Tăng cường đạm thực vật cho bữa ăn của người cao tuổi

Thứ Tư, 22/04/2020 10:31 AM (GMT+7)

Người cao tuổi bộ máy tiêu hóa bắt đầu suy giảm. răng yếu, dịch vị tiết kém, khả năng tiêu hóa, hấp thu, chuyển hóa thức ăn giảm nhiều kèm theo rất nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp, tim mạch, xương khớp… Vì vậy cần lựa chọn thực phẩm cho phù hợp.

Nếu có hàm răng tốt, người cao tuổi vẫn có thể ăn gạo lứt, nấu mềm cho dễ nhai. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng cho biết, trước đây nhân dân vùng biển Giao Thủy, Nam Định thường dùng gạo trộn cám nấu cơm. Cơm cám ăn với muối vừng vừa béo vừa ngon. Ngày nay, để nấu cho các cụ, có thể chọn gạo lứt ngâm vài tiếng nấu cho mềm hoặc có thể chọn gạo không sát trắng quá.

Trong mỗi bữa cơm, không nhất thiết người cao tuổi phải ăn nhiều cơm. Nên bớt cơm và ăn thêm khoai vì khoai có khối lượng lớn, gây cảm giác no nhưng cho ít năng lượng, không gây béo, có nhiều chất xơ giúp chống táo bón, thải cholesterol thừa, đề phòng ung thư đại tràng.

đậu-tương

Để tăng cường chất đạm, người cao tuổi nên giảm thịt, tăng cường ăn đậu tương, đậu nành. Đậu tương, đậu nành là thực phẩm rất giàu chất xơ, vitamin B, canxi và axit béo omega-3. Ở nước ta, các nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng chỉ ra rằng, đậu tương có giá trị dinh dưỡng rất cao, giàu chất đạm và nhiều axit béo không no rất quý. Từ đậu tương có thể làm tương, đậu phụ, chao, sữa đậu, sữa chua từ đậu nành để tăng cường dinh dưỡng cho người cao tuổi, tăng cường đạm, phòng chống loãng xương. Ngoài ra, mỗi tuần người cao tuổi vẫn nên duy trì ít nhất ba bữa cá, thịt ăn theo khả năng, đảm bảo khoảng 1kg/tháng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, với người cao tuổi, sữa là thực phẩm bổ dưỡng, dễ tiêu. Chất đạm có trong sữa có giá trị sinh học cao, có tất cả các axit amin thiết yếu mà cơ thể chúng ta không tổng hợp được. Nếu mỗi ngày, các cụ được uống 2 ly sữa (mỗi ly 250ml) là gần đủ các nhu cầu về axit amin thiết yếu, 2/3 nhu cầu về canxi và photpho. Ở một số người cao tuổi không quen uống sữa, uống vào hay bị đau bụng, đi ngoài là do ít sử dụng sữa hay các thực phẩm chế biến từ sữa nên trong ruột ít tiết ra men lactase để tiêu hóa đường lactose vốn có tự nhiên trong sữa. Gặp trường hợp này, người cao tuổi nên duy trì uống sữa ít một cho hệ tiêu hóa quen dần, sử dụng dưới dạng sữa chua, như phô mai hay các loại sữa không lactose. Trong sữa chua, do đường lactose của sữa đã được biến thành axit lactic nên ít gây đau bụng, tiêu lỏng và hàm lượng đạm, canxi vẫn giữ nguyên như trong sữa tươi. Nếu có điều kiện, mỗi ngày các cụ nên uống một cốc sữa chua.

Rau và quả chín là thực phẩm luôn cần ưu tiên dù cao tuổi hay đang phát triển. Rau xanh có chứa nhiều bêta-caroten, kể cả đã ăn nhiều thịt thì vẫn cần ăn tăng rau để cân bằng thực phẩm. Cuối cùng, cần bổ sung lượng vitamin, chất khoáng, chất chống oxy hóa từ quả chín. 

Theo KHĐS

Vũ Ngọc Chương

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...