TP.HCM nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp

Thứ Hai, 06/03/2023 02:28 PM (GMT+7)

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ theo các mô hình nhân khẩu học, mức sinh thấp sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số thành phố trong tương lai. Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Vấn đề về dân số đang là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là mức sinh hiện ở mức rất thấp; quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao, tiếp tục tăng; mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn có thể diễn ra; di cư vẫn diễn ra với cường độ cao; chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số...

Năm 1989, mỗi phụ nữ Việt Nam có số con trung bình là 3,8 con. Sau hơn 30 năm, năm 2021, con số này đã giảm còn 2,1 và năm 2022 là 2,01. Các chuyên gia nhân khẩu học cho biết: 2,1 là con số lý tưởng đáp ứng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, còn dưới 2,1 được coi là thấp. Nhưng ở thành thị và một số địa phương con số này rất thấp, như tại Thành phố Hồ Chí Minh là 1,39 con.

Mức sinh thấp là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh.

Mức sinh thấp là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước thực trạng trên, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030, với mục tiêu tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2030 đạt trên 1,3%.

Chương trình điều chỉnh mức sinh của thành phố nhằm nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp, phấn đấu thực hiện việc điều chỉnh tăng mức sinh nhằm góp phần thực hiện thành công chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố.

Các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 là tổng tỷ suất sinh đạt 1,4 con/phụ nữ vào năm 2025 (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 1,4 con), hướng tới 2030 là 1,6 con; quy mô dân số thành phố khoảng 10,6 triệu người vào năm 2025 và 12 triệu người vào năm 2030; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên phấn đấu trên 1,1% vào năm 2025, trên 1,3% vào năm 2030.

Cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa việc chuyển hướng trọng tâm công tác dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, tập trung mọi nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp. Trên cơ sở xác định hiện trạng và xu hướng mức sinh của từng quận, huyện, ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch với chỉ tiêu cụ thể về việc điều chỉnh tăng mức sinh cho từng giai đoạn cụ thể; rà soát các quy định đảm bảo sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc…

Việc nỗ lực giải quyết vấn đề mức sinh thấp tại Thành phố Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần ổn định quy mô, cơ cấu dân số thành phố, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho sự phát triển của thành phố trong tương lai.

Vũ Phương Bảo Khanh

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...