ASEAN với nỗi lo già hóa dân số

Thứ Năm, 03/08/2023 06:11 AM (GMT+7)

Hiện nay, nhiều quốc gia ASEAN cũng đang phải đối mặt với nguy cơ già hóa dân số, già trước khi giàu.

Thực trạng đáng lo ngại

Các quốc gia trong khu vực ASEAN đang phải đối mặt với vấn đề già trước khi giàu. (Nguồn: AFP)Già trước khi kịp giàu.

Bà Samorn Anantakul (75 tuổi) đang sống trong một căn phòng nhỏ ở phía Đông Thái Lan, chỉ với một số ít đồ đạc đơn giản như tivi, đồng hồ cũ và một kệ nhựa đựng thuốc sử dụng hàng ngày. Năm ngoái, chồng bà đã qua đời ở tuổi 91, sau 46 năm chung sống. Với thu nhập chỉ vẻn vẹn 700 Baht (khoảng 500 nghìn đồng) tiền lương hưu hàng tháng theo quy định, bà Samorn cho biết, bà không dám bật điều hòa ngay cả trong những ngày hè oi ả để tiết kiệm điện. “Tôi hy vọng chính phủ sẽ cung cấp những ngôi nhà giá cả phải chăng cho người già. Tôi sống một mình, nếu điều gì không hay xảy đến, ít nhất có ai đó sẽ biết", bà Samorn chia sẻ. Hiện bà cũng đang mắc một số bệnh như tiểu đường và huyết áp cao. Bà Samorn là một phần thuộc nhóm nhân khẩu học có xu hướng ngày càng tăng tại khu vực ASEAN với số dân khoảng 660 triệu người và 8 nền kinh tế đang phát triển.

Ngoài Singapore và Brunei có hệ thống phúc lợi được đánh giá khá hiệu quả, 8 quốc gia trong khu vực là Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Philippines đều đang phải đối mặt với vấn đề già trước khi giàu.

Liên hợp quốc dự đoán, trong 9 năm tới, sẽ có hơn 109 triệu người từ 60 tuổi trở lên ở các nền kinh tế ASEAN, chiếm hơn 15% tổng dân số. Đến năm 2050, theo Triển vọng dân số thế giới 2019 của Liên hợp quốc, con số này được dự báo sẽ tăng lên hơn 176 triệu, chiếm hơn 22% tổng dân số của khối ASEAN.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), dù nhiều quốc gia ASEAN đang phát triển vẫn có số dân tham gia hoạt động kinh tế lớn, với hơn 73% người từ 15 đến 64 tuổi đang tham gia lực lượng lao động nhưng quy mô gia đình đang có xu hướng ngày càng thu hẹp. Số liệu của Liên hợp quốc cho thấy, những năm 1950, phụ nữ ở các nước ASEAN thường sinh từ 5,5-7,5 con. Ngày nay, số con thường dao động từ 1-3 do khả năng tiếp cận giáo dục và các cơ hội kinh tế dành cho phụ nữ ngày càng được cải thiện.

Bà Bussarawan Puk Teerawichitchainan, Phó Giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, người có nhiều năm nghiên cứu về các vấn đề dân số và gia đình ở Đông Nam Á nhận định, những thay đổi trong cấu trúc gia đình đòi hỏi các chính phủ trong khu vực cần có kế hoạch tốt hơn để hỗ trợ người cao tuổi.

Truyền thống châu Á thường có quan niệm con cái sẽ phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già. Tuy nhiên, quy mô gia đình bị thu hẹp đồng nghĩa với việc một số người cao tuổi có thể sẽ không thể nương tựa vào con cái khi bước vào tuổi xế chiều. Điều này đòi hỏi chính phủ phải có giải pháp”, bà Bussarawan Puk Teerawichitchainan cho hay.

Việc chăm sóc cha mẹ, ông bà cũng có thể làm gia tăng áp lực trên vai người trẻ. Anh Nget Thy, một cảnh sát ở Campuchia đang cùng các thành viên trong gia đình thay phiên nhau chăm sóc mẹ già 77 tuổi. “Sau khi cha tôi qua đời, mẹ tôi vẫn cố gắng làm việc ở trang trại cho đến khi bà 71 tuổi. Giờ bà sống hoàn toàn dựa vào con cái. Bà cũng đang phải dùng thuốc điều trị cao huyết áp và tiểu đường thường xuyên”.

khong-rieng-trung-quoc-asean-cung-dau-dau-voi-bai-toan-gia-hoa-dan-so (1)

Đi tìm giải pháp

Theo bà Bussarawan Puk Teerawichitchainan, các quốc gia đang phát triển của khu vực ASEAN có thể tham khảo kinh nghiệm xây dựng hỗ trợ phúc lợi toàn diện từ các nước phát triển như Nhật Bản, Singapore hoặc Hàn Quốc. Tại Nhật Bản, quốc gia có dân số cao tuổi lớn nhất thế giới, chính phủ hy vọng sẽ thiết lập một hệ thống chăm sóc tích hợp dựa vào cộng đồng trên toàn quốc vào năm 2025, tập hợp các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực, cung cấp các dịch vụ đa dạng như điều dưỡng, hỗ trợ nhà ở, sinh kế, với chi phí được trợ cấp. Hệ thống hướng mục tiêu hỗ trợ cả cộng đồng người cao tuổi, chứ không chỉ tập trung vào những cá nhân có nguy cơ cao. Các quốc gia ASEAN có thể tham khảo kinh nghiệm về xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội từ các nước phát triển hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản. (Nguồn: EPA)Hàn Quốc kể từ năm 2018 cũng đã thử nghiệm một hệ thống tương tự, nơi các chuyên gia sẵn sàng cộng tác và đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của người cao tuổi ngay tại nhà.

Bà Bussarawan Puk Teerawichitchainan cho rằng, các chính phủ ở Đông Nam Á không nhất thiết phải sử dụng các cách tiếp cận chính sách giống như các nước giàu do nguồn lực hạn chế, cấu trúc xã hội và kinh tế khác nhau. Các quốc gia nên đưa ra các giải pháp của riêng mình. “Những quốc gia trong khu vực như Việt Nam hay Thái Lan đã sử dụng các phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng để kiểm soát tình trạng già hóa hiệu quả ở người cao tuổi, đặc biệt là những người không sống ở các thành phố lớn,” bà Bussarawan Puk Teerawichitchainan lấy dẫn chứng về Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau của Việt Nam.

Tại Thái Lan, những chương trình tình nguyện được tài trợ của chính phủ dành cho người cao tuổi cũng đang được triển khai với sự tham gia tích cực của các tình nguyện viên. “Tôi đã tham gia tình nguyện được 18 năm và đối với tôi… đó là một niềm vui thuần khiết. Tôi cảm thấy đồng cảm khi nhìn thấy những người già, bệnh tật, đặc biệt là khi họ bị bỏ rơi, cô đơn", một tình nguyện viên chia sẻ. Ở một số quốc gia, các hoạt động như chăm sóc tinh thần, nâng cao thu nhập hay chăm sóc tại nhà dựa vào tình nguyện viên đã được lồng ghép vào các chương trình và chính sách quốc gia.

Bà Usa Khiewrord, Cố vấn chương trình khu vực của tổ chức HelpAge International cho biết, người cao tuổi hoàn toàn có thể đóng góp tích cực cho xã hội nếu được tạo cơ hội và nhận được sự hỗ trợ phù hợp. “Để làm được điều này, trước tiên xã hội cần thay đổi quan niệm về người cao tuổi”, bà nói. Các nghiên cứu ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở châu Á cho thấy lương hưu xã hội phổ cập có thể giúp người dân có một cuộc sống ổn hơn khi về già.

Do tác động của Covid-19, bà Usa Khiewrord khuyến nghị, các nước nên đưa đối tượng người cao tuổi vào các chương trình, biện pháp ứng phó với đại dịch và giai đoạn phục hồi. "Các chính phủ nên xem xét sự đóng góp tiềm năng của những người lao động lớn tuổi trong sự phát triển kinh tế hậu Covid-19", bà nói thêm.

Lưu Phương Linh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...