Suy dinh dưỡng ở người già: nguyên nhân và giải pháp

Thứ Sáu, 14/10/2022 11:08 PM (GMT+7)

Suy dinh dưỡng tưởng chừng như là căn bệnh chỉ gặp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, bệnh lý này cũng thường xảy ra với người cao tuổi.

 Suy dinh dưỡng là tình trạng gây ra do mất cân bằng giữa thực phẩm tiêu thụ và nhu cầu năng lượng của cơ thể. Nguyên do có thể là vì ăn quá ít, quá nhiều hoặc không có sự cân bằng giữa các loại thực phẩm căn bản như chất đạm, chất béo, tinh bột và đường. Một cơ thể bị suy dinh dưỡng khi trọng lượng sụt cân từ 5%-10% trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Theo các bác sĩ dinh dưỡng, người già suy dinh dưỡng dễ mắc các chứng bệnh truyền nhiễm vì hệ miễn dịch suy yếu, dễ bệnh tật hoặc giảm khả năng hoạt động trí óc cũng như chân tay. Thậm chí, suy dinh dưỡng ở người già làm tăng nguy cơ tử vong khi mắc các bệnh lý kèm theo.

1.Nguyên nhân suy dinh dưỡng ở người già

Khi chúng ta tuổi ngày càng cao, các cơ quan trong cơ thể bị lão hóa suy yếu dần, hoạt động của các cơ quan gồm có cả ruột và dạ dày cũng bị suy giảm đáng kể. Răng yếu hơn, giảm vị giác và khứu giác khiến cho người già ăn uống ngày càng kém đi. Dù ăn ngon tới đâu nhưng người già  không được chia sẻ trò chuyện thường xuyên cùng sẽ có cảm giác cô đơn, buồn chán rồi dẫn đến tình trạng chán ăn. Những người có cảm giác cô đơn sống một mình thường sẽ không chú trọng tới việc ăn uống, họ cho rằng ăn chỉ là một nghĩa vụ, ăn qua loa cho xong bữa, chế độ ăn không hợp lý, ăn cho no bụng nhưng chất dinh dưỡng lại không đủ. 

Dạ dày cũng co bóp không tốt như trước, khả năng tiết dịch vị giảm. Do đó, người già thường gặp các vấn đề như: đầy hơi, khó tiêu. Bên cạnh đó, người cao tuổi thường mắc các bệnh mãn tính, phải uống thuốc nhiều và thường xuyên. Điều này cũng ảnh hưởng đến chức năng tiêu hoá, dẫn đến kém hấp thu và thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu.

Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp là nguyên nhân khiến người lớn bị suy dinh dưỡng. Khi cao tuổi, nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể sẽ có nhiều sự khác biệt với nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể người trẻ và trung niên. Do đó, người cao tuổi cần phải có sự điều chỉnh chế độ ăn để phù hợp với nhu cầu cơ thể. Nhu cầu năng lượng ở người cao tuổi giảm đi so với người trẻ, nên chế độ ăn cần điều chỉnh giảm bớt lượng thức ăn hàng ngày. Tỷ lệ chất bột đường, chất béo cũng cần giảm sẽ tốt hơn cho sức khỏe người cao tuổi nên chế độ ăn cũng cần điều chỉnh giảm hợp lý các nhóm chất này. Tuy nhiên, người lớn tuổi cần quan tâm đến nguồn cung cấp chất đạm cho cơ thể. Do cơ thể người lớn giảm khả năng tổng hợp đạm. Theo khuyến cáo, người cao tuổi nên duy trì 25-30% tỷ lệ đạm từ nguồn động vật và 70-75% đạm từ thực vật. 

Không bỏ bữa ăn và vui vẻ trong cuộc sống sẽ giúp người già ăn ngon miệng và hấp thu tốt hơn Ngoài ra, những người già có mắc các bệnh về dạ dày, tim phổi, ung thư… cũng đều ảnh hưởng tới chế độ ăn uống nghỉ ngơi của họ. Chức năng của các cơ quan trong cơ thể bị giảm suy yếu khiến dạ dày không hấp thu được chất dinh dưỡng, gan và thận không chuyển hóa được các thực phẩm và không sàng lọc được chất độc hại. Cơ thể suy yếu không có người chăm sóc, người già bị suy yếu về cả tinh thần lẫn thể chất khiến họ bị bệnh lãng quên tuổi già nặng hơn, đôi khi quên cả việc ăn uống...

2. Triệu chứng bị suy dinh dưỡng

Hầu hết người bị suy dinh dưỡng có thể tự phát hiện thấy mình bị gầy đi như sụt cân, cơ bắp mềm, nhũn không được rắn như trước. Tuy vậy, đối với một số người già, do bị suy dinh dưỡng lâu ngày nên đã có ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương nên tự bản thân người đó không thể hoặc không biết mình đang mắc bệnh gì. Khi gặp trường hợp này, những thành viên trong gia đình cũng có thể nhận biết từ người già là kém dần sự minh mẫn, mau quên, mệt mỏi, chán ăn hoặc ăn không ngon miệng và thường hay cáu gắt. Người bị suy dinh dưỡng thường đờ đẫn, lơ là với mọi người, mọi sự việc xảy ra ở chung quanh hoặc đôi khi lại gắt gỏng, khó tính. Cơ thể mỗi ngày một gầy đi, sức khỏe suy giảm, các bệnh đang có sẽ trở nên trầm trọng hơn, di chuyển khó khăn, dễ ngã, dễ gặp tai nạn.

3. Phòng tránh suy dinh dưỡng cho người già

Suy dinh dưỡng kéo theo thiếu hụt vi chất làm suy giảm sức khoẻ của người cao tuổi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ. Vậy phải làm gì để cải thiện sức khỏe người cao tuổi và phòng suy dinh dưỡng cho họ?

(1) Xây dựng thực đơn lành mạnh cho người cao tuổi

Thực đơn lành mạnh cho người cao tuổi cần giàu đạm thực vật, chất xơ, vitamin và khoáng chất, sử dụng các chất béo lành mạnh. Do đó, người già nên:

– Tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây để bổ sung vitamin, chất xơ cho cơ thể..

– Hạn chế ăn mỡ động vật, nên thay thế bằng mỡ thực vật như: dầu đậu nành, hạt lanh, hướng dương vì chúng giàu chất béo không bão hòa omega 3, omega 6 tốt cho tim mạch, trí não,….

– Hạn chế ăn đồ ngọt, chất đường bột để kiểm soát đường huyết tốt hơn, phòng ngừa nguy cơ mắc tiểu đường.

– Bổ sung thực phẩm đa dạng, đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể gồm: đạm, đường bột, chất béo, vitamin và khoáng chất.

OIP

(2) Tăng cường vận động rèn luyện sức khỏe

Người già nên tích cực tập luyện thể thao mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng, rèn luyện cơ thể dẻo dai. Vận động thường xuyên cũng giúp người già lưu thông khí huyết, tăng cường máu lên não, giúp cơ thể hoạt động trơn tru. Từ đó, người già sẽ ăn ngon, ngủ tốt hơn.

Đi bộ, chạy bộ, tập dưỡng sinh,… là những hoạt động tăng cường sức khỏe cho người già với mức độ vận động vừa phải, không quá sức. Tập luyện thể thao thường xuyên cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người già khỏe mạnh.

Ngoài ra, cũng cần chú ý tới những yếu tố tinh thần như khuyến khích người già kiếm bạn cùng ăn cho vui. Người già có thể đến sinh hoạt tại các trung tâm dưỡng lão hoặc ăn chung với người thân trong gia đình. Nhiều người bỏ bữa vì cảm thấy mệt khi nấu ăn xong. Vì thế nên nghỉ ngơi cho khỏe rồi ăn chứ đừng bỏ bữa ăn. Đôi khi có thể nấu 1 lần cho 2 bữa ăn. Hoặc có thể mua thực phẩm nấu sẵn rồi hâm lại. Đối với người già, có thể ăn bất kỳ thời điểm nào mà mình thích. Nếu bữa sáng hay trưa là thời gian tốt giúp ăn ngon miệng thì có thể tăng phần ăn ở bữa này. Với cùng số lượng khẩu phần, chia ra làm nhiều bữa nhỏ thay vào 3 bữa ăn chính như thường lệ. Tránh mau no bụng bằng cách đừng uống nước, uống thuốc trước khi ăn. Hạn chế các thực phẩm gây ra nhiều hơi như rau cải, đậu, nước ngọt có gaz, cà phê. Đồng thời ăn uống chậm rãi để tránh nuốt không khí vào bao tử.

Vũ Phương Dung

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...