Bài học mất cân bằng giới tính khi sinh ở các nước châu Á

Thứ Năm, 14/12/2017 12:00 AM (GMT+7)

Mất cân bằng giới tính khi sinh hiện đang trở thành một trong những vấn đề “nóng”, mối quan ngại ngày càng tăng tại một số quốc gia Châu Á.

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) là số trẻ trai sinh ra còn sống cao hơn hoặc thấp hơn ngưỡng bình thường so với 100 trẻ gái. MCB GTKS xảy ra khi tỷ số giới tính nam khi sinh lớn hơn 106 hoặc nhỏ hơn 103 so với 100 trẻ nữ.

Theo thống kê, năm 2015, trên toàn Châu Á thiếu hụt tới 117 triệu phụ nữ do mất cân bằng giới tính khi sinh, một trong những hậu quả của tình trạng phân biệt giới. Số quốc gia có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh không nhiều nhưng hậu quả của tình trạng phân biệt giới tính thì hết sức nghiêm trọng.

Trung Quốc và Ấn Độ là 2 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của hiện tượng này, dự kiến đến năm 2060 tại Trung Quốc và Ấn Độ cứ 100 phụ nữ thì có tới 160 nam giới trong độ tuổi kết hôn.

Tình trạng mất cân bằng giới tính tại Trung Quốc đã bắt đầu từ năm 1980, dẫn tới hàng chục triệu nam giới Trung Quốc hiện không có khả năng lấy được vợ. Điều này kéo theo hàng loạt hệ lụy về kinh tế, xã hội như một số ngành thiếu nhân lực, bất bình đẳng giới và tình trạng buôn bán phụ nữ trở nên phức tạp.

Suốt từ những năm 1990 cho đến nay, tỷ số giới tính khi sinh ở Trung Quốc luôn ở mức cao và rất cao: năm 1990 là 111,3/100, năm 1995 là 116,8/100, năm 2000 là 119,9/100, năm 2005 là 120,5/100 và giai đoạn 2009-2011 vẫn ở mức 118,1/100. Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp tổng thể mạnh mẽ về chính trị, pháp luật, KT-XH, nhưng vẫn chưa có kết quả rõ ràng. Sự thay đổi chậm chạp, thậm chí rất khó khăn do các định kiến về con trai, con gái đã ăn sâu, bám rễ hàng nghìn năm trong phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư và người dân.

Theo số liệu của Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Sức khỏe Quốc gia, dân số Trung Quốc đã bị “thừa” ra hơn 33 triệu bé trai sơ sinh trong hơn 30 năm qua (tính mốc năm 1979). Lấy vợ ở quốc gia này, giờ đây đối với nhiều người không phải là chuyện dễ dàng. Vì thế, trên các trang mạng công khai nhan nhản các dịch vụ kỳ lạ: cho thuê bạn gái để về nhà dự sinh nhật, thuê bạn gái cùng đi du lịch, cùng ăn tối, hay thậm chí là thuê bạn gái để đưa về quê ra mắt bố mẹ trong các dịp nghỉ lễ...

Trong hai năm 2012 - 2013, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hành động đặc biệt, có tên gọi là "Hành động quốc gia đặc biệt trấn áp hai phi pháp". Một mạng lưới giám sát được triển khai đến tận thôn xóm để phát hiện các trường hợp bỏ thai liên quan đến lựa chọn giới tính, phát hiện các nhân viên y tế thực hiện công nghệ lựa chọn giới tính thai nhi.

Trung Quốc cũng đã tích cực cải thiện hệ thống lương hưu nông thôn, hệ thống bảo hiểm y tế, nâng cao địa vị của phụ nữ. Trung Quốc coi việc đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại bình thường là sứ mệnh quan trọng nhất của Chính phủ và xã hội trong lĩnh vực Dân số và Phát triển xã hội.

Sự mất cân bằng giới tính khi sinh đã tạo ra những hệ luỵ của sự thiếu hụt các cô dâu hiện nay ở Trung Quốc, Hàn Quốc. Đến nay, mới chỉ có Hàn Quốc thành công trong việc đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên 106 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái. Các nước Trung Quốc, Ấn Độ dù có nhiều biện pháp rất quyết liệt song tỷ số giới tính khi sinh vẫn đang ở mức cao.

Theo PGS.TS Heeran Chun, Đại học Jungwon Hàn Quốc, những năm 1980 - 1990 của thế kỷ trước, khi công nghệ siêu âm, chọc ối... phát triển cùng với quy mô gia đình ít con, mức sinh thấp đã đưa tỷ số giới tính khi sinh của Hàn Quốc tăng rất nhanh. Sự tăng bất thường của tỷ số giới tính khi sinh lên đỉnh điểm vào đầu những năm 1990, đạt 116 trẻ trai/100 trẻ gái, có vùng tỉ số này lên tới 140/100. Tỷ số giới tính khi sinh cũng có sự khác biệt lớn theo thứ tự của đứa trẻ khi sinh. Ở lần sinh thứ nhất và thứ hai, sự mất cân bằng này chưa rõ rệt, nhưng ở lần sinh thứ 3 và thứ 4, tỉ số này có sự gia tăng lớn. Vào những năm 1990, có thời điểm tỷ số giới tính khi sinh ở trẻ là con thứ ba lên tới 200/100 và ở con thứ 4 trở lên, tỉ số này là 240/100.

Những câu chuyện này đang ngày càng trở nên rõ ràng ở Việt Nam. Nếu không nhanh chóng thực hiện các công tác ngăn chặn lựa chọn giới tính khi sinh thì tình trạng mất cân bằng giới tính của nước ta sẽ rơi vào mức báo động. Dự đoán đến năm 2030 sẽ có 3-4 triệu đàn ông Việt Nam khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời, cùng đó sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy xã hội nghiêm trọng khác.

Theo Gia đình.net

System

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...