Thành phố Hồ Chí Minh khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi

Thứ Sáu, 21/07/2023 03:31 PM (GMT+7)

Mới đây, Sở Y tế TP HCM đã ban hành kế hoạch triển khai thí điểm khám sức khỏe, phát hiện bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi. Việc thí điểm này là tiền đề để triển khai kế hoạch khám sức khỏe đồng loạt cho tất cả người cao tuổi trên địa bàn vào năm 2024.

 

Theo đó, trong đợt thí điểm, mỗi quận huyện chọn ít nhất một phường, xã để triển khai khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi và phải hoàn tất trước ngày 31-8. Khi khám sức khỏe, người cao tuổi sẽ được làm xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm tổng quát, xét nghiệm máu. Đồng thời, đo sinh hiệu, ghi nhận một số chỉ số về chiều cao, cân nặng, vòng bụng... Người cao tuổi có thể khám sức khỏe tại các trung tâm y tế, trạm y tế, bệnh viện quận, huyện hoặc bệnh viện đa khoa khu vực có giấy phép hoạt động, có đủ nhân sự và trang thiết bị…

Trường hợp người cao tuổi có các dấu hiệu nghi ngờ các bệnh lý, nhân viên y tế sẽ giới thiệu đến bệnh viện để làm xét nghiệm chuyên sâu nếu trạm y tế không có đủ cơ sở, vật chất, trang thiết bị. Ngoài ra nếu người cao tuổi không thể di chuyển đến điểm khám sức khỏe, các trạm y tế sẽ cử nhân sự đến nhà để tổ chức thăm khám. Bên cạnh đó người cao tuổi sẽ được cấp phát thuốc điều trị theo gói can thiệp thiết yếu về bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu của Tổ chức Y tế thế giới.Theo Kế hoạch, mỗi nơi khám phải thành lập các “Tổ khám sức khỏe”, mỗi tổ có từ 3-5 thành viên gồm bác sĩ nội tổng quát, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh… Sau khi khám sức khỏe xong, các đơn vị này phải kết luận tình trạng sức khỏe và thông tin kết quả khám sức khỏe cho người cao tuổi trong thời gian từ 24-48 giờ, đồng thời nhập đầy đủ kết quả xét nghiệm cận lâm sàng vào phần mềm để đảm bảo dữ liệu được liên thông, kết nối vào hồ sơ sức khỏe của người dân.

Theo thống kê, TP.HCM hiện có hơn 1 triệu người cao tuổi. Các quận huyện có số người cao tuổi đông nhất bao gồm: TP Thủ Đức (95.269 người), quận Bình Thạnh (82.692 người), quận Gò Vấp (67.860 người), quận 8 (65.227 người)…

Trước đó UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trong giai đoạn 2024 - 2025. Mục tiêu của kế hoạch này là đảm bảo mỗi người cao tuổi, từ đủ 60 tuổi trở lên ở TP.HCM đều được khám sức khỏe định kỳ, từ đó lập hồ sơ sức khỏe điện tử, xác định được mô hình sức khỏe và bệnh tật, chủ động can thiệp sớm để điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tổng kinh phí dự kiến mỗi năm gần 150 tỉ đồng. Đây được đánh giá là hướng đi hoàn toàn phù hợp khi TP.HCM có tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng số năm sống khỏe mạnh còn khá thấp.

Lưu Trung Kiên

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...