Sự cần thiết tiếp tục đa dạng phương tiện tránh thai

Thứ Hai, 11/11/2019 03:18 PM (GMT+7)

Sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi của toàn xã hội đối với công tác xã hội hóa, góp phần tăng số cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân trong tình hình mới.

tranh-thai

Chuyển biến trong nhận thức và hành vi

Theo đánh giá của Tổng cục DS-KHHGĐ, thời gian qua Đề án 818 đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Y tế; sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể; sự đầu tư có hiệu quả của các nhà tài trợ, của Nhà nước và địa phương; sự tham gia tích cực của hệ thống dân số các cấp và của đội ngũ cán bộ y tế nên đã đạt được một số kết quả quan trọng. Trong đó, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi của toàn xã hội đối với công tác xã hội hóa, góp phần tăng số cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân trong tình hình mới.

Phú Yên triển khai xây dựng đề án "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT), hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020" tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố với 112 xã phường, thị trấn.

Các sản phẩm Chi cục Dân số - KHHGĐ Phú Yên đã triển khai từ năm 2018 gồm bao cao su Hello, bao cao su Hello plus, dung dịch vệ sinh đa năng Gyno Pro, dung dịch vệ sinh phụ nữ Vagis, Gel bôi trơn, bột canxi… Số tiền thu được từ việc triển khai tiếp thị các sản phẩm của Đề án tăng.

Theo BS Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, Đơn vị tiếp nhận và triển khai đề án với hoạt động ưu tiên là tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi hành vi của người dân về sử dụng các PTTT, chăm sóc SKSS từ "bao cấp, miễn phí" sang sử dụng dịch vụ "mua, bán". Bởi vì lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ nhà nước bao cấp PTTT, dịch vụ KHHGĐ/SKSS. Trong khi hiện Nhà nước chỉ ưu tiên cấp miễn phí cho các đối tượng nghèo, khó khăn, phần còn lại huy động đóng góp của cộng đồng và xã hội.

Đề án triển khai tạo ra cơ hội tiếp cận dịch vụ KHHGĐ thuận tiện và chất lượng cho người dân có nhu cầu, có khả năng tự nguyện chi trả dịch vụ KHHGĐ, góp phần cùng Nhà nước thực hiện thành công chiến lược về nâng cao chất lượng dân số.

Thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cũng tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến về PTTT đến cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số, người dân ở các huyện như Tuy An, Tây Hòa, Phú Hòa, Đông Hòa, TP Tuy Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh… Đồng thời, tỉnh đã triển khai nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong độ tuổi sinh sản; phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền về đề án trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo sự lan tỏa cao trong cộng đồng, qua đó góp phần thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề xã hội hóa các phương tiện tránh thai. Qua đó góp phần duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.

Sự cần thiết tiếp tục đa dạng phương tiện tránh thai

Ông Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên cho rằng, hiện công tác xã hội hóa PTTT của tỉnh chưa triển khai chính thức trong hệ thống công lập nên chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Sự trông chờ Nhà nước bao cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS hiện nay vẫn còn trong suy nghĩ của nhiều người. Điều này đặt ra sự cần thiết tiếp tục xã hội hóa phương tiện tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Đến năm 2020, Phú Yên đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng cho người dân; huy động và nâng cao hiệu quả của các nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp; tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho chương trình dân số - KHHGĐ phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế thị trường.

Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu đa dạng hóa PTTT; tiếp nhận và đưa vào sử dụng ít nhất một chủng loại PTTT mới tại địa bàn triển khai xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS. 100% huyện, thị xã, thành phố triển khai xã hội hóa cung cấp PTTT. 100% xã phường, thị trấn có cơ sở xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS.

Kế hoạch sẽ tác động đến các đối tượng gồm các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có nguyện vọng thực hiện KHHGĐ; nam, nữ tuổi vị thành niên, thanh niên cần sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp để phòng tránh lây nhiễm đường sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS, phòng ngừa có thai ngoài ý muốn…

Trong những tháng tới, Chi Cục tiếp tục truyền thông vận động cấp ủy Đảng, chính quyền; huy động sự tham gia đóng góp nguồn lực của nhà tài trợ, các tổ chức, cá nhân. Phổ biến nội dung xã hội hóa cung cấp PTTT hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại các cơ sở y tế trong tỉnh nhằm tạo thương hiệu và định hướng cho người có nhu cầu sử dụng dịch vụ, tại các cơ sở y tế cung cấp các dịch vụ chất lượng; tuyên truyền bằng nhiều hình thức để chuyển tải nội dung xã hội hóa PTTT; vận động tạo môi trường xã hội đồng thuận thúc đẩy xã hội hóa và phát triển thị trường PTTT.

Duyen

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...