Bệnh mạch vành ở người cao tuổi: Dễ gặp rủi ro

Thứ Năm, 08/08/2019 02:52 PM (GMT+7)

Bệnh mạch vành ảnh hưởng đến tuổi thọ nhiều hơn bất kỳ bệnh lý tim mạch nào khác và tuổi tác là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành.

benh-mach-vanh-o-nguoi-cao-tuoi

Bệnh mạch vành là gì?

Bệnh mạch vành là tình trạng xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành bị hẹp hay bị cản trở do sự hình thành những mảng bám tích tụ bên trong. Các động mạch trong cơ thể chúng ta vốn dĩ mềm mại và đàn hồi, nay trở nên hẹp và cứng hơn do sự xuất hiện có các mảng bám qua thời gian, như cholesterol và các chất khác bám trên thành mạch máu, gọi là chứng xơ vữa động mạch.

Khi bệnh mạch vành tiến triển, sự lưu thông máu qua động mạch trở nên khó khăn hơn. Hậu quả là cơ tim không thể nhận đủ lượng máu và oxy cần thiết, dẫn đến tình trạng đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim. Hầu hết các cơn nhồi máu cơ tim xảy ra khi một cục máu đông đột ngột di chuyển đến đoạn hẹp của mạch máu, gây tắc mạch và chấm dứt nguồn cung cấp máu cho tim, gây tổn thương tim vĩnh viễn. 

Bên cạnh đó, với diễn tiến nặng dần theo thời gian, bệnh mạch vành khiến cho cơ tim hoạt động nhiều hơn và trở nên suy yếu dần, dẫn đến tình trạng suy tim và loạn nhịp tim. Đây là những biến chứng vô cùng nguy hiểm của bệnh mạch vành. Chính vì vậy, sự hiểu biết đầy đủ về bệnh sẽ giúp cho việc chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả hơn.

Những biểu hiện của bệnh mạch vành

Triệu chứng bệnh mạch vành phổ biến nhất là đau thắt ngực hay đau vùng tim. Tình trạng này có thể được mô tả với các dấu hiệu sau

Nặng nề vùng ngực;

Cảm giác nén ép tim;

Đau ran vùng ngực;

Nóng rát;

Tê vùng ngực;

Đầy bụng;

Cảm giác tim bị bóp chặt lại;

Đau ngực âm ỉ.

Triệu chứng của bệnh mạch vành ở phụ nữ thường nhẹ hơn so với nam giới. Trong cơn đau ngực điển hình có thể kèm theo buồn nôn, đổ mồ hôi, mệt mỏi và khó thở.

Các dấu hiệu khác có thể xảy ra với bệnh động mạch vành, bao gồm: Đánh trống ngực; Khó thở; Nhịp tim nhanh; Mệt mỏi, chóng mặt; Nôn và buồn nôn; Đổ nhiều mồ hôi..

Người cao tuổi bị mắc bệnh dễ gặp rủi ro hơn

Bệnh mạch vành ảnh hưởng đến tuổi thọ nhiều hơn bất kỳ bệnh lý tim mạch nào khác và tuổi tác là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành. Theo nghiên cứu Framingham Heart (Viện Quốc Gia Mỹ về Tim, Phổi và Máu hợp tác cùng đại học Boston (từ năm 1971)) thì tỷ lệ mắc bệnh mạch vành trung bình năm ở nam giới tăng 24% ở độ tuổi 65 - 74. Tương tự như vậy, tỷ lệ này ở phụ nữ tăng từ 14% lên tới 28%. Tỷ lệ mắc bệnh mạch vành ở phụ nữ tăng nhanh hơn là do sự thay đổi của cơ thể sau khi mãn kinh (thời kỳ mãn kinh làm tăng gấp 3 lần nguy cơ so với trước đó).

Bệnh tăng huyết áp, hẹp hở van, vôi hóa van ở người cao tuổi sẽ làm cho bệnh mạch vành trở nên trầm trọng hơn. Đó là chưa kể đến, một số nguyên nhân khác gây tắc nghẽn mạch vành không do xơ vữa như dị tật động mạch vành bẩm sinh, bệnh cầu cơ tim, nghẽn do cục máu đông, do mảng sùi (viêm do bệnh hệ thống) được bộc lộ nhiều hơn ở khi có tuổi và làm tăng rủi ro hơn ở người trẻ tuổi.

Nếu như đau thắt ngực là dấu hiệu điển hình khi tắc nghẽn mạch vành, thiếu máu cơ tim cục bộ ở người trẻ, thì ngược lại các biểu hiện này ở người có tuổi thường không điển hình (đau vai, đau lưng hoặc đau thượng vị sau ăn), khó nhận biết. Đó là do quá trình phát triển của mảng xơ vữa diễn ra trong nhiều năm, nên cơ thể được thích nghi dần nên nhiều người không đau ngực khi gắng sức nhẹ. Nguy hiểm hơn khi người bệnh có mắc kèm bệnh đái tháo đường, có thể làm mất đi dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim sớm. Khó thở, mệt mỏi do căn bệnh này cũng dễ nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hoặc bệnh về đường hô hấp.

Tất cả điều đó cho thấy, mặc dù các yếu tố nguy cơ gây bệnh ở người già hay người trẻ là như nhau, nhưng khi mắc bệnh thì sự nguy hiểm và rủi ro ở người cao tuổi lớn hơn rất nhiều.

Mặc dù hiện nay bệnh mạch vành đã được kiểm soát chặt chẽ hơn, nhưng số người tử vong vẫn ngày càng tăng, đặc biệt là ở những người cao tuổi (trên 65 tuổi). Phần lớn là do trong điều trị bệnh mạch vành ở những người đã có tuổi đã gặp phải khá nhiều những bất lợi.

Những lưu ý trong chăm sóc người cao tuổi mắc bệnh

Sử dụng thuốc đủ liều, đúng liều và phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường cảnh báo tác dụng phụ của thuốc điều trị là cách tốt nhất để kiểm soát rủi ro trong điều trị.

Không ít người bệnh nghĩ rằng, sau can thiệp hay phẫu thuật là bệnh mạch vành đã khỏi, vì thế có một số người chủ quan và lơ là trong điều trị. Thực tế, sau đặt stent có có rất nhiều mối nguy hiểm mà bệnh nhân cần đối mặt. Trong đó nguy cơ xuất huyết, hay hình thành cục máu đông, và khả năng tái tắc hẹp rất lớn nếu không được điều trị tốt.

Do vậy, các bác sĩ lưu ý, người cao tuổi mắc bệnh mạch vành cần phải sử dụng thuốc chống đông từ 6 tháng – 1 năm theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu gặp phải tác dụng phụ của thuốc, cần phải tái khám lại để được bác sĩ điều chỉnh liều thuốc, loại thuốc phù hợp hơn. Đối với những bệnh nhân dùng phương pháp bắc cầu động mạch vành - thủ thuật tạo cầu nối vượt qua điểm tắc hẹp - phương pháp này giúp giảm đáng kể triệu chứng đau thắt ngực, giảm tỷ lệ tử vong và kéo dài cuộc sống người bệnh. Tuy nhiên, sau 10 năm đoạn mạch máu dùng để bắc cầu có thể bị lão hóa và bị tắc hẹp lại, người bệnh phải lưu ý khám và tiếp tục mổ lại theo chỉ định của bác sĩ.

Tập thể dục rất quan trọng trong điều trị bệnh mạch vành, nhưng đây chính là điều mà người bệnh cao tuổi khó thực hiện, do thể trạng yếu, thoái hóa khớp, đau khớp. Theo GS Phạm Gia Khải, chuyên gia đầu ngành tim mạch tại Việt Nam, người bệnh mạch vành nên đi bộ từ 30 - 60 phút mỗi ngày, tùy từng sức của mỗi người. Trong quá trình tập luyện nên tập vừa sức, không nên quá gắng sức. Tuy nhiên, mỗi ngày nên cố gắng tập thêm một ít để tăng khả năng chịu đựng của tim. Điều này sẽ giúp làm phát triển tuần hoàn bàng hệ rất tốt cho người bệnh mạch vành.

Thay đổi thói quen ăn uống cũng không phải là vấn đề đơn giản. Do người cao tuổi thường sống cùng con cháu, nên chế độ ăn uống kiêng khem khó thực hiện hơn. Tuy nhiên, nếu người bệnh bỏ thuốc lá, hạn chế chất kích thích, ăn nhiều rau và trái cây tươi, các loại ngũ cốc nguyên hạt, giảm chất béo, giảm muối, họ sẽ tăng cơ hội sống thọ.

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...