789

Cách điều trị bệnh sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế

Thứ Tư, 29/04/2020 08:15 AM (GMT+7)

Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin phòng sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi nên đến trạm y tế của xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

cach-tri-soi

Bệnh sởi là gì?

Sởi là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp rất dễ lây lan. Bệnh gây ra phát ban da toàn thân và kèm theo các triệu chứng hô hấp giống cúm.

Sởi do virus gây ra, do đó không có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh mà thường khỏi trong vòng từ 7-10 ngày. Sởi là một bệnh lưu hành, có nghĩa là nó liên tục xuất hiện trong cộng đồng.

Sau khi mắc sởi, người đó sẽ được miễn dịch với sởi trong suốt quãng đời còn lại, khả năng mắc sởi lần thứ hai của họ tương đối thấp.

Bệnh sởi lây truyền qua đường nào?

Virus sởi là một loại virus rất dễ lây lan, sống trong chất nhầy mũi và cổ họng của người nhiễm bệnh. Virus có thể lây sang người khác thông qua ho và hắt hơi. Ngoài ra, virus sởi có thể sống tới 2 giờ trong không gian nơi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Nếu người khác hít phải không khí bị nhiễm virus hoặc chạm vào bề mặt bị nhiễm virus, sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng, có thể bị nhiễm bệnh. Bệnh sởi rất dễ lây lan đến nỗi nếu một người mắc bệnh này, có tới 90% những người gần gũi với người đó không được miễn dịch cũng sẽ bị nhiễm bệnh.

Những người bị nhiễm bệnh có thể truyền bệnh sởi sang người khác từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau khi phát ban xuất hiện.

Sởi là bệnh lây từ người sang người, virus sởi không lây lan ở động vật.

Mắc sởi rồi có mắc lại lần 2 không?

Câu trả lời là không. Những người đã từng mắc sởi, cơ thể đã sinh ra miễn dịch chống lại virus sởi, do đó có khả năng bảo vệ không mắc sởi lần 2.

Đối với những người chưa mắc sởi, tiêm vắc xin là phương pháp tạo miễn dịch chủ động cho cơ thể chống lại virus sởi.

 Những đối tượng nào dễ mắc sởi?

Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh (những người chưa bị sởi bao giờ và chưa tiêm vắc xin sởi)

Ở nước ta, các nhóm có nguy cơ mắc sởi cao là:

Trẻ em, vì lúc này không còn miễn dịch do mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vắc xin

Nhóm trẻ đã tiêm vắc xin nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch

Thanh niên chưa từng mắc sởi hoặc chưa được tiêm vắc xin trước đây

Do vậy, những nhóm đối tượng này cần được tiêm vắc xin sởi để phòng ngừa bệnh.

 Biểu hiện và triệu chứng của sởi

Các triệu chứng của bệnh sởi thường xuất hiện khoảng 7 đến 14 ngày kể từ khi bị nhiễm bệnh.

Bệnh sởi thường bắt đầu bằng các triệu chứng:

Sốt cao

Ho

Sổ mũi

Đỏ mắt, chảy nước mắt (viêm kết mạc).

Hai hoặc ba ngày sau khi các triệu chứng bắt đầu, những đốm trắng nhỏ (đốm Koplik) có thể xuất hiện bên trong miệng. Đây là dấu hiệu sớm và khá điển hình để giúp chẩn đoán bệnh sởi.

Ba đến năm ngày sau khi các triệu chứng bắt đầu, bắt đầu phát ban. Ban sởi thường bắt đầu như những đốm đỏ phẳng, mịn như nhung, không phỏng nước, mọc theo thứ tự từ trên xuống dưới, xuất hiện trên mặt ở chân tóc và lan xuống cổ, thân, cánh tay, chân và bàn chân. Những vết sưng nhỏ cũng có thể xuất hiện trên đỉnh của những đốm đỏ phẳng. Các đốm có thể kết hợp với nhau khi chúng lan từ đầu đến phần còn lại của cơ thể.

Sau khi mắc sởi, sức đề kháng của cơ thể suy giảm, nên rất dễ gây ra biến chứng.

Điều trị bệnh sởi

Dưới đây là hướng dẫn của Bộ Y tế về cách điều trị bệnh sởi:

Nguyên tắc điều trị

Bệnh nhân sởi cần được cách ly riêng.

Điều trị hỗ trợ.

Cần phát hiện và điều trị sớm các biến chứng.

 Điều trị hỗ trợ

Giữ vệ sinh da, mắt, miệng họng.

Tăng cường chế độ dinh dưỡng.

Hạ sốt: Có thể áp dụng các biện pháp hạ nhiệt vật lý như lâu nước ấm, chườm mát. Dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao.

Bổ sung nước, chất điện giải qua đường uống. Chỉ truyền dịch duy trì khi bệnh nhân nôn nhiều, có nguy cơ mất nước và rối loạn điện giải.

Bổ sung thêm vitamin A:

Trẻ từ 6-12 tháng tuổi: 100.000 đơn vị liều duy nhất

Trẻ trên 12 tháng tuổi và người lớn: 200.000 đơn vị liều duy nhất.

Những trường hợp có biểu hiện bệnh về mắt do thiếu vitamin A: Lặp lại liều trên vào ngày thứ 2 và ngày 28.

Nếu bé phát ban toàn thân nhưng vẫn chưa hạ sốt thì phụ huynh nên đưa trẻ tới viện ngay

Nhanh chóng hạ sốt bằng các biện pháp nhằm điều trị hỗ trợ bệnh sởi

Điều trị các biến chứng bệnh sởi

Điều trị kháng sinh nếu xuất hiện có bội nhiễm vi khuẩn.

Hạn chế truyền dịch nếu người bệnh có biến chứng viêm phổi, viêm não hoặc viêm cơ tim.

Trường hợp viêm màng não cấp tính: Nên tích cực điều trị hỗ trợ duy trì chứng năng sống.

 Phòng ngừa bệnh sởi

Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin phòng sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi nên đến trạm y tế của xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

Tăng cường vệ sinh cá nhân, sát trùng mũi họng, giữ ấm cơ thể, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Khi có các biểu hiện sốt phát ban dạng sởi thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời tránh biến chứng nguy hiểm.

Bệnh nhân mắc sởi phải được cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo nguyên tắc cách ly đối với bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp.

Người chăm sóc bệnh nhân sởi cần đeo khẩu trang, rửa sạch tay trước và sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh.

Để tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi gây ra, chúng ta cần nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu của bệnh để có những phương án điều trị kịp thời. Trên đây là cách điều trị bệnh sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, với tình hình bệnh sởi đang bùng phát hiện nay chúng ta nên có những kiến thức đúng để chăm sóc người bệnh sởi tránh bùng phát thành dịch.

Trần Thu Minh

Cùng chuyên mục

Nhân ngày tránh thai thế giới 26/09, cùng tìm hiểu về màng phim tránh thai

Màng phim tránh thai VCF (còn gọi là film tránh thai hay màng tránh thai) là lựa chọn biện pháp tránh thai. Nhưng màng phim...

Để cuộc nói chuyện về giới tính với con trở nên tinh tế

Giáo dục giới tính cho trẻ giúp trẻ hiểu rõ về bản thân, có khả năng tránh khỏi nhiều nguy cơ xấu. Song trong...

Những sai lầm của cha mẹ khi giáo dục giới tính cho trẻ

Xung quanh việc giáo dục giới tính cho trẻ, bản thân cha mẹ vẫn có những hiểu nhầm, từ đó việc làm thế nào...

Con xuất hiện xu hướng đồng tính, phụ huynh cần làm gì?

Mỗi cá nhân sẽ có 4 đặc điểm: Giới tính sinh học, bản dạng giới, thể hiện giới, xu hướng tính dục. Các...