Bệnh Whitmore "ăn thịt người": Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh

Thứ Hai, 16/09/2019 04:20 PM (GMT+7)

Do bệnh cảnh báo lâm sàng đa dạng nên bệnh nhân thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu…

Whitmore

Tháng 8 vừa qua, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, bệnh viện Bạch Mai lần đầu tiên tiếp nhận một bệnh nhân nữ mắc Whitmore khá hy hữu, với trình trạng vi khuẩn Whitmore ăn cánh mũi. Trước khi đến đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị nhiễm trùng huyết do tụ cầu nhưng tại Trung tâm bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, cấy máu và mủ ở vết thương cho kết quả dương tính với vi khuẩn Whitmore.

Bệnh nhân nữ mắc whitmore khá hy hữu.Gần đây nhất, ngày 14/9, thông tin từ bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho hay, đơn vị đã tiếp nhận 3 cháu bé có biểu hiện bị mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm có tên Whitmore, hay còn gọi là “vi khuẩn ăn thịt người”.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, vi khuẩn Whitmore không phải là bệnh lây từ người sang người, nên không thể có tác hại nặng. Vi khuẩn Whitmore (hay còn gọi là bệnh Melioidosis) mà người dân thắc mắc và hoang mang thời gian qua là do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên.

“Bệnh này không phải mới được phát hiện gần đây mà đã được ghi nhận từ lâu. Cơ chế lây bệnh của loại vi khuẩn này là từ đất, từ nước bẩn.

Bệnh có biểu hiện như sốt, co giật, sốt kéo dài, viêm phổi kéo dài, sốt… Bệnh do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua da trầy xước là chính, vi khuẩn từ vết xước đi vào máu gây nhiễm trùng máu hay áp xe hoại tử nhiều cơ quan trong đó có da và vùng da bị bệnh gây loét hoại tử nên bị gọi là "ăn thịt người". Cái chính ở đây là bác sĩ, nhân viên y tế phải biết căn bệnh này để phát hiện sớm, chẩn đoán đúng, nếu chẩn đoán nhầm thì khó khỏi. Nên không phải là gánh nặng ghê gớm”, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, bệnh nhân bị mắc bệnh này không thể điều trị tại nhà, thời gian để điều trị căn bệnh này khá lâu: “Phải điều trị vi khuẩn tấn công 2-3 tuần, sau đó còn phải uống thuốc duy trì tránh tái phát từ 3-6 tháng, phương pháp điều trị rất chuyên biệt, nên người làm y tế cần phải biết bệnh này để chẩn đoán đúng”.

Để phòng ngừa căn bệnh này, bác sĩ Khanh cho hay, người dân khi tiếp xúc với đất hay nước không sạch phải có găng, ủng bảo vệ. Bên cạnh đó, phải rửa sạch tay chân ngay khi tiếp xúc với nước hay đất không sạch.

Bên cạnh đó, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng thông tin, Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.

Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam và bệnh này được xếp vào bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bị “lãng quên”.

Nếu như trước đây, 5-10 năm mới có 20 ca mắc Whitmore, thì từ đầu năm 2019 đến nay, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận tới 20 ca mắc căn bệnh nguy hiểm này, trong đó riêng tháng 8 ghi nhận 12 ca Whitmore nặng được chuyển đến chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ. Bệnh cảnh lâm sàng đa dạng phức tạp, bệnh nhân được nhập viện từ chuyên khoa khác nhau như hô hấp, cơ-xương-khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa,...

Do bệnh cảnh báo lâm sàng đa dạng nên bệnh nhân thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu…

Tuy nhiên, ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán bệnh Whitmore, việc điều trị cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh (thường là nhóm ceftazidime hoặc carbapenem, cotrimoxazole) tấn công liều cao (6-8g Ceftazidim/ngày truyền tĩnh mạch) kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng.

Để phòng tránh bệnh Whitmore, mọi người nên áp dụng các biện pháp dự phòng như sau:

 Đối với những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để.

- Đảm bảo vệ sinh thân thể sạch sẽ, đặc biệt là bàn tay bàn chân luôn phải sạch. Nếu tay chân dính bùn đất cần phải rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô trước khi muốn làm việc gì tiếp theo.

- Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này với các biểu hiện lâm sàng đa dạng: sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi... Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

- Đối với người bình thường, hạn chế tiếp xúc với bùn đất sẽ tránh nguy cơ bị vi khuẩn tấn công. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.

- Đặc biệt, ở những vùng có bệnh whitmore lưu hành, những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch (như AIDS, ung thư, những bệnh nhân hóa trị...) càng nên tránh tiếp xúc với đất và nước bị ô nhiễm, đặc biệt là ở các khu vực trang trại.

- Không chủ quan trước các dấu hiệu của bệnh như: Sốt, viêm phổi và có ổ áp xe ở nhiều vị trí (đa áp xe), nhiễm trùng đường tiết niệu.

- Tránh tiếp xúc với máu và chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh.

Đặc biệt, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, tập trung từ tháng 7 đến tháng 11. Do đó, những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước nhất định phải sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để.

Đây được coi là bệnh nguy hiểm bởi các triệu chứng lâm sàng của bệnh rất mơ hồ, chẩn đoán khó, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác nhưng lại có thể gây tử vong nhanh chóng. Tỷ lệ tử vong của bệnh Whitmore có thể lên đến 50-60%. Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh. Bệnh whitmore còn có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Duyen

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...