Ấn Độ đối mặt với những hệ lụy từ việc "khát" con trai

Chủ Nhật, 27/09/2020 11:26 AM (GMT+7)

Tại Ấn Độ, tình trạng mất cân bằng giới tính khiến nạn lạm dụng và buôn bán phụ nữ gia tăng nhanh chóng

an-do

 Ở Nam Á, Ấn Độ là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Bởi lẽ, theo phong tục và văn hóa, người Ấn Độ ưa thích con trai, thế nên có một lời chúc phúc trong tiếng Phạn dành cho các bà mẹ là "chúc có 100 đứa con trai". 

Chuyên gia nói về bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc và các nước về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh Theo truyền thống Ấn Độ, mỗi gia đình phải có ít nhất một con trai. Bên cạnh đó còn có tập tục con gái muốn lập gia đình phải có của hồi môn cho nhà chồng. Và của hồi môn cho con gái là một gánh nặng tài chính khổng lồ. Nhiều cha mẹ thậm chí phải bắt đầu tiết kiệm để mua của hồi môn khi con gái vừa ra đời.

"Con gái tốn kém rất nhiều trong khi đóng góp của chúng cho gia đình không đáng kể. Đó là lý do các cặp cha mẹ đều muốn có con trai", Yuiko Nishikawa, một giáo sư ngành nhân khẩu học Ấn Độ tại đại học Josai, Nhật Bản, cho biết.

Các bé trai được yêu thích hơn vì chúng được coi là trụ cột, tương lai, người sẽ kế thừa những truyền thống của gia đình. Còn bé gái bị cho là gánh nặng, sau này sẽ về nhà chồng không thể chăm sóc gia đình được nữa.

Đó chính là một trong những lý do khiến phụ nữ phá thai.

Việc phá thai để lựa chọn giới tính đã bị luật pháp Ấn Độ nghiêm cấm từ năm 1994 (Luật kỹ thuật chẩn đoán trước sinh). Tuy nhiên nhiều người vẫn lén lút thực hiện vì con gái khi sinh ra luôn bị coi là gánh nặng cho cả gia đình.

Điều tra Sức khỏe Gia đình toàn quốc (NFHS) giai đoạn 1987-1991 cho thấy tỷ số giới tính khi sinh của Ấn Độ là 106.3. Tỷ số này ngày càng tăng lên và đến giai đoạn 2004 là 108.8, vượt ngưỡng an toàn (103-107) và rơi vào tình trạng mất cân bằng.

Thực tế cho thấy, chênh lệch giới tính khi sinh ở Ấn Độ chỉ tập trung ở một số khu vực trong nước. Tuy mức sinh trẻ em nam ở phần lớn các khu vực của Ấn Độ là bình thường nhưng một số bang ở phía tây và tây bắc nước này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mức tỷ số giớ tính khi sinh khoảng 120 là khá phổ biến ở các bang Punjab, Haryana, và Gujarat. Từ năm 2001, chênh lệch về tỷ số giới tính khi sinh đã lan sang những khu vực mới ở phía bắc và miền trung Ấn Độ như bang Uttar Pradesh, đồng thời diễn biến xấu này có xu hướng triệt tiêu những tiến bộ quan sát được từ năm 2001 đến 2011 ở vùng tây bắc Ấn Độ. Ở Ấn Độ, các yếu tố tôn giáo, sắc tộc, và đẳng cấp thường đứng hàng đầu, lý giải cho những hiện tượng như chỉ số tỷ số giới tính khi sinh đặc biệt cao ở vùng tây bắc nước này.

So với Trung Quốc, Ấn Độ cũng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp can thiệp về mất cân bằng giới tính khi sinh. Năm 2003, Ấn Độ ban hành luật nghiêm cấm việc chẩn đoán giới tính thai nhi. Năm 2005, bác sĩ đầu tiên của Ấn Độ đã bị tuyên án 2 năm tù và bị phạt 120 đô la Mỹ vì vi phạm luật. Bên cạnh đó, Ấn Độ chú trọng các chiến dịch tuyên truyền, vận động thường xuyên, liên tục cho các nhóm đối tượng đích. Mặt khác, tăng cường thực hiện quy định của pháp luật về bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử nam - nữ. 

Ngoài các biện pháp kỹ thuật, Ấn Độ còn có các chính sách xã hội nhằm nâng cao địa vị phụ nữ, như ở một số vùng trẻ em gái đi học được miễn phí, mỗi trẻ em gái sinh ra được 1 khoản tiền tiết kiệm.

Hồi tháng 7/2019, chính quyền quận Uttarkashi, bang Uttarakhand của Ấn Độ đã tiến hành cuộc điều tra do nghi ngờ việc lựa chọn giới tính thai nhi diễn ra ở đây. Theo số liệu điều tra, trong hơn 3 tháng, 216 đứa trẻ được sinh ra tại 132 ngôi làng ở quận phía Bắc nước này này đều là con trai, không hề có một bé gái nào.

Điều này cho thấy, việc lựa chọn giới tính khi sinh xảy ra nghiêm trọng. Thống kê dân số Ấn Độ vào năm 2018 cho thấy, nước này đang thiếu khoảng 63 triệu phụ nữ do tình trạng "trọng nam khinh nữ".

Song, như UNICEF đã từng phát biểu rằng, chính sự "trọng nam khinh nữ" đã gián tiếp giết chết cuộc sống của hàng triệu cô gái trẻ ở Ấn Độ và 2000 vụ phá thai bất hợp pháp mỗi ngày diễn ra trên đất nước này đã trực tiếp giết chết vô số đứa trẻ vô tội. Một nghiên cứu của tạp chí y học The Lancet số tháng 5/2011 phát hiện ra rằng, có tới 12 triệu thai nhi giới tính nữ bị phá bỏ trong vòng 30 năm tại Ấn Độ.

Văn hóa, truyền thống kết hợp với sự can thiệp của khoa học-công nghệ chính là yếu tố khiến thực trạng mất cân bằng giới tính ngày càng trở nên trầm trọng. Việc mong muốn có con trai nối dõi đã ăn sâu, bám rễ vào tiềm thức của không chỉ mỗi cá nhân, mà cả gia đình và dòng họ.

Tại Ấn Độ, tình trạng mất cân bằng giới tính khiến nạn lạm dụng và buôn bán phụ nữ gia tăng nhanh chóng, trong khi con số các vụ hãm hiếp đã lên đến mức báo động, trở thành vấn đề nhức nhối tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này. Các con số thống kê chính thức cho thấy, các vụ hãm hiếp ở Ấn Độ đã tăng lên chóng mặt trong vòng 40 năm qua, từ 2.487 vụ năm 1971 lên 24.206 vụ năm 2011 và hơn 37.000 vụ năm 2014.

Số liệu thống kê cho thấy, cứ khoảng 15 phút lại có một phụ nữ Ấn Độ bị cưỡng hiếp (chưa kể nhiều trường hợp nạn nhân giấu kín thông tin). Số vụ tấn công phụ nữ nói chung thậm chí còn tồi tệ hơn. Cứ mỗi 2 phút lại có một phụ nữ trở thành nạn nhân của bạo hành. Đây được xem là thách thức nghiêm trọng và vô cùng khó khăn đối với Chính phủ Ấn Độ.

Một thực trạng tồn tại ở Ấn Độ đó là nam giới chiếm đa số trong lực lượng lao động cũng như dân số. Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động Ấn Độ ở khoảng 27% vào năm 2014, thấp hơn so với mức 50% của trung bình toàn cầu. Sự mất cân bằng trong lực lượng lao động đồng nghĩa với việc quốc gia này đang bỏ lỡ tiềm năng lớn trong phát triển. Theo báo cáo của McKinsey, GDP của Ấn Độ vào năm 2025 có thể tăng hơn 60% so với mức hiện nay nếu phụ nữ đóng vai trò cân bằng với nam giới trong lực lượng lao động.

Thực tế chỉ ra rằng, tỉ số giới tính trẻ em hiện nay sẽ có tác động lâu dài đối với biến động dân số ở Châu Á. Các dự báo cho thấy ở Trung Quốc và Ấn Độ, trong hơn hai thế hệ tới, số lượng nam giới sẽ vượt xa số lượng nữ giới đến tuổi kết hôn. 

Các mô phỏng về kết hôn cũng cho thấy trong vài thập kỷ tới, số lượng nam giới độc thân muốn cưới vợ sau năm 2030 sẽ nhiều hơn số lượng tương ứng phụ nữ chưa kết hôn tới 50-60% ở hai nước này. Những hậu quả dự báo về kinh tế-xã hội của những xu hướng này là đáng báo động, trong đó tiềm ẩn những nguy cơ tội phạm nhân quyền như bắt cóc, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái để cưới làm vợ hay bóc lột tình dục.

Trần Thanh Tùng

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...