Trung Quốc đối mặt với thách thức suy giảm dân số

Thứ Năm, 02/03/2023 09:27 AM (GMT+7)

Theo Reuters, mới đây, Wang Pei'an, Phó giám đốc Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc cho rằng, nước này cần các chính sách khuyến khích người dân lập gia đình và thúc đẩy tỷ lệ sinh con giữa bối cảnh sự suy giảm dân số có thể đe dọa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Điều tưởng chừng khó có thể xảy ra tại quốc gia đông dân nhất thế giới nhưng đã trở thành sự thật sau khi các số liệu từ chính phủ cho thấy, dân số Trung Quốc đại lục đã giảm hơn 850.000 người xuống còn 1,41 tỷ người trong năm 2022, ghi dấu mức giảm đầu tiên kể từ năm 1961. 

Mặc dù các nhà nhân chủng học đã dự đoán được thời điểm dân số Trung Quốc suy giảm. Tuy nhiên, việc nó xảy ra vào năm 2022 đã sớm hơn vài năm so với dự báo, buộc giới chuyên gia phải nhanh chóng đánh giá tác động đến kinh tế toàn cầu, khi Trung Quốc vẫn được xem như “công xưởng” lớn của thế giới.

Channel NewsAsia nhận định xu hướng giảm sẽ không chỉ tiếp diễn, mà còn có khả năng tăng tốc trong thập kỷ tới. Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn sẽ ở mức khiêm tốn trong ít nhất một thập kỷ nữa, trong khi chi phí nuôi con sẽ tiếp tục tăng. Dân số Trung Quốc hiện đã bắt đầu giảm và Ấn Độ sắp trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Dân số già hóa ngày càng đặt ra nhiều thách thức hơn đối với nền kinh tế như Trung Quốc vốn đang thúc đẩy mục tiêu phục hồi sau đại dịch Covid-19. Lực lượng lao động nhỏ hơn sẽ kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế. Một nền kinh tế chỉ có thể tăng trưởng bằng cách tăng thêm người lao động hoặc gia tăng hoạt động sản xuất với lượng lao động sẵn có. Dân số đang trong độ tuổi lao động của Trung Quốc, đạt đỉnh vào năm 2014, được dự kiến sẽ giảm 0,2%/năm cho đến năm 2030, theo dự báo của S&P Global Ratings.

Lần đầu tiên trong hơn 50 năm, số ca sinh của Trung Quốc ít hơn số ca tử vong, khiến nước này gia nhập nhóm các quốc gia suy giảm dân số như Italy, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản, theo CNN.

Lần đầu tiên trong hơn 50 năm, số ca sinh của Trung Quốc ít hơn số ca tử vong, khiến nước này gia nhập nhóm các quốc gia suy giảm dân số như Italy, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản, theo CNN.

Theo tiến sĩ Gietel-Basten, để đối phó với xu hướng giảm dân số, Trung Quốc sẽ phải xem xét hàng loạt yếu tố như năng suất lao động và số lượng người già so với những người trẻ tuổi đang đóng vai trò là động lực chính của nền kinh tế.

Về mặt lý thuyết, nếu số người trong độ tuổi lao động giảm dẫn đến số người thực sự làm việc ít đi, chi phí lao động ở Trung Quốc sẽ leo thang, làm tăng giá hàng hóa sản xuất. Khi ngày càng ít người lập gia đình, nhu cầu về nhà ở trong dài hạn cũng giảm sút, kéo theo sụt giảm nhu cầu với các mặt hàng vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng có thể gặp khó khăn trong việc chi trả cho hệ thống lương hưu quốc gia khi có quá nhiều người cao tuổi. Tất cả những điều này có thể ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng dài hạn đối với nền kinh tế, nếu các chính sách khuyến sinh của chính phủ không phát huy hiệu quả.

Trước mối quan ngại gia tăng do quy mô dân số bị thu hẹp, các nhà chức trách Trung Quốc đang tìm cách để gia tăng tỷ lệ sinh. Ông Wang Pei'an đề xuất chính phủ nên đưa ra nhiều chương trình ưu đãi thuế hơn để khuyến khích các gia đình sinh con.

Tại Diễn đàn “Phát triển và Trung Quốc” lần thứ ba tại Bắc Kinh, ông cho biết xu hướng thế hệ trẻ ngày càng ngại sinh con ở nước này, đồng thời kêu gọi đưa ra nhiều chương trình ưu đãi hơn về việc làm, chăm sóc y tế, an sinh xã hội và nhà ở để có thể khuyến khích người dân lập gia đình. Khi kêu gọi các biện pháp hỗ trợ sinh đẻ, các quan chức y tế Trung Quốc thường đề cập tới những vấn đề như gánh nặng nuôi con và mong muốn tập trung vào sự nghiệp của phụ nữ trẻ.

Theo ông Can Hoa Điền, Ủy viên Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, trở ngại chính dẫn đến việc không muốn sinh con là chi phí sinh nở và nuôi dạy con, nhất là ở các thành phố lớn. Do vậy, cần có chính sách đồng bộ trên phạm vi cả nước, giảm các chi phí sinh nở, chăm sóc, giáo dục, y tế; thậm chí có thể miễn phí giáo dục từ mầm non đến hết trung học cho con thứ 3.

Còn theo ông Vương Bồi An, ngoài việc giảm gánh nặng chi phí, cần phát huy vai trò dẫn dắt của văn hóa hôn nhân và gia đình kiểu mới, khuyến khích kết hôn và sinh con đúng độ tuổi, vợ chồng cùng gánh vác trách nhiệm chăm sóc con cái; từng bước rút ngắn thời gian làm việc, áp dụng cơ chế làm việc linh hoạt, phát triển các ngành dịch vụ giúp việc gia đình, chăm sóc người già, trông giữ trẻ, để đem lại sự bảo đảm và nguồn năng lượng tích cực cho các cặp vợ chồng trong việc sinh đẻ và nuôi dưỡng con cái.

Vũ Phương Bảo Khanh

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...