789

Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn xuất hiện ở vùng dân tộc thiểu số

Thứ Ba, 06/10/2020 06:16 PM (GMT+7)

Bất bình đẳng giới vẫn là vấn đề nổi cộm của nhiều quốc gia lạc hậu, bảo thủ, trong đó là một số vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam.

Bất bình đẳng giới là một trong những vấn đề nổi cộm, nhức nhối hiện nay, đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số. Những người phụ nữ dân tộc thiểu số đang phải chịu sự bất bình đẳng trong khá các nhiều lĩnh vực khác nhau, cần có sự đồng bộ giải quyết.

Bất bình đẳng “kép”

Trong tổng số hơn 13 triệu người dân tộc thiểu số (DTTS) ở nước ta hiện nay, phụ nữ chiếm 49,8%. Tỷ lệ phụ nữ và nam giới tương đối cân bằng, nhưng phụ nữ DTTS đang là nhóm đối tượng yếu thế. Họ phải chịu nhiều thiệt thòi, chịu sự bất bình đẳng về giới từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội.

Bất bình đẳng dễ nhận biết nhất là nam giới được coi là người chủ trong gia đình khi có tới 74% nam giới ở các hộ gia đình DTTS đứng tên độc lập về quyền sở hữu đất đai, tín dụng. Sau khi kết hôn, nam giới vẫn được ưu tiên đi học, còn phụ nữ phải ở nhà thực hiện thiên chức làm mẹ, làm vợ. Vì thế, nam giới DTTS biết đọc, biết viết cao hơn nhiều so với nữ giới. Một số DTTS như Mông, Hà Nhì, La Hủ, Lự,… chỉ có khoảng 20-30% phụ nữ biết đọc, viết.

bat-binh-dang-gioi-dan-toc-thieu-so

Ngoài ra, bạo lực trong gia đình DTTS xảy ra khá phổ biến, nhất là ở những dân tộc phụ hệ. Kết quả phân tích nêu rõ, 58,6% phụ nữ DTTS từ 15 đến 49 tuổi tin rằng, chồng có quyền đánh vợ nếu vợ ra ngoài mà không xin phép, cãi chồng, từ chối quan hệ tình dục hoặc làm cháy thức ăn..., trong khi rất hiếm phụ nữ người Kinh chấp nhận điều này.

Đáng lo ngại hơn, 40/53 DTTS ở nước ta có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên, thậm chí một số dân tộc có tỷ lệ tảo hôn lên tới 50-60%. Trong nhóm tảo hôn, trẻ em gái dưới 16 tuổi kết hôn cao gấp 3,4 lần trẻ em trai. Nạn tảo hôn tồn tại dai dẳng, phổ biến dẫn đến nhiều hệ lụy. Phụ nữ mang thai khi chưa đến tuổi trưởng thành, lại thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản nên tỷ lệ tử vong sản khoa ở một số DTTS khá cao. “Tảo hôn đã và đang làm hạn chế cơ hội học tập, phát triển của trẻ em, nhất là đối với trẻ em gái. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững vùng DTTS”, bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) cho hay.

Nguyên nhân khiến phụ nữ phải chịu sự bất bình đẳng “kép” và tạo ra khoảng cách chênh lệch lớn về giới trong các vấn đề kinh tế - xã hội ở vùng DTTS là do quan niệm trọng nam khinh nữ, do thái độ đề cao vai trò của nam giới từ cộng đồng và chính bản thân người phụ nữ đã ăn sâu vào tiềm thức.

Thúc đẩy bình đẳng giới

Nhằm thay đổi những quan niệm lạc hậu mang tính định kiến giới ở vùng DTTS, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025” trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Đề án hướng tới mục tiêu hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ vùng DTTS, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Đề án đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, nước ta có ít nhất 80% hộ gia đình DTTS được tiếp cận thông tin, kiến thức pháp luật về bình đẳng giới; 30-50% các xã có đồng bào DTTS ít người sinh sống xây dựng mô hình bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối phụ nữ, trẻ em gái.

bat-binh-dang-gioi-dan-toc-thieu-so2

Đánh giá cao nội dung của đề án, bà Elisa Fernandez, Trưởng văn phòng UN Women tại Việt Nam cho rằng, nhu cầu giới cần được coi là một phần quan trọng của chính sách dân tộc. Để làm được điều này, các cơ quan chức năng, trực tiếp là Ủy ban Dân tộc cần tăng cường nguồn lực, thiết kế giải pháp và hành động sáng tạo. Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam khuyến nghị Việt Nam nên quan tâm làm thay đổi nhận thức của xã hội về bình đẳng giới. Điều đó có nghĩa là đầu tư vào bình đẳng giới cần phải được ưu tiên trong mọi lĩnh vực, hoạt động. “Chúng ta cần phải bảo đảm tất cả thanh, thiếu niên có quyền tự chọn tương lai cho chính mình”, bà Astrid Bant nói.

Đồng tình với những ý kiến nêu trên, bà Trương Thị Thúy Hằng, giảng viên Học viện Quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) mong muốn Nhà nước quan tâm, đầu tư nhiều hơn đến mục tiêu giáo dục toàn diện cho người dân các DTTS. Ngoài kiến thức phổ thông, trẻ em cần được trang bị kiến thức pháp luật về giới, kiến thức chăm sóc sức khỏe tình dục, sinh sản, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử...

Trong những năm vừa qua, nước ta đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức sống giữa người dân nơi đây với các khu vực khác. Trước tình trạng bất bình đẳng giới còn tồn tại dai dẳng, hy vọng các cơ quan chức năng sớm đưa ra giải pháp cụ thể, khả thi thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng DTTS nói riêng, trên phạm vi cả nước nói chung.

Đào Lan Anh

Cùng chuyên mục

Nhân ngày tránh thai thế giới 26/09, cùng tìm hiểu về màng phim tránh thai

Màng phim tránh thai VCF (còn gọi là film tránh thai hay màng tránh thai) là lựa chọn biện pháp tránh thai. Nhưng màng phim...

Để cuộc nói chuyện về giới tính với con trở nên tinh tế

Giáo dục giới tính cho trẻ giúp trẻ hiểu rõ về bản thân, có khả năng tránh khỏi nhiều nguy cơ xấu. Song trong...

Những sai lầm của cha mẹ khi giáo dục giới tính cho trẻ

Xung quanh việc giáo dục giới tính cho trẻ, bản thân cha mẹ vẫn có những hiểu nhầm, từ đó việc làm thế nào...

Con xuất hiện xu hướng đồng tính, phụ huynh cần làm gì?

Mỗi cá nhân sẽ có 4 đặc điểm: Giới tính sinh học, bản dạng giới, thể hiện giới, xu hướng tính dục. Các...