Bác sĩ nói gì về thông tin virus corona "bay lung tung" qua bụi khí?

Thứ Hai, 10/02/2020 07:40 PM (GMT+7)

Trước thông tin virus corona "bay lung tung" qua bụi khí từ các chuyên gia ở Trung Quốc, các bác sĩ ở Việt Nam đã lên tiếng.

Theo BS Trương Hữu Khanh, Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM, aerosol - nguồn lây truyền mới mà các nhà khoa học Trung Quốc cảnh báo đặt trong bối cảnh này phải dịch là "khí dung", chứ "bụi khí" là không chính xác và không có chuyện nó bay lung tung trong không khí thông thường, vì khí dung chỉ dùng trong cơ sở y tế.

Vì vậy, cần lưu tâm trước phát hiện mới này là các bệnh viện và cơ sở y tế khi tiến hành xông khí dung để điều trị cho bệnh nhân.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, máy khí dung hô hấp được sử dụng khá phổ biến trong nhi khoa.

Các chỉ định chính gồm: Trẻ có cơn hen cấp tính, suy hô hấp, thở rít thanh quản, cần làm loãng đờm, trẻ không có khả năng sử dụng bình xịt định liều, thuốc cần dùng chưa có dạng bình xịt định liều, cần dùng kháng sinh dạng hít liều cao để điều trị hoặc kiểm soát tình trạng nhiễm trùng dai dẳng.

khidung

"Tuy nhiên, khí dung chỉ được dùng trong các cơ sở y tế và theo chỉ định của bác sĩ" - PGS Điển nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, nếu một người dùng riêng một bầu khí dung thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu 2 người dùng chung khí dung sẽ bị lây bệnh.

Mặt khác, nếu khí dung trong buồng bệnh có người mắc bệnh ở khoảng cách dưới 2 mét thì sẽ lây bệnh. Đó là do virus từ hô hấp người bệnh sẽ ra theo đường khí dung. Chính vì vậy sẽ bị lây cho người xung quanh.

Vị chuyên gia nhi khoa này nhấn mạnh, khí dung chỉ được dùng cho trẻ nhỏ khi có chỉ định của bác sĩ và phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.

PGS.TS Trần Mình Điển cũng đưa ra lưu ý, virus lây bệnh sẽ còn tồn tại trong bầu khí dung, máy và bề mặt vật xung quanh người bệnh, có nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc bề mặt.

Do đó, nhân viên y tế làm thủ thuật này cho bệnh nhân cũng có nguy cơ mắc bệnh, nếu không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật kiểm soát nhiễm khuẩn.

Được biết, trong những ngày đầu tháng 2/2020, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho 2.000 cán bộ, viên chức và người lao động…

Tất cả các nhân viên y tế đều được hướng dẫn thực hành về kiểm soát nhiễm khuẩn, như: Quy trình đeo, bỏ, phân loại khẩu trang đúng cách; rửa tay sát khuẩn theo đúng quy trình dùng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng; Quy trình mang và tháo bỏ trang phục phòng hộ cá nhân trước và sau khi vào buồng cách ly bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp…

 PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC) - Bộ Y tế, nCoV lây truyền chủ yếu qua 3 phương thức.

Cụ thể là (1) lây qua không khí (tiếp xúc giọt nước bọt từ những người ho, hắt hơi, sổ mũi); (2) Lây trực tiếp (khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, thậm chí lây khi bắt tay người bệnh mà không thực hành các biện pháp phòng vệ) và (3) Lây truyền khi chạm vào các bề mặt bị nhiễm nCoV rồi đưa lên mắt, mũi, miệng…

Thêm một đường lây nữa được các nhà khoa học mới báo cáo, đó là qua đường phân, thường xảy ra trong chăm sóc người bệnh, nhưng chưa có kiểm chứng.

Trần Thanh Tùng

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...