Táo bón mạn tính ở người cao tuổi và giải pháp

Thứ Hai, 10/10/2022 10:44 PM (GMT+7)

Bệnh táo bón thực tế có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên người cao tuổi lại dễ bị mắc chứng bệnh này với tỉ lệ ước tính vào khoảng 28 – 50% số người từ 60 tuổi trở lên bị mắc.

 1. Nguyên nhân người già dễ mắc táo bón:

- Chế độ ăn: Nguyên nhân đầu tiên gây ra chứng táo bón ở người cao tuổi phải kể đến là việc thay đổi chế độ ăn. Người cao tuổi thường có xu hướng ăn ít chất xơ hơn do khả năng nhai nuốt và tiêu hóa kém. Vì lượng chất xơ trong khẩu phần ăn giảm nên dễ dàng bị táo bón. 

- Suy giảm các hoạt động thể chất: ở người cao tuổi, do rất nhiều lý do như tình trạng sức khỏe không đảm bảo, bị mắc các bệnh mạn tính như thoái hóa, viêm khớp, loãng xương; các bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường; các bệnh hô hấp mạn tính như tâm phế mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, do thói quen ít hoạt động hoặc thói quen nhịn đại tiện lâu. Việc giảm hoạt động thể chất dẫn tới giảm nhu động ruột, giảm bài tiết dịch ruột gây táo bón.

- Do thuốc đang được sử dụng để điều trị các bệnh mạn tính như thuốc kích thích beta-2 giao cảm. Nhóm thuốc này gây giảm nhu động ruột dẫn đến táo bón.

- Bệnh trĩ: Khi bị trĩ, bệnh nhân thường có xu hướng nhịn đi đại tiện vì sợ đau và chảy máu. Khi nhịn đại tiện lâu và nhiều lần sẽ giảm phản xạ đại tiện, gây tích trữ phân dẫn đến táo bón. Bệnh nhân càng bị táo bón, đi ngoài càng đau và càng dễ chảy máu, kết quả là bệnh nhân càng nhịn đi đại tiện và táo bón ngày càng tiến triển thành vòng luẩn quẩn.

- Sau các phẫu thuật ổ bụng: Sự giảm nhu động ruột và cảm giác đau khi rặn dẫn đến bệnh nhân khó đại tiện kèm theo tình trạng phải ăn thức ăn tinh, ít chất xơ, lượng dịch bù không đủ làm phân khô lại, có trường hợp sờ thấy thành chuỗi cứng dọc theo khung đại tràng.

- Do uống không đủ lượng nước hàng ngày: Việc này có thể do người cao tuổi bị các bệnh mạn tính như suy tim phải hạn chế nước nhưng cũng có thể do bệnh nhân bị mắc chứng tiểu đêm, bị u xơ tiền liệt tuyến nên hạn chế uống nước để đỡ đi tiểu tiện.

- Do nhu động đại tràng giảm, các cơ trực tràng và cơ thành bụng yếu nên khả năng tống phân ra bị suy giảm.

- Do suy tuyến giáp: Các triệu chứng kèm theo thường là mạch chậm và phù niêm, ăn uống khó tiêu tuy không rõ rệt như ở người trẻ.

- Giải phẫu hệ tiêu hóa trong ổ bụng.

2. Hậu quả của bệnh táo bón ở người cao tuổi

Bên cạnh những khó chịu do bệnh táo bón gây ra, ở người cao tuổi còn có nhiều nguy cơ khác có thể nguy hại đến tính mạng nếu bị táo bón. Đây là các trường hợp bệnh nhân bị các bệnh tim mạch như suy tim, bệnh mạch vành nên phải hạn chế gắng sức. Nhiều trường hợp rặn nhiều do bị táo bón dẫn đến đột tử do nhồi máu cơ tim. Gắng sức nhiều khi đại tiện cũng có thể làm vỡ các phế nang (đã giãn to) ở các bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây tràn khí màng phổi. Táo bón cũng có thể là yếu tố nguy cơ ở người cao tuổi có tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, loạn nhịp tim...

3. Một số phương pháp phòng chống táo bón hiệu quả

Có nhiều phương pháp đơn giản để phòng và điều trị bệnh ở người cao tuổi, đặc biệt là bệnh táo bón. Đầu tiên có thể nói tới là việc tập luyện thói quen đi đại tiện vào đúng một giờ nhất định, tốt nhất là vào buổi sáng. Những ngày đầu không cần người cao tuổi phải làm được luôn, mà chỉ để rèn thói quen đi đại tiện dù có muốn đi hay không. Tiếp theo là điều chỉnh chế độ ăn uống. Tạo một chế độ ăn đầy đủ về lượng, đảm bảo nhiều chất xơ như rau xanh, nguồn vitamin từ rau củ quả tươi, uống đủ lượng nước theo nhu cầu. Vào buổi sáng, khi dạ dày rỗng, nên uống một cốc nước ấm hoặc nước có pha mật ong để kích thích nhu động ruột.

Thường xuyên uống nước, không chờ có cảm giác khát mới uống do cảm giác khát ở người cao tuổi có thể bị suy giảm, nên cố gắng tăng cường các hoạt động thể chất phù hợp với sức khỏe để tăng cường tác động lực cơ bụng. Hàng ngày, nên tập cơ bụng bằng cách xoa từ hạ sườn phải sang hạ sườn trái xuống hố chậu trái để tăng cường nhu động ruột, cần điều trị tốt các bệnh mãn tính kèm theo hoặc các bệnh là nguyên nhân gây táo bón. Bên cạnh đó, người cao tuổi nên chú ý tới tác dụng phụ gây táo bón của một số loại thuốc như thuốc giãn phế quản, luôn giữ cho tinh thần được sảng khoái, vui vẻ, giảm stress.

OIP

Cuối cùng, có thể dùng các thuốc nhuận tràng giúp cho việc đại tiện được dễ dàng hơn như microlax thụt hậu môn, lactulose, sorbitol dùng đường uống. Cá biệt có trường hợp táo bón quá nặng phải dùng phương pháp thụt tháo để tống phân ra ngoài.

4. Những thực phẩm hỗ trợ điều trị táo bón

Bên cạnh việc cho họ dùng thuốc nhuận tràng thì việc bổ sung đủ chất xơ và chất lỏng cũng rất quan trọng để cải thiện chứng táo bón một cách tự nhiên. Sau đây là những thực phẩm có lợi cho người già bị táo bón nên được bổ sung thường xuyên trong chế độ ăn: 

- Khoai lang: Khoai lang là loại củ nổi tiếng với công dụng cải thiện chứng táo bón vì chứa hàm lượng chất xơ rất cao (khoảng 3 gam). Vì vậy, người cao tuổi gặp vấn đề liên quan đến nhu động ruột thì nên đưa khoai lang vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Không chỉ có rễ, củ mà ngay cả lá khoai lang cũng mang đến lợi ích cho hệ tiêu hóa và làm giảm chứng táo bón. Bạn có thể chế biến nhiều món khác nhau với khoai lang để hợp khẩu vị hơn và không bị ngán khi cần ăn thường xuyên.

- Cà rốt: Một củ cà rốt có thể chứa đến 1,2 gam chất xơ nên đây cũng là thực phẩm lý tưởng cho người già bị táo bón. Hơn nữa, cà rốt rất thích hợp để chế biến nhiều món ăn và còn có thể dùng làm nước ép hoa quả thơm ngon để người lớn tuổi có thêm món nước tráng miệng vừa bổ dưỡng và vừa cải thiện chứng táo bón.

R (1)

- Rau mồng tơi: Rau mồng tơi là loại rau quen thuộc trong bữa ăn của người Việt, canh rau mồng tơi rất dễ ăn và mát ruột. Ưu điểm của loại rau này là chứa cả chất xơ hòa tan và không hòa tan, giàu vitamin K, khoáng chất thiết yếu… hỗ trợ điều trị bệnh trĩ, làm lành vết rách hậu môn và cải thiện chứng táo bón hiệu quả.

- Chuối: chuối là loại trái cây dễ tìm mua, giá “dễ chịu” và còn rất tốt cho đường ruột nhờ hàm lượng chất xơ cao (2.6 gam). Do đó, bạn nên dùng chuối làm món tráng miệng hoặc món ăn nhẹ cho cả gia đình. Nhất là đối với người già bị táo bón thì nên duy trì thói quen ăn 1 quả chuối mỗi ngày để cải thiện bệnh và phòng tình trạng táo bón tái đi tái lại.

- Quả bơ: Quả bơ là loại trái cây hỗ trợ chăm sóc sức khỏe gần như toàn diện. Không chỉ giàu chất xơ, bơ còn cung cấp nhiều vitamin cùng hàm lượng omega-3, omega-6 dồi dào rất tốt cho tim mạch, huyết áp cao… thường gặp phải ở người cao tuổi. Đặc biệt với người già bị táo bón thì nên ăn bơ để vừa cải thiện bệnh đường ruột vừa tốt cho sức khỏe tổng thể.

- Táo: Việc bổ sung táo vào thực đơn trái cây tráng miệng của cả nhà cũng là một trong những cách giúp người cao tuổi cải thiện chứng táo bón kinh niên. Loại trái cây này vừa chứa chất xơ hòa tan lẫn không hòa tan vừa chứa nhiều thành phần pectin giúp làm mềm phân và kích thích hệ tiêu hóa. Hơn nữa, chất xơ tập trung rất nhiều ở vỏ táo nên người bị táo bón cần ăn cả vỏ để tình trạng này được cải thiện hiệu quả nhất.

- Lê: lê giàu vitamin (B2, B3, B6, C, K) và khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Dinh dưỡng từ quả lê có thể hỗ trợ ngăn ngừa nhiều bệnh thường gặp ở người lớn tuổi như tim mạch, nhồi máu cơ tim, tiểu đường, loãng xương… Không những vậy, quả lê còn chứa nhiều chất xơ giúp người táo bón nhuận tràng, kích thích nhu động ruột làm việc tốt hơn để quá trình đi đại tiện diễn ra dễ dàng.

- Nước chanh: là thức uống quá quen thuộc và chứa hàm lượng vitamin C cao giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Không những vậy, nước chanh còn có thể hỗ trợ làm sạch ruột, giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn. Dù là người trẻ tuổi hay người già bị táo bón, chỉ cần không mắc bệnh dạ dày thì nên uống một ly nước chanh ấm pha thêm chút muối vào mỗi sáng. Thói quen này sẽ giúp cải thiện chứng táo bón hiệu quả.

- Nước lọc: Bên cạnh việc bổ sung chất xơ thì bổ sung chất lỏng cũng rất cần thiết để cải thiện chứng táo bón. Vì vậy, người già bị táo bón cần chú ý hơn đến việc uống nhiều nước để giúp phân được làm mềm. Từ đó làm giảm độ ma sát với niêm mạc ống tiêu hóa giúp quá trình đi đại tiện được dễ dàng hơn.

Nếu bạn quan tâm đến vấn đề người già bị táo bón nên ăn gì, hãy bổ sung 9 thực phẩm gợi ý trên vào chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi. Đồng thời, đừng quên khuyến khích người cao tuổi trong gia đình vận động, đi lại nhiều hơn để sức khỏe được cải thiện tốt hơn nhé!

Vũ Phương Dung

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...