Cần Thơ: Nỗi lo mất cân bằng giới tính khi sinh

Thứ Tư, 13/09/2023 03:37 PM (GMT+7)

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Cần Thơ, trong 3 năm, từ 2020 đến 2022, tỷ số giới tính khi sinh của thành phố duy trì đạt từ 105-107 bé trai/100 bé gái sinh sống.

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính khi sinh (SRB) phản ánh sự cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra. Tỷ số này ở mức sinh học thông thường là 104-106 bé trai/100 bé gái. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong giai đoạn đầu từ năm 1999 đến năm 2005, xu hướng biến động SRB của Việt Nam không rõ ràng và dao động trong khoảng 104 đến 109 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, SRB của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu tăng đáng kể. Trong giai đoạn 2016-2022, tốc độ gia tăng SRB đã được khống chế, tuy nhiên chưa ổn định và vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên (ở mức 111,6 bé trai/100 bé gái vào năm 2022). 

sinh-con

Mất cân bằng giới tính khi sinh gây ra nhiều hệ lụy

Nguyên nhân thừa nam, thiếu nữ theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình là do tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn nặng nề trong một bộ phận dân cư. Các gia đình có xu hướng muốn ít con, hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi còn thiếu. Phần lớn người già phụ thuộc vào con cái, theo quan niệm của nhiều gia đình truyền thống, trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai. 

Tổng Cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) đã đưa ra kịch bản về sự dư thừa nam giới so với nữ giới độ tuổi từ 20-39 tuổi trong giai đoạn 2019- 2059. Theo đó, nếu Việt Nam không thực hiện các biện pháp nhằm thay đổi tỷ số giới tính khi sinh giữa bé trai và bé gái, sự dư thừa nam giới sẽ tăng từ 563,5 nghìn người nam năm 2019 lên 1,4 triệu người nam năm 2059, tương ứng sẽ dư từ 3,5% lên 9,7% tổng số nam giới của Việt Nam. Nam giới trẻ tuổi dư thừa so với nữ sẽ khiến nam giới khó tìm kiếm bạn đời; có thể gây ra sự bất ổn xã hội, gia tăng các tệ nạn như mại dâm, buôn bán trẻ em gái, phụ nữ và các loại tội phạm xã hội khác...

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, văn bản như Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Pháp lệnh dân số, các Nghị định, Quy định về cấm lựa chọn giới tính khi sinh… Đặc biệt, Luật Bình đẳng giới ra đời là sự khẳng định rõ ràng nhất, tập trung nhất nỗ lực và bước tiến không ngừng của Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng nam nữ, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và đưa ra những biện pháp thiết thực có tính đến những đặc thù về giới tính của phụ nữ.

Đặc biệt, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 với mục tiêu “Khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số này về mức cân bằng tự nhiên góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Tại TP Cần Thơ, theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố, trong 3 năm, từ 2020 đến 2022, tỷ số giới tính khi sinh của thành phố duy trì đạt từ 105-107 bé trai/100 bé gái sinh sống. Thành phố cũng xây dựng và triển khai Kế hoạch số 157/KH-UBND ngày 22-7-2022 của UBND thành phố về Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025. Trong đó, nghiêm cấm việc cung cấp các dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi; chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi hành vi; xây dựng mô hình; thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm... để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới.

Nguyễn Phương Liên

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...