Béo phì ở trẻ thanh thiếu niên - Thực trạng cần cảnh báo

Thứ Sáu, 04/11/2022 11:11 AM (GMT+7)

Bệnh béo phì ở trẻ em là sự tích trữ chất béo cơ thể quá mức khiến cân nặng cơ thể lớn hơn 20% so với mức cân nặng lý tưởng và tình trạng trẻ béo phì ngày nay khá phổ biến.

 Béo phì là sự tích trữ chất béo cơ thể quá mức khiến cân nặng cơ thể lớn hơn 20% so với mức cân nặng lý tưởng. Béo phì là một dạng rối loạn ăn uống thường gặp ở tuổi vị thành niên. Bệnh béo phì nằm trong số những tình trạng bệnh lý dễ nhận biết nhất nhưng lại khó điều trị nhất. Việc tăng cân do chế độ ăn uống không lành mạnh và thiếu vận động gây ra hơn 300.000 trường hợp tử vong mỗi năm theo thống kê tại Mỹ. Trẻ bị thừa cân gần như sẽ bị thừa cân khi trưởng thành, trừ khi áp dụng và duy trì chế độ ăn uống và vận động lành mạnh hơn. Bệnh béo phì thường bắt đầu ở độ tuổi 5 – 6 hoặc trong giai đoạn vị thành niên. Các nghiên cứu cho thấy một trẻ béo phì ở 10 – 13 tuổi có 80% nguy cơ trở thành một người trưởng thành béo phì.

1. Nguyên nhân béo phì ở trẻ em

Béo phì ở trẻ em do nhiều yếu tố gây ra. Những tương tác giữa các yếu tố này như bẩm chất di truyền, thói quen hành vi và tập tục văn hóa, và ảnh hưởng của môi trường dẫn đến mất cân bằng năng lượng, với năng lượng nạp vào vượt quá năng lượng tiêu hao, cuối cùng dẫn đến béo phì ở người dễ mắc bệnh. Nhiều yếu tố cùng tồn tại ở một người, khiến việc xác định tác động độc lập không phụ thuộc vào các yếu tố khác của bất kỳ một yếu tố nào trở nên khó khăn. Các thay đổi về hành vi và môi trường phải đóng một vai trò quan trọng ngay cả ở trẻ em mang yếu tố nguy cơ về mặt di truyền, vì tỷ lệ bệnh béo phì ở trẻ em đã tăng đáng kể trong 30 năm qua mặc dù khả năng thay đổi nhanh chóng về cấu tạo di truyền của dân số thấp.

- Bẩm chất di truyền: Nguy cơ béo phì ở trẻ em tăng khi có ≥1 phụ huynh bị béo phì. Các nghiên cứu dịch tễ đã chỉ ra rằng trẻ em từ các nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ mắc mới béo phì cao hơn, đặc biệt trong giai đoạn vị thành niên. Tại Hoa Kỳ, bé trai và bé gái người Mỹ gốc Mexico hiện có tỷ lệ bệnh thừa cân và béo phì cao nhất. Ngoài ra, mức hoạt động thể chất khác nhau giữa các nhóm chủng tộc.

- Các thói quen về hành vi: Các thói quen ăn uống kém dẫn đến tăng năng lượng nạp vào, bao gồm thức ăn giàu năng lượng, kích cỡ khẩu phần lớn, thức ăn nhanh và đồ uống có đường, được cho là đóng vai trò trong việc gây ra béo phì. Ngoài ra, giảm hoạt động thể chất có khả năng cũng góp phần, và các nghiên cứu gợi ý rằng hầu hết trẻ em ở trường trung học phổ thông không đáp ứng mức hoạt động thể chất như khuyến cáo. Trẻ em cũng có xu hướng ngồi nhiều hơn, bao gồm tăng thời gian xem ti vi, chơi trò chơi video hoặc ngồi trước màn hình máy tính. Điều này có thể dẫn đến giảm hoạt động thể chất và tăng lượng thức ăn nạp vào. Nguy cơ béo phì tăng lên ở trẻ em có thời gian ngồi trước màn hình (ví dụ như ti vi, trò chơi video, internet) trên 2 đến 3 giờ mỗi ngày.

- Các tác động đến từ môi trường: Những tiến bộ về công nghệ đã dẫn đến giảm hoạt động thể chất. Ngoài ra, thực phẩm giàu năng lượng và đồ uống nhiều đường dễ dàng thấy ở cả trường học và trong cộng đồng, và thường ít tốn kém hơn các lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn. Trẻ em lớn lên trong các gia đình nghèo có nguy cơ béo phì cao hơn. Bên cạnh đó, đái tháo đường thai kỳ ở người mẹ có thể dẫn đến tăng đường huyết và tăng tiết insulin ở bào thai ảnh hưởng đến kích thước cơ thể khi sinh, có thể đóng vai trò trong việc gây ra béo phì sau này. Đã có chứng minh rằng dinh dưỡng kém trong tử cung có tương quan với béo phì ở trẻ nhỏ và người lớn.[26] Béo phì có thể do các nguyên nhân y tế gây ra như rối loạn nội tiết (ví dụ như nhược giáp, hội chứng Cushing, giả suy tuyến cận giáp, béo phì liên quan vùng dưới đồi sau phẫu thuật u sọ hầu) và các hội chứng di truyền (ví dụ như hội chứng Prader-Willi, hội chứng Bardet-Biedl) hoặc do thuốc (ví dụ như thuốc điều trị tâm thần kinh, corticosteroid).

Beo-phi-o-tre-em-se-gay-hau-qua-gi-1

2. Cách phòng ngừa

2.1. Ngăn ngừa sơ cấp

Ngăn ngừa béo phì ở trẻ em hết sức quan trọng trong việc kiểm soát đại dịch béo phì. Các chiến lược ngăn ngừa phải bắt đầu từ giai đoạn đầu đời vì rất khó điều trị béo phì ở mọi lứa tuổi, và béo phì có xu hướng tiếp tục xảy ra trong giai đoạn trưởng thành. Đã có bằng chứng cho thấy rằng cho bú sữa mẹ có liên quan đến tỷ lệ mắc mới béo phì thấp hơn ở trẻ em. Tuy nhiên, dữ liệu còn mâu thuẫn, với các nghiên cứu khác chỉ ra không có tác dụng rõ rệt. Vẫn khuyến cáo khuyến khích cho bú sữa mẹ dựa trên các lợi ích sức khỏe khác. Khuyến cáo của Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ về việc tránh cho trẻ nhũ nhi từ 6 tháng tuổi trở xuống uống nước trái cây hiện đã được mở rộng để bao gồm cả trẻ nhũ nhi từ 12 tháng tuổi trở xuống, vì nước trái cây không mang lại lợi ích dinh dưỡng và có thể khiến trẻ tăng cân không phù hợp. Cần giới hạn lượng tiêu thụ là 170 mL mỗi ngày đối với trẻ em từ 4 đến 6 tuổi, và 230 mL mỗi ngày đối với trẻ em từ 7 đến 18 tuổi.

Một bài tổng quan hệ thống đã phát hiện rằng các biện pháp phòng ngừa tại trường kết hợp với các thành phần là chế độ ăn và hoạt động thể chất, cũng như yếu tố kiểm soát tại nhà, rất hiệu quả. Bài tổng quan này bao gồm 41 nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới. Số lượng nghiên cứu ít và tính không đồng nhất trong thiết kế nghiên cứu đã hạn chế việc rút ra những kết luận có liên quan đến các biện pháp can thiệp chỉ ở trường mẫu giáo, chỉ trong cộng đồng và chỉ ở nhà.

Nhiều trẻ em đến khám với than phiền không phải về béo phì hay tăng cân nhanh. Do đó, điều quan trọng là cần khám sàng lọc tất cả trẻ em để phát hiện nguy cơ béo phì kèm tính toán và vẽ biểu đồ chỉ số khối cơ thể (BMI) hàng năm, đặc biệt là ở những trẻ em có tiền sử gia đình bị béo phì hoặc trẻ em có tiền sử thai chậm phát triển trong tử cung. Điều cần thiết là cung cấp thông tin cho tất cả trẻ em và gia đình về thói quen hoạt động và ăn uống lành mạnh ngay từ khi còn nhỏ với hy vọng ngăn ngừa một bệnh trạng vốn khó điều trị ở bất kỳ độ tuổi nào và thường kéo dài đến giai đoạn trưởng thành.

2.2. Ngăn ngừa thứ cấp

Thảo luận về dinh dưỡng lành mạnh và hoạt động thể chất cho trẻ em cần là một phần trong hướng dẫn dự đoán tại tất cả các lần khám sức khỏe trẻ em lành mạnh. Cần tính toán và đánh dấu chỉ số khối cơ thể (BMI) ít nhất hàng năm để xác định những trẻ thừa cân hoặc béo phì, hoặc có thể có nguy cơ béo phì. Cần phát triển thêm các chiến lược y tế công cộng để thúc đẩy những lựa chọn lối sống lành mạnh cho trẻ em tại trường học, có mở rộng ra cộng đồng. Trường học cần cung cấp các lựa chọn thực phẩm lành mạnh, và trẻ em cần được giáo dục thể chất hàng ngày. Ngoài ra, cần cung cấp các địa điểm tập thể dục vui vẻ và an toàn trong cộng đồng. Cần hạn chế quảng cáo thức ăn nhanh và thực phẩm giàu năng lượng một cách trực tiếp đối với trẻ em.

3. Điều trị

Các chiến lược điều trị hiệu quả béo phì ở trẻ em rất quan trọng, vì trẻ em béo phì có xu hướng trở thành người lớn béo phì, và đối tượng này có các nguy cơ sức khỏe đáng kể liên quan đến béo phì. Các thể thức điều trị bao gồm điều chỉnh lối sống lành mạnh (ví dụ như thay đổi chế độ ăn uống, tăng hoạt động thể chất và giảm hành vi lười vận động), thuốc và phẫu thuật giảm cân. Có bằng chứng cho thấy rằng các biện pháp can thiệp tích cực hơn hiệu quả hơn. Chỉ dùng thuốc đối với trẻ em bị béo phì bệnh lý hoặc trẻ em béo phì có các yếu tố nguy cơ khác. Phẫu thuật giảm cân có giá trị đối với trẻ vị thành niên bị béo phì bệnh lý, và thành công cũng như biến chứng của thủ thuật này ở trẻ vị thành niên đang được nghiên cứu mở rộng. Đã có chứng minh rằng nhiều yếu tố nguy cơ liên quan với bệnh tim mạch được cải thiện ở trẻ vị thành niên bị béo phì nặng sau khi phẫu thuật giảm cân. Giảm cân nhiều, giới tính nữ, và độ tuổi nhỏ giúp dự đoán khả năng cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch chuyên biệt cao hơn. 

Trong đó, điều chỉnh lối sống là biện pháp điều trị ban đầu và chính cho tất cả trẻ có chỉ số khối cơ thể (BMI) ≥ giá trị bách phân vị thứ 85. Điều bắt buộc là cha mẹ và gia đình cũng phải có các thói quen sinh hoạt lành mạnh để trẻ em thành công trong việc duy trì cân nặng hoặc giảm cân. Cần khuyến khích trẻ em loại bỏ các đồ uống có đường, giảm kích cỡ khẩu phần và hạn chế thức ăn giàu năng lượng và thức ăn nhanh. Đã có chứng minh rằng việc loại bỏ đồ uống có đường khỏi chế độ ăn uống làm giảm đáng kể lượng calo nạp vào và béo phì. Cần đề nghị chế độ ăn uống giàu trái cây và rau củ, và cung cấp các lựa chọn thực phẩm lành mạnh tại trường học. Cần khuyến khích các bữa ăn gia đình và sự tham gia của gia đình là bắt buộc. Nếu có thể, cần loại bỏ các thực phẩm không lành mạnh ra khỏi nhà. Có nhiều chế độ ăn, tuy nhiên không có bằng chứng để khuyến cáo chế độ ăn uống này tốt hơn một chế độ ăn uống khác cho trẻ em. Cần khuyến khích trẻ em hoạt động thể chất ít nhất là 60 phút mỗi ngày. Hoạt động cần phù hợp theo độ tuổi và vui nhộn đối với trẻ em, nhằm khuyến khích sự tuân thủ. Cũng khuyến khích gia đình tham gia vào việc động viên hoạt động thể chất. Chỉ tập thể dục không hiệu quả bằng tập thể dục kết hợp với điều chỉnh chế độ ăn uống.

Nguyễn Phương Liên

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...