Thách thức của vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam

Thứ Tư, 21/12/2022 02:40 PM (GMT+7)

Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, có nước hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già như: Pháp: 115 năm; Australia: 73 năm; Mỹ: 69 năm; Nhật Bản: 26 năm… nhưng ở Việt Nam chỉ khoảng 20 năm.

Để hình dung rõ hơn tốc độ gia tăng nhanh chóng của số lượng người cao tuổi tại Việt Nam trong những năm gần đây, có thể nhìn vào biểu đồ sau:

tháp dân số 2009 và 2019

Tổng dân số Việt Nam tại thời điểm 1/4/2009 là 85,85 triệu người, trong khi tổng dân số tại thời điểm 1/4/2019 là 96,21 triệu người. Trong đó, số lượng NCT năm 2009 và 2019 tương ứng là 7,45 triệu (chiếm 8,68% tổng dân số) và 11,41 triệu (chiếm 11,86% tổng dân số). Tính trung bình trong giai đoạn 2009-2019, tổng dân số tăng 1,14%/năm thì dân số cao tuổi tăng tới 4,35%/năm.

Trong dài hạn, già hóa dân số tạo ra các tác động đa chiều, nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến an sinh xã hội và cả văn hóa. So với nhiều nước trên thế giới, già hóa dân số ở nước ta gây ra nhiều thách thức cần phải giải quyết:

-  Suy giảm năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Tăng nhanh dân số già đồng nghĩa với suy giảm tăng trưởng lực lượng lao động, dẫn đến giảm tăng trưởng vốn, kìm hãm tăng năng suất lao động, nhất là năng suất các nhân tố tổng hợp

- Đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi, sự gia tăng nghèo và bất bình đẳng trong xã hội

- Thách thức đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và  hệ thống y tế

- Sức ép đối với tài chính công với những áp lực về đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và lương hưu, trợ cấp cho người cao tuổi, chi tiêu công sẽ buộc phải tăng lên

- Những thách thức về xã hội như đảm bảo đời sống văn hóa và tinh thần cho người cao tuổi, điều chỉnh thị trường lao động-việc làm, giải quyết mâu thuẫn và xung đột thế hệ trong thời kỳ dân số già...

Đối với người cao tuổi, những vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay bao gồm:

- Sức khỏe người cao tuổi yếu và có nhiều vấn đề cần giải quyết. Mặc dù có tuổi thọ trung bình khá cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi ở nước ta (giai đoạn sống tích cực) lại khá thấp (chỉ khoảng 64 tuổi); đặc biệt, có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu, nhiều người mắc bệnh nan y… Khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền, trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh.

- Hệ thống chăm sóc sức khỏe, nhất là chăm sóc chuyên khoa cho người cao tuổi chưa đáp được nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi.

- Hệ thống an sinh xã hội cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi; chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn và hệ thống cung ứng việc làm cũng như chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi. Chỉ có khoảng 60% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế.

- Thu nhập của người cao tuổi thấp, không ổn định, sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân. Phần lớn người cao tuổi không có bảo hiểm xã hội. Số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội rất thấp nên nhiều người cao tuổi sức khỏe kém vẫn phải tự lao động và kiếm sống hàng ngày. Tỷ lệ người nghèo ở người cao tuổi là 23,5%.

- Một bộ phận xã hội còn có quan niệm sai lệch về người cao tuổi; vai trò của các tổ thức dân sự, đoàn thể, cá nhân chưa thực sự được phát huy… cũng là những khó khăn, thách thức đối với chất lượng sống của người cao tuổi.

Tuy nhiên, già hóa dân số cũng tạo ra các cơ hội phát triển ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe và những sản phẩm phục vụ cho người cao tuổi.  Nhu cầu chi tiêu cho sức khỏe của người cao tuổi gia tăng, đời sống kinh tế của người dân cả nước có xu hướng được cải thiện nên dịch vụ về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi sẽ phát triển. Xu thế này sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi hiệu quả, phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp, chăm sóc, điều dưỡng người cao tuổi gắn với chăm sóc tại gia đình, cộng đồng. Nhiều loại hàng hóa thực phẩm, dược phẩm, thời trang… phục vụ nhóm khách hàng này cũng sẽ có cơ hội phát triển hơn trước.

Vũ Ngọc Duy

Cùng chuyên mục

Những lưu ý cho người cao tuổi khi tập thể dục dưới trời lạnh

Việc tập thể dục vào mùa lạnh là cần thiết với người cao tuổi. Tuy nhiên cần xem xét một số yếu tố như...

Để người cao tuổi sống vui, khỏe sau khi nghỉ hưu

Khi đến tuổi nghỉ hưu cũng là giai đoạn mới trong cuộc sống, người cao tuổi có nhiều vấn đề cần phải quan...

Tải về

Các chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi

Sự lão hóa của các cơ quan khi tuổi già đến, đặc biệt, sự già hóa của hệ thần kinh có thể đến sớm và trở...

Hiện tượng hạ thân nhiệt cơ thể ở người cao tuổi

Hạ thân nhiệt là tình trạng thường gặp vào mùa đông nhưng nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ảnh...