Cách phòng chống "sát thủ" bụi mịn trong không khí gây nhiều bệnh chết người

Thứ Tư, 10/04/2019 12:15 PM (GMT+7)

Gần đây, Hà Nội và TP.HCM là 2 thành phố lớn của Việt Nam đang được đánh giá bị ô nhiễm không khí nặng nề, gây nguy hiểm đến sức khỏe của con người.

Trong số những tác nhân thì bụi và bụi mịn là một trong những "sát thủ" âm thầm gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm về đường hô hấp. Bụi và bụi mịn thường tăng cao rõ rệt vào các giờ cao điểm sáng 7h-8h và chiều 18h-19h, giảm xuống thấp nhất vào giữa trưa 13h-14h và ban đêm 23h-1h, phụ thuộc vào lượng lớn các phương tiện giao thông di chuyển.

Ngoài ra, loại bụi này xuất hiện nhiều ở các khu vực đang trong quá trình xây dựng và các nút giao thông đường bộ nơi có lưu lượng phương tiện giao thông lớn. Tại các khu vực này, nồng độ bụi và bụi mịn vượt quá tiêu chuẩn cho phép khá cao khoảng từ 1,5 – 2,5 lần.

Ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch tổ chức Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, chỉ số ô nhiễm bụi PM2.5 lên cao ở các thành phố lớn là điều rất đáng ngại bởi PM2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người, có thể đi thẳng vào phổi. Loại bụi này hình thành từ các chất như carbon, sunphua, nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. PM2.5 có khả năng luồn lách vào các túi phổi và tĩnh mạch phổi, gây nên nhiều căn bệnh chết người như bệnh về hô hấp, ung thư, tim mạch.

Trong một bài đăng trên VnExpress, ThS.BS Vũ Xuân Đán, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường TP.HCM cho biết, quá trình hô hấp là đưa oxi vào phổi. Tại phổi, oxi tiếp xúc với máu. Trong máu có chất hemoglobin, chất này kết hợp với oxi, mang oxi đến các tế bào.

Bụi PM 2.5 cộng với khí CO hay SO2, NO2 nhiều sẽ cản hemoglobin kết hợp oxi khiến tế bào thiếu oxi, gây ra kích ứng mắt, mũi, họng, phổi, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, khó thở, viêm phế quản mạn tính, suy giảm chức năng phổi và làm nặng thêm tình trạng bệnh hen và bệnh tim.

Bụi siêu mịn PM 2.5 còn ảnh hưởng đến cấu trúc của ADN do lượng oxi bị cản trở làm hủy hoại tế bào. Ngoài ra, các kim loại chuyển tiếp trong thành phần bụi như Cr, Cd, Ni, As và chất aldehyde cũng gây cản trở cơ chế sửa lỗi của DNA gây nên bệnh ung thư phổi.

buimin

Trẻ em là người chịu tác động nhiều nhất của ô nhiễm không khí do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ. Cùng một nồng độ khí ô nhiễm hít phải, lượng chất trực tiếp đi vào cơ thể trẻ em có thể cao gấp 2 lần người lớn. Vì thế, cần cho trẻ em sống, sinh hoạt tranh xa mặt đường, các công trình xây dựng, nhà máy công nghiệp nếu không muốn tăng nguy cơ bệnh hô hấp và chậm phát triển chiều cao. 

Báo cáo Chất lượng không khí toàn cầu 2018 cho biết đối với trẻ em sống ở 3 TP Bắc Kinh, Jakarta và Hà Nội, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp lên 40% và hen suyễn lên 20%. Đối với người trưởng thành, nguy cơ ung thư phổi tăng 25-30%, nguy cơ đột quỵ tăng gấp 2 lần.

Cho dù được cảnh báo là bụi và bụi mịn không vượt mức quá cao như báo động và không nguy hiểm nhưng bụi, bụi mịn đang có những tác động, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người. Theo nguồn từ AirVisual, chỉ số bụi mịn PM2.5 trung bình của Hà Nội là 40,8µg/m3, cao gấp 1,6 quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và gấp 4 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO (10µg/m3).

Bởi thế, ngoài việc chính quyền thực hiện các biện pháp giảm tải ô nhiễm như giảm thiểu xe máy, các phương tiện giao thông và tăng cường phương tiện giao thông công cộng; trồng cây xanh... thì mỗi người đều phải có những giải pháp cho chính mình. 

Các chuyên gia cho hay, khẩu trang chỉ có thể chặn phần nào những hạn bụi có kịch thước 10µm, còn với bụi siêu mịn 2,5µm thì không hiệu quả. Bởi vậy, cần hạn chế đi ra ngoài đường nếu không cần thiết, đặc biệt là những khu vực bị ô nhiễm không khí nặng.

Ngoài ra, nên trang bị máy lọc không khí trong phòng làm việc hay gia đình cũng là điều cần thiết.

Thêm nữa, hãy bổ sung một chế độ ăn thật nhiều dinh dưỡng gồm rau xanh, trái cây giàu vitamin A, vitamin C… để giúp ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp do bụi gây ra.

Lan Anh

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...