Australia ra chính sách thu hút sinh viên quốc tế

Thứ Tư, 22/07/2020 10:14 AM (GMT+7)

Chính phủ Australia ngày 20/7 đã công bố một loạt điều chỉnh về chính sách nhập cư và cấp visa (thị thực) du học, trong một nỗ lực nhằm thu hút các sinh viên quốc tế tới nước này học tập.

hoc-snh-australia

Khuôn viên trường Đại học Sydney tại Australia. Ảnh: dailymail.co

Đại dịch COVID-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Australia nói chung và ngành giáo dịch của nước này nói riêng. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Australia thông báo sẽ bắt đầu nối lại việc cấp thị thực cho sinh viên quốc tế, cũng như nới lỏng các qui định khác nhằm tạo điều kiện cho du học sinh tới nước này học tập.

Ngày 20/7, quyền Bộ trưởng Nhập cư Australia Alan Tudge đã công bố 5 điều chỉnh lớn nhằm phản hồi đề nghị của các trường đại học. Đây được coi là nỗ lực nhằm thu hút sinh viên quốc tế và “làm hồi sinh” lĩnh vực đóng góp tới 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Australia trước khi nền kinh tế lao dốc vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).

Theo tờ Daily Mail và báo The Guardian (Anh), 5 thay đổi đó là:

- Chính phủ Australia sẽ nối lại việc cấp visa cho sinh viên tại tất cả các điểm nhận đơn ở bên ngoài Australia. Điều này có nghĩa là khi Australia mở trở lại đường biên giới, sinh viên sẽ có sẵn visa và có thể thu xếp để tới nước này.

- Sinh viên quốc tế sẽ được phép gia hạn visa mà không phải thêm trả phí, nếu các em không thể hoàn thành khóa học của mình trong thời gian hiệu lực của thị thực trước đó vì đại dịch COVID-19.

- Các đối tượng có visa sinh viên đang học trực tuyến bên ngoài Australia vì dịch COVID-19 sẽ có thể xem xét đề nghị cấp visa làm việc sau khóa học.

- Những sinh viên tốt nghiệp tại Australia mà không thể quay lại nước này vì dịch bệnh có thể nộp đơn xin cấp visa làm việc khi đang ở bên ngoài Australia.

- Tại những nơi không thể tiến hành cung cấp chứng chỉ tiếng Anh vì đại dịch COVID-19, người nộp đơn sẽ được lùi thời điểm phải nộp chứng chỉ này.

Phát biểu với báo giới, quyền Bộ trưởng Tudge nêu rõ chính phủ nước này điều chỉnh chính sách visa du học nhằm “đảm bảo rằng Australia tiếp tục là một điểm đến ưu tiên của sinh viên quốc tế khi đất nước vượt qua đại dịch COVID-19”.

Ông nói: “Các biện pháp này sẽ hỗ trợ lĩnh vực giáo dục quốc tế, khu vực xuất khẩu lớn thứ 4 của chúng tôi, cũng như tạo điều kiện để khu vực này phục hồi… Những thay đổi này không chỉ hỗ trợ ngành giáo dịch, mà còn tác động tới các cộng đồng địa phương và hoạt động kinh doanh, như dịch vụ nhà trọ, du lịch, bệnh viện và bán lẻ”. 

Sinh viên quốc tế hàng năm đóng góp khoảng 40 tỷ USD cho nền kinh tế Australia, đồng thời hỗ trợ tạo ra khoảng 250.000 việc làm. Theo Bộ trưởng Giáo dục Australia Dan Tehan, “không chỉ giúp tạo công ăn việc làm, khu vực giáo dục quốc tế còn tạo sự gắn kết giữa chúng tôi với phần còn lại của thế giới, bổ trợ cho một số ngành then chốt như y tế, chăm sóc người cao tuổi và người khuyết tật.

du hoc sinh uc

Du học sinh tại Australia. Ảnh: Getty

Ước tính của The Guardian cho biết các trường đại học của Australia đã thất thu tới 16 tỷ USD vì sự sụt giảm mạnh về số lượng sinh viên quốc tế tới nước này học tập, trong đó không thể không nhắc tới việc Trung Quốc khuyến cáo sinh viên cân nhắc việc tới học tại Australia.Hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất của ngành giáo dục Australia là Anh và Canada hiện đã mở cửa cho sinh viên quốc tế với điều kiện phải tự cách ly 14 ngày. Vì vậy nếu Australia không sớm ban hành các chính sách khuyến khích thì các trường đại học của Australia lo ngại sinh viên quốc tế sẽ đổ dồn sang Anh và Canada từ năm học tới.

Ông Bijay Sapkota – đồng sáng lập tổ chức “Student Job Australia”, nhóm chuyên kết nối các nhà tuyển dụng lao động với các sinh viên quốc tế - hoan nghênh các điều chỉnh chính sách nói trên. Song ông cũng cho rằng “vẫn còn nhiều điều phải làm”.

Trước đó, Chính phủ liên bang Australia đã nới lỏng một số hạn chế về việc làm đối với sinh viên quốc tế làm trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và người khuyết tật. Hồi tháng 4, thời điểm đại dịch bùng phát mạnh, Chính phủ Australia của Thủ tướng Scott Morrison thông báo những người có visa tạm thời có thể về nước nếu như họ không thể tự lo được trong thời gian dịch bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến đáng lo ngại dù các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã áp dụng được gần hai tuần ở thành phố Melbourne và Mitchell Shire, cuối tuần qua, chính quyền bang Victoria đã chính thức ra lệnh bắt buộc tất cả người dân ở hai khu vực này đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng và nơi làm việc, kể từ đêm 22/7. Bộ trưởng Y tế Liên bang Greg Hunt cho biết chính phủ liên bang hoàn toàn ủng hộ việc bắt buộc đeo khẩu trang ở bang Victoria.

Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews cho biết lệnh bắt buộc đeo khẩu trang có thể được áp dụng trong nhiều tháng. Những người không đeo khẩu trang hay che mặt khi đi ra khỏi nhà hoặc tại nơi làm việc sẽ phải đối mặt với mức phạt 200 AUD (136 USD). Ông Andrews cho biết chính quyền bang đã đặt hàng 3 triệu khẩu trang, trong đó 300.000 chiếc sẽ được chuyển tới tay người dân trong tuần này, nhưng người dân cũng có thể sử dụng khẩu trang tự chế.

Tỷ lệ thất nghiệp của Australia đã lên tới 7,4% - mức cao nhất kể từ tháng 11/1998, do tác động từ cuộc khủng hoảng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo số liệu công bố ngày 16/7 của Cơ quan thống kê Australia (ABS) cho thấy số người thất nghiệp của Australia trong tháng 6/2020 là 992.300 người, tăng 69.300 người so với tháng trước đó.

Theo Báo Tin tức

Trần Thu Minh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...