Biến thách thức từ già hóa dân số thành cơ hội

Thứ Tư, 12/07/2023 09:23 AM (GMT+7)

Quỹ Dân số Liên hợp quốc nhận định, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng, già hóa dân số đang tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nhiều thách thức từ già hóa dân số

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, năm 2011, nước ta chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Theo kết quả Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình năm 2011, tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên là 7%. 

TS Phạm Vũ Hoàng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế chia sẻ, nước ta là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với nhịp độ tăng dân số. Già hóa dân số đi kèm với nhu cầu tiếp tục làm việc gia tăng nhưng lại chưa gắn với cải thiện sức khỏe người già. 

Theo TS Phạm Vũ Hoàng, thách thức của vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam đó là suy giảm năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Việc tăng nhanh dân số già đồng nghĩa với suy giảm tăng trưởng lực lượng lao động, dẫn đến kìm hãm năng suất lao động, nhất là năng suất các nhân tố tổng hợp. Mặt khác, đó cũng là thách thức trong việc bảo đảm thu nhập cho người cao tuổi và bất bình đẳng trong xã hội. Dân số già có xu hướng sử dụng nhiều dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe hơn, gây sức ép lớn với hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân của quốc gia. Chi phí trung bình để chăm sóc sức khỏe cho một người cao tuổi bằng 7-8 lần chi phí trung bình chăm sóc sức khỏe cho một người trẻ tuổi, vì vậy, với số lượng người già tăng lên, hệ thống lương hưu và an sinh xã hội sẽ phải đối mặt với một áp lực lớn, chi tiêu công tăng để hỗ trợ người già không có nguồn thu nhập và các chương trình hỗ trợ khác.

Quan tâm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Quan tâm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Thời gian tới, những nhà hoạch định chính sách cần phải tính đến các nhiệm vụ, giải pháp, điều kiện thích ứng với dân số già, chuẩn bị cho một xã hội có dân số già cả về phương diện chính sách, luật pháp, cơ sở vật chất, kỹ thuật và tâm lý xã hội; cần nhìn nhận người cao tuổi, nhóm dân số già có vai trò, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, là chỗ dựa cho thế hệ trẻ, thay vì nhìn nhận chỉ như các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội.

Thay đổi tư duy về nhóm dân số già

Già hóa dân số đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội. Vì vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, vấn đề già hóa dân số cần phải có vai trò tương xứng với những ảnh hưởng của vấn đề này đối với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Cũng từ đó, nhóm dân số già cần được nhìn nhận như các chủ thể đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế-xã hội, thay vì chỉ như là các đối tượng hưởng trợ cấp của xã hội.

Thời gian tới, cần tận dụng cơ hội chuyển hóa thách thức từ già hóa dân số, bởi già hóa dân số đang trở thành xu hướng chung không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Do vậy, trong phát triển kinh tế-xã hội, cần tính đến cả thời cơ và thách thức mà già hóa dân số mang lại. Cùng với đó, phải bảo đảm thu nhập cho người cao tuổi, khuyến khích tạo việc làm phù hợp để người cao tuổi vừa có thu nhập cải thiện đời sống, vừa được chăm sóc y tế khi bệnh tật, ốm đau, bảo đảm chất lượng sống. Cần xây dựng một hệ thống quỹ hưu trí vững mạnh, giúp người cao tuổi yên tâm với mức sống khi đến tuổi nghỉ hưu. Trong điều kiện của một nước đang phát triển như Việt Nam, khi lượng lao động làm việc ở khu vực phi chính thức cao, cần chú trọng đến cải thiện khả năng bao phủ của hệ thống an sinh xã hội và trợ cấp hưu trí cho người cao tuổi. Ngoài ra, mạng lưới an sinh xã hội cần phải được thực hiện và hoàn thiện để giúp người cao tuổi tiếp cận với các dịch vụ xã hội và y tế thiết yếu.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe và xây dựng môi trường sống thân thiện với người cao tuổi cũng phải được chú trọng. Cần hướng tới sự phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến để quá trình già hóa dân số diễn ra một cách năng động, với sự bảo đảm sức khỏe và sự đóng góp tích cực cho xã hội của người cao tuổi. Đồng thời, tăng cường đào tạo cán bộ chăm sóc và cán bộ chuyên môn y tế trong công tác chăm sóc người cao tuổi. 

Theo dự tính của các chuyên gia dân số, nhu cầu của nhóm dân số già sẽ đem đến những cơ hội như hình thành các thị trường mới và để chuyển hóa các thách thức mà già hóa dân số mang lại, việc xã hội hóa và huy động tối đa các nguồn lực đóng vai trò quan trọng để giải quyết và khai thác hiệu quả vấn đề già hóa dân số. Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách vào hạ tầng y tế, văn hóa, xã hội cho người cao tuổi. Sử dụng vốn đầu tư công làm vốn đầu tư ban đầu, tạo sức lan tỏa, thu hút đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhằm đáp ứng các nhu cầu về y tế, văn hóa ngày càng cao của người cao tuổi.

Tuy nhiên, cần duy trì vững chắc mức sinh thay thế để trong tương lai, Việt Nam sẽ có một quy mô dân số phù hợp với diện tích lãnh thổ, bảo đảm sự cân đối, hài hòa giữa các độ tuổi; duy trì tương đối ổn định tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động; làm chậm lại thời gian chuyển đổi từ giai đoạn “già hóa dân số” sang “dân số già”, có cơ hội phát triển các dịch vụ an sinh xã hội, chăm sóc người cao tuổi tốt hơn.

Theo Báo Quân đội nhân dân

Vũ Phương Bảo Khanh

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...