789

Vấn đề hôm nay: Người hết hạn cách ly do Covid-19 đã thực sự an toàn?

Thứ Tư, 11/03/2020 08:48 AM (GMT+7)

Từ ngày 10-3 đến 12-3, có khoảng 1.893 trường hợp hết hạn cách ly vì dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) là thời gian 14 ngày. Nhiều người băn khoăn, vậy những người hết hạn cách ly y tế đã thực sự an toàn?

cach-ly

Công dân trở về cách ly tại các đơn vị quân đội tại tỉnh Ninh Bình được kiểm tra sức khỏe

Hết hạn cách ly cần phải làm gì?

Theo Bộ Tư lệnh Thủ đô, bắt đầu từ ngày 10-3 đến 12-3, có khoảng 1.893 trường hợp hết hạn cách ly vì dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) là thời gian 14 ngày. Cũng trong thời gian này, có 28 công dân Hàn Quốc cũng sẽ hết hạn cách ly. Những cá nhân này sẽ được các cơ quan chức năng phối hợp để có phương án trả công dân về các địa phương. Với hơn 1.800 người hết hạn cách ly 14 ngày, để phòng dịch Covid-19, lãnh đạo TP Hà Nội cũng yêu cầu, sau khi trở về gia đình, địa phương vẫn cần được tiếp tục theo dõi, vệ sinh, ăn uống, đảm bảo sức khoẻ, bản thân họ có thể tự giác cách ly thêm một vài ngày để đảm bảo an toàn vì vẫn có xác suất có thể xảy ra.

Trao đổi với phóng viên, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết mục đích của việc cách ly là để phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh ngay từ lúc mới xuất hiện, hạn chế lây nhiễm cho những người xung quanh. Người cách ly được yêu cầu cách ly 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh, từ ngày tiếp xúc cuối cùng với ca nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19, từ ngày rời khỏi nơi có trường hợp bệnh. Nếu người nghi nhiễm Covid-19 được chẩn đoán không mắc bệnh thì những người cách ly do tiếp xúc gần với người này sẽ kết thúc việc cách ly.

Ông Phu cho biết theo các nghiên cứu và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), virus corona chủng mới (SARS-CoV-2/nCoV) gây dịch Covid-19 chỉ ủ bệnh 14 ngày. Do đó, các cá nhân sau khi đã được cách ly 14 ngày, không có triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi có nghĩa là không mắc virus, không có bệnh Covid-19. Như vậy, họ đã hoàn toàn khỏe mạnh như bình thường. Họ có thể sinh hoạt, đi làm. Tuy nhiên, họ vẫn cần giữ gìn sức để đảm bảo sức khỏe tốt, thực hiện các khuyến cáo phòng dịch Covid-19 của ngành y tế. "Với tình trạng sức khoẻ bình thường khi trở về gia đình, địa phương hay nơi làm việc, mọi người cũng không nên kỳ thị hoặc tạo áp lực cho họ"- PGS Phu nói.

Nói thêm về vấn đề này, một chuyên gia của Bộ Y tế cho biết thêm những trường hợp cách ly y tế tại cơ sở y tế hoặc khu cách ly tập trung đều được theo dõi sức khoẻ hàng ngày, được xét nghiệm có hay không nhiễm virus SARS-CoV-2. Trước khi hết thời hạn cách ly, những cá nhân này đều được kiểm tra sức khỏe và khẳng định sức khỏe hoàn toàn bình thường. Như vậy, khi hết cách ly họ hoàn toàn được sinh hoạt, làm việc như những người bình thường khác. "Đến thời điểm này dù chưa có quy định về mẫu chứng nhận sức khỏe cho những người hết hạn cách ly trở về địa phương hoặc đảm bảo sức khỏe để tiếp tục đi làm nhưng thực tế thời gian qua, tại các cơ sở thực hiện cách ly đã cấp giấy chứng nhận tình trạng sức khỏe cho những người sau khi hết hạn cách ly để họ đi làm việc hoặc về địa phương (nếu họ có nhu cầu)"- một chuyên gia Bộ Y tế nói.

Ai phải cách ly tại cơ sở y tế?

cach-lay-2

Ngành y tế đang thực hiện cách ly y tế 4 vòng với các trường hợp có nguy cơ

Ngoài các trường hợp mắc được xác định dương tính với virus SARS-CoV-19, được điều trị, cách ly nghiêm ngặt tại các cơ sở y tế thì những người tiếp xúc trực tiếp ca bệnh dương tính (F1) sẽ được chuyển cách ly tại các cơ sở y tế, bệnh viện... Những người này được cách ly theo nguyên tắc đưa đến bệnh viện gần nhất, tiện nhất. Biện pháp cách ly tại nhà (nơi lưu trú) được áp dụng với những người F2 (tiếp xúc F1) và F3 (tiếp xúc F2). Những người cần phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh.

Với những trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, sau khi sàng lọc, những trường hợp không phải cách ly tập trung thì sở y tế của địa phương, nơi tổ chức cách ly ban đầu, lập danh sách và gửi văn bản đến các địa phương có đối tượng giám sát. Những trường hợp này sẽ được xe của từng địa phương đón về địa phương cư trú để cách ly tại nhà, nơi lưu trú đến khi đủ 14 ngày theo quy định.

Khi cách ly tại nhà, người được cách ly tốt nhất cách ly ở một phòng riêng. Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng, giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 m.

Người đang trong thời gian cách ly cần hạn chế tiếp xúc với người trong gia đình; đo thân nhiệt, ghi lại tình trạng sức khỏe 2 lần/ngày (sáng - chiều,) ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khỏe hàng ngày. Sau đó, thông báo cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi 2 lần sáng - chiều về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân.

Thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như sốt, ho, khó thở.

Vũ Ngọc Chương

Cùng chuyên mục

Nhân ngày tránh thai thế giới 26/09, cùng tìm hiểu về màng phim tránh thai

Màng phim tránh thai VCF (còn gọi là film tránh thai hay màng tránh thai) là lựa chọn biện pháp tránh thai. Nhưng màng phim...

Để cuộc nói chuyện về giới tính với con trở nên tinh tế

Giáo dục giới tính cho trẻ giúp trẻ hiểu rõ về bản thân, có khả năng tránh khỏi nhiều nguy cơ xấu. Song trong...

Những sai lầm của cha mẹ khi giáo dục giới tính cho trẻ

Xung quanh việc giáo dục giới tính cho trẻ, bản thân cha mẹ vẫn có những hiểu nhầm, từ đó việc làm thế nào...

Con xuất hiện xu hướng đồng tính, phụ huynh cần làm gì?

Mỗi cá nhân sẽ có 4 đặc điểm: Giới tính sinh học, bản dạng giới, thể hiện giới, xu hướng tính dục. Các...