Tỉnh Quảng Ninh: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế

Thứ Ba, 30/08/2022 09:27 AM (GMT+7)

Để ổn định, duy trì mức sinh thay thế, ngành dân số tỉnh Quảng Ninh đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Hội KHHGĐ tỉnh tổ chức truyền thông về chăm sóc SKSS-KHHGĐ tại xã Quảng An (huyện Đầm Hà).

Hội KHHGĐ tỉnh tổ chức truyền thông về chăm sóc SKSS-KHHGĐ tại xã Quảng An (huyện Đầm Hà).

Năm 2022, ngành dân số tỉnh đặt mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, tiếp tục giảm sinh ở những nơi có mức sinh cao; phát triển nâng cao chất lượng các dịch vụ KHHGĐ, khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đồng thời, nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội cơ bản để thu hút dân cư, nhằm tăng nhanh về quy mô, nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhằm hiện thực hóa những mục tiêu này, Chi cục DS-KHHGĐ đã tích cực thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá các hoạt động về dân số và phát triển trong tình hình mới. Chi cục cũng thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện công tác dân số cũng như những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn tới các cấp lãnh đạo tỉnh.

Nhân viên của Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên cho trẻ em uống vắc xin phòng chống bại liệt.

Nhân viên của Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên cho trẻ em uống vắc xin phòng chống bại liệt.

Công tác truyền thông trên địa bàn tỉnh cũng được gắn với các mục tiêu của chiến lược dân số đến 2030 với trọng tâm chuyển từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển. Vì thế, ngành dân số tiếp tục mở rộng các hình thức truyền thông, giáo dục thân thiện với trẻ vị thành niên, thanh niên; đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc phổ biến kiến thức, kỹ năng về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới tính, triển khai và mở rộng các mô hình nâng cao chất lượng dân số phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng vùng, miền, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các địa phương cũng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động về sàng lọc trước sinh và sơ sinh; chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ cho phụ nữ, trẻ em; tuyên truyền về tác hại của phá thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn...

Cán bộ dân số phường Hà An (TX Quảng Yên) tuyên truyền các biện pháp KHHGĐ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Cán bộ dân số phường Hà An (TX Quảng Yên) tuyên truyền các biện pháp KHHGĐ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Thị xã Quảng Yên là một trong những địa phương thực hiện tốt các chính sách về DS-KHHGĐ. Thời gian qua, thị xã đã cụ thể hóa các kế hoạch, mục tiêu của công tác dân số trong tình hình mới bằng việc huy động tích cực sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền.

Để duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; các hoạt động truyền thông của thị xã không ngừng đổi mới về cả nội dung và hình thức phù hợp với từng vùng, nhóm đối tượng; chú trọng truyền thông trực tiếp tại gia đình với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Từ đầu năm đến nay, đã tư vấn trực tiếp cho 880 hộ dân về nội dung công tác dân số trong tình hình mới; tổ chức tuyên truyền 94 buổi sinh hoạt tại các câu lạc bộ như: CLB tiền hôn nhân; CLB mất cân bằng giới tính khi sinh…

Ngành dân số của thị xã cũng xây dựng, củng cố và mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ. Các phương tiện tránh thai miễn phí được viên chức dân số xã, cộng tác viên cung cấp kịp thời, đầy đủ, tạo mọi thuận lợi cho đối tượng. Nhờ vậy, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai trên địa bàn đạt khá cao với trên 60%. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm, hiện còn 5,35%; số phụ nữ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh đạt 82,7%, tăng 7,7% so với cùng kỳ; các cặp vợ chồng được tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân đạt 96,1%.

Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến 2030 của tỉnh đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp với từng giai đoạn cụ thể. Đặc biệt, việc truyền thông, nâng cao nhận thức ở từng khu vực có mức sinh khác nhau sẽ góp phần củng cố giá trị của mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng chỉ nên dừng lại ở 2 con để nuôi dạy con tốt và xây dựng gia đình ngày càng phát triển.

Theo Báo Quảng Ninh

Trần Thanh Mai

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...