Bác sĩ, đội ngũ cán bộ dân số - y tế giật mình về những con số đáng báo động.

Chủ Nhật, 14/04/2019 11:00 AM (GMT+7)

Nhiều học sinh nữ lớp 2 đã bị nghi ngờ dậy thì sớm. Tương tự như sàng lọc dậy thì sớm, những con số về việc trẻ nam gặp các bất thường về bộ phận sinh dục cũng khiến nhiều người phải giật mình.

kham-day-thi-som-3

Trong chương trình sàng lọc dậy thì sớm; tầm soát các bất thường bộ phận sinh dục nam đang được thực hiện tại các trường mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), các bác sĩ, đội ngũ cán bộ dân số - y tế cùng các giáo viên ở trường đã phải giật mình về những con số đáng báo động.

Mới lớp 2 - 3, ngực đã phát triển gần giống thiếu nữ

Dù chỉ học lớp 3 nhưng N.A (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã có vòng 1 “nở nang” hơn so với các bạn đồng trang lứa. Ở lứa tuổi thiếu nhi nhưng em đã phải mặc áo ngực, loại dành cho thiếu nữ.

Mới đây, trong chương trình sàng lọc dậy thì sớm do UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với các trường mẫu giáo, tiểu học trên địa bàn thực hiện, N.A được nghi ngờ có những dấu hiệu của dậy thì sớm. Theo BS Trương Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế đa chức năng quận Hoàn Kiếm, N.A chỉ là một trong rất nhiều em nhỏ bị nghi ngờ dậy thì sớm trong đợt sàng lọc này.

Theo đó, dậy thì được coi là sớm nếu khởi phát trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Ở bé gái, các dấu hiệu thường thấy là: Ngực phát triển, mọc lông mu hoặc lông nách, thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài, bắt đầu có kinh nguyệt. Còn ở bé trai, nếu tinh hoàn hoặc dương vật to lên, xuất hiện lông mu hoặc lông nách, trứng cá, giọng trầm đi thì có thể coi là dậy thì sớm.

BS Kim Hoa cho biết, thực tế trong những năm gần đây, tỷ lệ số trẻ được phát hiện dậy thì sớm đang gia tăng ở cả bé trai lẫn bé gái đã khiến nhiều gia đình lo lắng. Do đó, năm 2019, quận Hoàn Kiếm phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Xanh Pôn đưa sàng lọc dậy thì sớm vào triển khai tại 42 trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ tư thục và 14 trường tiểu học trên địa bàn quận.

Tính đến ngày 12/4, chương trình đã thực hiện sàng lọc dậy thì sớm cho trẻ em hơn 10 trường mẫu giáo, mầm non và 6/14 trường tiểu học. Kết quả sơ bộ cho thấy, số trẻ em nghi ngờ dậy thì sớm, nhất là các bé gái ở mức cao. Có những lớp, tỷ lệ trẻ nghi ngờ dậy thì sớm chiếm đến 20-30%. “Có đứa trẻ chỉ mới học lớp 2 - 3 nhưng ngực đã phát triển đến độ 3, tức là đã gần giống một thiếu nữ”, BS Kim Hoa cho biết.

Cũng theo BS Kim Hoa, bên cạnh các em nữ, số trẻ em nam bị nghi ngờ dậy thì sớm cũng không phải là ít. Gần đây nhất, một bé trai mới 6 tuổi nhưng đã có rất nhiều những dấu hiệu như: Mọc ria mép, lông mu và bộ phận sinh dục đã phát triển gần giống của nam giới trưởng thành. Trường hợp này có khả năng rất cao là dậy thì sớm. “Nếu được phát hiện và can thiệp kịp thời (tiêm hormone kìm hãm dậy thì sớm), trẻ vẫn có cơ hội phát triển hoàn toàn bình thường”, BS Kim Hoa nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia này, dậy thì sớm để lại rất nhiều những hệ lụy cho cả bé trai và bé gái. Trước tiên là sự kìm hãm về chiều cao, các em sẽ có nguy cơ bị lùn hơn các bạn khác. Bên cạnh đó, dậy thì sớm sẽ khiến các bạn nhỏ phải chịu những áp lực về tâm lý khi thấy mình khác biệt với bạn bè. Các em sẽ bị mặc cảm, xấu hổ, thậm chí trầm cảm về ngoại hình “không giống ai” của mình.

Không những thế, điều nghiêm trọng hơn, trẻ dậy thì sớm sẽ gia tăng nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại tình dục. Mặt khác, khi dậy thì, nội tiết tố trong cơ thể trẻ cũng thay đổi, kích thích nhu cầu và ham muốn tình dục. Việc phải thành “người lớn” quá sớm sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống tình dục và chất lượng sinh sản về sau.

Con gặp bất thường bộ phận sinh dục nhưng bố mẹ không biết

Ngoài việc được sàng lọc dậy thì sớm, trẻ mầm non và tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm còn được sàng lọc bất thường bộ phận sinh dục nam. Theo BS Kim Hoa, hoạt động này được thực hiện từ năm 2016 ở các bé trai ở độ tuổi từ 3-5 tuổi. Năm nay, quận Hoàn Kiếm mở rộng thực hiện sàng lọc đối với các em học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3. Những bất thường bộ phận sinh dục thường gặp của bé trai gồm các vấn đề liên quan đến bao quy đầu (dính, hẹp bao quy đầu, dài da bao quy đầu), tinh hoàn (tinh hoàn ẩn, tràn dịch tinh hoàn, tinh hoàn di động...) thoát vị bẹn, lún dương vật, lệch lỗ tiểu, vách ngăn niệu đạo...

Tương tự như sàng lọc dậy thì sớm, những con số về việc trẻ nam gặp các bất thường về bộ phận sinh dục cũng khiến nhiều người phải giật mình. Ví dụ, tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (quận Hoàn Kiếm), qua đợt khám sàng lọc vừa diễn ra ngày 11/4, các bác sĩ đã phát hiện 29 bé trai bị hẹp bao quy đầu; 7 bé bị dính bao quy đầu; 2 trường hợp bị lún dương vật; một trường hợp bị thoát vị bẹn; một bé trai bị tràn dịch màng tinh hoàn.

Trước đó, năm 2018, trong tổng số 3.189 bé trai từ 3 - 5 tuổi được khám sàng lọc bất thường bộ phận sinh dục thì có tới 45,2% (1.441 trẻ) trẻ có vấn đề về bao quy đầu, tinh hoàn, lệch lỗ tiểu... Trong số 1.441 trẻ có kết quả bất thường, có 331 trẻ có kết quả dính bao quy đầu (những trường hợp này chỉ cần sự hỗ trợ từ phía gia đình trong việc vệ sinh hàng ngày, không cần tới các can thiệp chuyên khoa), 1.110 trẻ có kết quả nghi ngờ được tư vấn đưa trẻ đi khám chuyên khoa, quyết định các biện pháp hỗ trợ can thiệp sớm cho trẻ và thực hiện thủ thuật theo yêu cầu.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ trực tiếp tham gia khám sàng lọc cho trẻ, trong số rất nhiều những trường hợp trẻ được phát hiện bị viêm nhiễm bộ phận sinh dục, thậm chí có những trẻ đã ở mức độ nặng (cặn bẩn đã chuyển sang vàng, đóng hòn, đóng cục, dịch như bã đậu) hay gặp bất thường về “cậu nhỏ” nhưng khi thông báo với bố mẹ các em, họ lại không hề biết tình trạng của con mình. Hay cũng có trường hợp biết con cần phải can thiệp nhưng lại thờ ơ việc đưa con đi khám chuyên sâu.

Các bác sĩ cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ gặp bất thường bộ phận sinh dục như thói quen đóng bỉm cho con quá lâu; cho con mặc quần sịp quá sớm; không biết cách vệ sinh bộ phận sinh dục cho con hoặc chưa có kiến thức nhận biết những dấu hiệu bất thường ở bộ phận sinh dục để kịp thời đưa con đi can thiệp sớm. Việc can thiệp những bất thường của bộ phận sinh dục cho bé trai không phải là kỹ thuật khó. Quan trọng là thời điểm can thiệp phẫu thuật nên được tiến hành khi trẻ càng nhỏ càng tốt để tránh bệnh tiến triển nặng, gây khó khăn trong việc điều trị và ảnh hưởng đến sau này.

Đánh giá về chương trình khám sàng lọc dậy thì sớm và phát hiện bất thường bộ phận sinh dục nam, bà Trần Thị Thu Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Đây là hoạt động rất ý nghĩa, hữu ích đối với chính các em học sinh cũng như với gia đình các cháu. Bởi lẽ, bình thường, nếu muốn đưa con đi khám, bố hoặc mẹ sẽ phải xin nghỉ làm, các con phải xin nghỉ học và gia đình cũng sẽ tốn một khoản chi phí cho việc làm các xét nghiệm.

Trong khi đó, khi đưa chương trình này vào thực hiện ở học đường, các em học sinh sẽ được các bác sĩ trực tiếp đến tại trường khám, không ảnh hưởng đến việc học hành của các con cũng như sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí cho bố mẹ. Và điều quan trọng hơn cả, nếu trẻ được phát hiện có những bất thường gì, các bác sĩ sẽ thông báo với nhà trường và bố mẹ các cháu để kịp thời can thiệp sớm, tránh hệ lụy về sau.

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...