Tái chế bao cao su đã qua sử dụng: Làm sao để quản lý được chất lượng bao cao su trên thị trường?

Thứ Hai, 31/08/2020 11:35 AM (GMT+7)

Tại Việt Nam, bao cao su đang được lưu thông trên thị trường với nhiều chủng loại, mẫu mã, màu sắc và trong số đó có nhiều hàng nhái, hàng giả, không có nguồn gốc xuất xứ nhưng vẫn chưa được quản lý về chất lượng sản phẩm.

Mới đây, sự việc hơn 300.000  bao cao su đã qua sử dụng được tái chế thành mới để đưa ra thị trường đã khiến dư luận hoang mang. 

Sự việc này không chỉ khiến người tiêu dùng lo lắng về mối hiểm họa khôn lường từ những chiếc bao cao su tái chế mà còn dấy lên sự e ngại về vấn nạn sản xuất, buôn bán bao cao su giả, bao cao su kém chất lượng, đe dọa đến sức khỏe người dùng.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, bà Đặng Quỳnh Thư, Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, trên thị trường Việt Nam có khoảng hơn 100 nhãn hiệu bao cao su khác nhau nhưng trong số đó chỉ có một số rất nhỏ được sản xuất trong nước, còn chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài qua ngạch chính thống và tiểu ngạch. 

photo-1-1601015236067839175502

Nhiều cơ sở sản xuất bao cao su giả, bao cao su kém chất lượng bị các cơ quan chức năng phát hiện. Ảnh TL

Theo bà Đặng Quỳnh Thư, do bao cao su thuộc hàng hóa thông thường (nhóm 1) nên khi nhập khẩu và lưu hành tại Việt Nam, chất lượng bao cao su chủ yếu thông qua tiêu chuẩn tự công bố của nhà sản xuất.

Chính vì thế, bao cao su trên thị trường chưa có cơ quan chuyên môn nào kiểm tra về chất lượng sản phẩm mà mới chỉ được cơ quan quản lý thị trường kiểm tra về nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và hóa đơn. Do đó, nếu chất lượng bao cao su không được đảm bảo, nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng là rất cao.

Theo nghiên cứu đánh giá của Tổ chức Crown Agents được tiến hành trên thị trường tự do Việt Nam năm 2013 cho thấy, có 26% bao cao su trên thị trường không đạt tiêu chuẩn về chất lượng. Theo ước tính, mỗi năm Việt Nam cần khoảng từ 300 - 400 triệu bao cao su, đồng nghĩa với việc tương ứng có khoảng gần 100 triệu chiếc bao cao su có thể không đạt chuẩn.

"Khi sử dụng bao cao su không đạt chuẩn, chất lượng kém không chỉ dẫn đến những hậu quả như mang thai và sinh con ngoài ý muốn, làm gia tăng tình trạng nạo phá thai, HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục... mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng người sử dụng", Vụ trưởng Đặng Quỳnh Thư nhấn mạnh.

Theo bà Đặng Quỳnh Thư, trên thế giới, để quản lý chất lượng các phương tiện tránh thai, trong đó có bao cao su nam, nhiều nước đã áp dụng công bố quy định về tiêu chuẩn. Đây là những tiêu chuẩn tối thiểu mà sản phẩm cần đạt được về vận hành, chất lượng, độ an toàn và các phép thử tương ứng. Sản phẩm, hàng hóa đảm bảo các tiêu chuẩn này mới được mua, bán, nhập khẩu.

Bên cạnh đó, một số quốc gia dựa vào hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế (ISO); một số nước khác quản lý chất lượng bằng cách xây dựng tiêu chuẩn riêng về bao cao su dựa vào tiêu chuẩn quốc tế ISO.

Tại Việt Nam, bao cao su đang được lưu thông trên thị trường với nhiều chủng loại, mẫu mã, màu sắc và trong số đó có nhiều hàng nhái, hàng giả, không có nguồn gốc xuất xứ nhưng vẫn chưa được quản lý thông qua quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn quy định trong dược điển. Vì vậy, các nhà sản xuất hoặc đơn vị xuất nhập khẩu bao cao su hầu hết vẫn đang tự áp dụng theo tiêu chuẩn ISO và việc áp dụng chỉ mang tính chất tự nguyện, chưa bắt buộc.

Do đó, dưới góc độ quản lý nhà nước, bà Đặng Quỳnh Thư cho rằng, để đảm bảo chất lượng các phương tiện tránh thai nói chung, bao cao su nói riêng, cần xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bao cao su nam và giao cho đơn vị quản lý nhà nước làm đầu mối xây dựng để có công cụ, cơ sở pháp lý quản lý chất lượng, kiểm tra, giám sát đảm bảo được chất lượng sử dụng, an toàn sức khỏe cho người sử dụng.

hen1998

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...