhất là nhiễm lạnh đột ngột. Giữ cơ thể ấm về mùa đông, đặc biệt là giữ ấm cổ, ngực và hai bàn chân.

- Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, tốt nhất là sống trong môi trường trong sạch, ít khói bụi. Nhà ở phải thông thoáng, về mùa lạnh phải được che kín các khe hở, nên đóng cửa để che bụi.

- Khi nằm ngủ nên đắp chăn ấm, giường ngủ nên có đệm.

- Mùa đông không nên tắm nước lạnh, nơi tắm phải kín không có gió lùa.

- Tránh tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, độc hại. Nên mang khẩu trang trước khi ra ngoài.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng có độ sát khuẩn cao khi đi đại tiện, xì mũi, hắt hơi, trước khi ăn uống.

- Tiêm phòng vaccine cúm hàng năm.

- Ngoài ra, người cao tuổi cần kiểm soát tốt các bệnh mãn tính không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, có chế độ sinh hoạt, ăn uống tốt nhằm duy trì và tăng cường sức đề kháng của cơ thể: không hút thuốc lá, tránh sử dụng rượu bia, nghỉ ngơi tập luyện hợp lý, ăn nhiều rau và hoa quả tươi.

Vũ Ngọc Duy

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...