Ung thư vú ở người lớn tuổi: Nguyên nhân và cách phòng chống

Thứ Năm, 05/09/2019 07:32 AM (GMT+7)

Việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa rất lớn trong điều trị. Nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu có thể chữa khỏi bệnh.

ung-thu-vu-o-nguoi-cao-tuoi

Theo Bộ Y tế, ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới. Theo thống kê của tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2018, mỗi năm nước ta có 164.671 ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú là 15.229 ca (chiếm tỷ lệ 9,2%). 

GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng cho biết, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư có ý nghĩa rất lớn trong điều trị. Nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu có thể chữa khỏi bệnh.

Từ giai đoạn 1 chuyển sang giai đoạn 2, bệnh có thể chữa ổn định tới hơn 90%, đến giai đoạn 3, tỷ lệ này là 60%. Thế nhưng, đến giai đoạn 4 thì việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn. Chính vì vậy, việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú đóng vai trò quan trọng.

Vì vậy, bạn phải chú ý những dấu hiệu cảnh báo sớm về bệnh ung thư vú dưới dây:

Đau tức ngực

Nếu như bạn đột nhiên bị nhói đau như luồng điện nhẹ đi từ ngực trái đến ngực phải, đây là dấu hiệu không hề tốt cảnh báo sức khỏe vòng một, có thể liên quan đến ung thư vú.

Nguyên nhân: Khối u có nhiều kích thước khác nhau, có thể là khối u đơn lẻ, hay các khối u nằm rải rác phía sau núm vú hoặc ở một trong các ống dẫn sữa. Tất cả đều làm đẩy mô vú, gây cảm giác đau, sưng và khó chịu ở ngực.

Bạn cần theo dõi tần suất, thời điểm, vị trí cơn đau để thông báo cho bác sĩ để có hướng điều trị kịp thời.

Ngực bị thay đổi hình dạng, kích thước, núm vú sần sùi, tiết dịch, xuất hiện khối u cục... có thể là dấu hiệu của ung thư vú.Thay đổi hình dạng và kích thước vú

Một trong những dấu hiệu ung thư vú mà bạn có thể tự quan sát và phát hiện ngay tại nhà chính là sự thay đổi kích thước và hình dạng vú. Nhiều người không sờ thấy khối u như thông thường mà cảm giác ngực to hơn, chảy xuống thấp hơn hoặc có hình dạng khác thường. Đây là triệu chứng của ung thư vú thường gặp ở phụ nữ có mô vú dày đặc.

Ngứa ở ngực

Triệu chứng này, chủ yếu liên quan tới ung thư vú dạng viêm và thường bị bỏ qua. Người bệnh bị ung thư vú dạng viêm bị ngứa nhiều, nổi mẩn đỏ, hay da sần sùi. Nguyên nhân là do các tế bào ung thư phát triển nhanh chặn mạch máu và bạch huyết mạch ở da, khiến cho chất lỏng tích tụ trong và dưới da, gây kích thích da.

Đau lưng, vai, gáy

Ở một số phụ nữ mắc ung thư vú, họ cảm thấy đau ở lưng hay vai chứ không phải ở ngực hoặc vú. Cơn đau thường xảy ra ở phần lưng trên hoặc giữa 2 bả vai, dễ bị nhầm lẫn với chấn thương dây chằng, viêm xương khớp cột sống.

Nguyên nhân: Do hầu hết các khối u vú phát triển trong mô tuyến vú, mở rộng sâu vào ngực, gần thành ngực. Nếu khối u tăng trưởng đẩy ngược về phía xương sườn và xương sống, người bệnh sẽ bị đau ở lưng. Nơi đầu tiên ung thư vú di căn trong xương là xương sống, hoặc xương sườn, phát triển thành ung thư xương thứ cấp.

Núm vú thay đổi

Một trong những vị trí phổ biến nhất mà khối u thường xuất hiện là bên dưới núm vú. Ung thư vú khiến núm vú thay đổi, trở nên dẹt hơn, thụt vào trong. Da ở núm vú có thể trở nên sần sùi, có vảy, hay viêm.

Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể phát hiện dịch, đôi khi kèm máu tiết ra từ núm vú. Do đó, nếu phát hiện triệu chứng nào bất thường, hãy đến cơ sở y tế để kiểm tra trước khi quá muộn.

Sưng hoặc có khối u, hạch ở nách

Hạch bạch huyết có thể là nguyên nhân của bệnh cảm cúm, nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu có một khối u hoặc vết sưng đau dưới vùng cánh tay kéo dài trong một tuần mà không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu ban đầu của ung thư vú.

Khi tế bào ung thư phát triển, lớn dần lên, chúng chèn các mạch máu và bạch huyết, làm các chất lỏng bị tích tụ dưới da. Từ đó, da bị kích thích, ngứa, nổi mẩn đỏ, phát ban... gây khó chịu.

Ngực đỏ, bị sưng

Nếu bạn có cảm giác ngực mình nóng, hay ửng đỏ (thậm chí có màu tím), sưng đau, đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, viêm vú, nhưng cũng có thể là ung thư vú dạng viêm. Nguyên nhân là do các khối u vú đẩy vào chèn ép các mô, khiến ngực bị sưng, đau tức và tấy đỏ.

Nguyên nhân ung thư vú

Bệnh ung thư vú thường mắc phải ở những người sinh con muộn, không có khả năng sinh sản hoặc không cho con bú.

Do gen di truyền: nếu trong gia đình có mẹ hoặc bà, anh chị em mắc bệnh này thì bạn cũng nên đi bệnh viện kiểm tra, bởi bệnh này có thể di truyền trong các thành viên trong gia đình.

Có kinh nguyệt sớm hay mãn kinh muộn cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh.

Những người có tiền sử các bệnh liên quan đến vú như xơ nang tuyến vú...

Sống trong môi trường độc hại, ô nhiễm cũng tạo điều kiện phát sinh ung thư vú.

Béo phì, lười vận động, ăn thức ăn nghèo vitamin, hút thuốc lá, uống rượu cũng có nguy cơ bị ung thư vú.

Điều trị ung thư vú

Phẫu thuật ung thư vú

Đối với khối u nhỏ, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật bóc tách. Nếu ung thư đã lan rộng, bác sĩ sẽ tiến hành đoạn nhũ (đây là kỹ thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú bao gồm phần da, núm vú và tuyến sữa).

Các bác sĩ phẫu thuật sẽ thực hiện đoạn nhũ tiết kiệm da giúp cho việc tái tạo tuyến nhũ thuận lợi hơn, đồng thời cũng có thể nạo hạch sinh thiết nhằm phân tích tế bào để phát hiện ung thư đã di căn tới hạch hay chưa. Trong một số trường hợp thì phụ nữ mắc ung thư vú có thể lựa chọn cắt bỏ tuyến vú bên lành (còn gọi là “đoạn nhũ dự phòng”) nếu các nguy cơ cao như tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư vú hoặc mang gen đột biến có liên quan đến bệnh.

Liệu pháp xạ trị

Phương pháp này sẽ sử dụng các chùm tia năng lượng cao như tia X và proton để diệt các tế bào ung thư. Sau khi bệnh nhân được đoạn nhũ thì sẽ dùng các chùm tia này để chiếu xạ bên ngoài nhằm đảm bảo rằng các tế bào ung thư đã được tiêu diệt hết.

Liệu pháp hoá trị

Sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Đối tượng áp dụng là những người mà tế bào ung thư có nguy cơ cao tái phát hoặc lan rộng sang các bộ phận khác của cơ thể. Đôi khi hóa trị cũng được chỉ định trước tiên nhằm làm thu gọn khối u bướu lớn để hỗ trợ việc loại bỏ nó dễ dàng trong quá trình phẫu thuật. Hóa trị thường được chỉ định là khi tế bào ung thư đã lan rộng, mục đích là để kiểm soát tốt hơn các triệu chứng kèm theo.

Cách phòng tránh ung thư vú

Khám sàng lọc ung thư vú, và kiểm tra sức khỏe định kỳ: Vì thời kỳ “tiền lâm sàng” của ung thư vú kéo dài từ 8-10 năm nên việc khám sàng lọc có giá trị cao trong việc phát hiện và điều trị bệnh hiệu quả. Nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn 1, tỷ lệ chữa khỏi có thể lên tới hơn 80%, ở giai đoạn 2 tỷ lệ này là 60%, đồng thời bảo tồn được vú. Ở giai đoạn 3, khả năng khỏi hẳn là rất thấp. Đến giai đoạn 4 thì việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống và giảm bớt sự đau đớn.

Tăng hiểu biết về bệnh nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu liên quan đến bệnh.

Xây dựng cho bản thân một lối sống lành mạnh:

Ăn nhiều rau xanh, tăng thêm thực phẩm giàu phytoestrogènes

Cân nhắc việc điều trị bằng hormon ở giai đoạn mãn kinh: Việc tăng thêm lượng hormon estrogen vào cơ thể có thể làm tăng sự phân chia tế bào vú, dẫn đến tăng thêm nguy cơ kích thích sự phát triển của các tế bào bất thường gây ung thư vú.

Lưu ý một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, lợi tiểu làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.

Duyen

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...