Vụ 18.000 chai tương ớt Chinsu bị Nhật Bản thu hồi: Thông tin mới nhất từ Bộ Y tế

Thứ Ba, 09/04/2019 09:02 AM (GMT+7)

Theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), tương ớt sử dụng axit benzoic với hàm lượng 1000mg/kg sản phẩm là an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.

chinsu-bi-thu-hoi

Những ngày qua, thông tin Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka (Nhật Bản) thu hồi 18.168 chai tương ớt Chinsu nhập khẩu Việt Nam, do có chứa chất phụ gia thực phẩm Axit benzoic chưa được kiểm định.

Thông tin này khiến người tiêu dùng Việt bày tỏ sự lo lắng. Theo kết quả phân tích của Viện nghiên cứu Công nghệ thực phẩm Tokyo, hàm lượng Axit benzoic trong các chai tương ớt Chinsu bị thu hồi ở mức 0,41-0,45 g/kg.

Mặc dù, Cục an toàn thực phẩm cho biết Axit benzoic là chất có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) mà Nhật Bản và Việt Nam đều là thành viên. Thế nhưng, không ít ý kiến băn khoăn phải chăng người tiêu dùng Việt đang phải chịu thiệt thòi khi tiêu chuẩn về việc sử dụng phụ gia khác hơn so với các nước?

Trước những băn khoăn trên, chiều ngày 8/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có thông tin chính thức.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) hướng dẫn chung cho các thành viên Codex (gồm 189 nước) trong đó có Việt Nam thì axit benzoic (INS 210) và axit sorbic (INS 200) được phép sử dụng trong thực phẩm trong đó có tương ớt với hàm lượng trong ngưỡng cho phép.

Theo Bộ Y tế Việt Nam quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 về việc hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm và Thông tư số 08/2015/TT-BYT sửa đổi bổ sung một số quy định của Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm được phép sử dụng axit benzoic (INS 210) và axit sorbic (INS 200) với hàm lượng tối đa 1000mg/kg sản phẩm tương ớt.

Tuy nhiên, tùy yêu cầu của công tác quản lý thực phẩm của mỗi Quốc gia khác nhau thì quy định khác nhau; tùy theo thói quen sử dụng thực phẩm của người dân trong nước, lượng tiêu thụ thực phẩm khác nhau ở mỗi nước, nên có thể cùng là thành viên của Codex nhưng có nước cho sử dụng, có nước không cho sử dụng; có nước cho sử dụng ở hàm lượng này, có nước cho sử dụng ở hàm lượng khác nhưng nhìn chung không quá quy định của Codex.

Nhật Bản không cho dùng axit benzoic trong tương ớt nhưng cho dùng axit benzoic trong các sản phẩm khác ví dụ nước tương, bơ thực vật, đồ uống không cồn...

Theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), tương ớt sử dụng axit benzoic với hàm lượng 1000mg/kg sản phẩm là an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo khi sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất chế biến thực phẩm phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Sử dụng đúng loại phụ gia thực phẩm trong danh mục, đúng đối tượng, đúng hàm lượng theo quy định của Bộ Y tế.

- Các phụ gia thực phẩm phải đảm báo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn thời hạn sử dụng và phải đáp ứng yếu cầu về an toàn theo quy định tại các Quy chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng.

Bà Trần Việt Nga Phó Cục trưởng cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) khẳng định: “Các quy định về phụ gia thực phẩm hiện nay của Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với các quy định về phụ gia thực phẩm của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế.

Khi các phụ gia thực phẩm muốn được có mặt trong danh mục của quy định này thì cần phải thông qua Ủy ban về phụ gia thực phẩm của Codex, trong đó, sẽ thực hiện qua rất nhiều bước đánh giá về độ an toàn và cách sử dụng một cách nghiêm ngặt. Thông thường, để ban hành một quy định của Codex, phải thông qua 8 bước và thời gian sẽ từ 7 - 10 năm tùy loại phụ gia mới có thể được đưa vào trong danh mục của Codex”.

Duyen

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...