Cẩn trọng với biến chứng do gãy xương ở người cao tuổi

Thứ Ba, 26/03/2019 06:28 PM (GMT+7)

Tuổi cao, sức yếu, mắt mờ, chân run, người cao tuổi (NCT) rất dễ bị té ngã trong quá trình vận động, sinh hoạt. Những tai nạn té ngã tưởng chừng đơn giản đối với người trẻ nhưng hoàn toàn có thể gây gãy xương ở NCT.

Cụ Lê Văn Sáu (79 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) trên đường đi đặt dớn bắt cá về, do bất cẩn nên trượt chân, ngã xuống mé sông. Hàng xóm đi qua nhìn thấy, kịp thời báo tin để con cháu đưa ông đến bệnh viện ở địa phương cấp cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Ông Sáu kể, sau khi té ngã, chân trái đau nhiều nên ông hạn chế vận động, phải nằm một chỗ. Các bác sĩ chẩn đoán ông Sáu bị gãy cổ xương đùi, buộc phải phẫu thuật. Vài ngày sau phẫu thuật, ông ngồi dậy được và không còn cảm giác đau nhức nữa.

Còn ông Phan Văn Dũng (56 tuổi, ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) bị tai nạn do nhón chân tháo dây mắc mùng. Lúc ấy, ông ngã vào vách, chân bị đau và sưng vù, cử động cơ thể nhẹ cũng bị đau nhức. Sau khi điều trị ở các cơ sở y tế địa phương không khỏi, ông Dũng đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ khám bệnh. Các bác sĩ chẩn đoán ông bị gãy xương đùi, chỉ định phẫu thuật. Một tuần sau phẫu thuật, ông Dũng không còn đau nhức và bắt đầu tập luyện vận động nhẹ nhàng.

2-1481514761220

BS Lê Nhất Vũ, Khoa Ngoại chấn thương – Bỏng (Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ) cho biết, trước đây, đối với những trường hợp như ông Sáu, ông Dũng, khi y học chưa phát triển, cứ 10 người bị chấn thương gãy cổ xương đùi thì 2 năm sau, có 5 người chết và số còn lại diễn tiến xấu dần do các biến chứng nằm lâu hoặc rất ít vận động. Hiện nay, với sự phát triển của y học, các tổn thương trên được giải quyết tương đối triệt để, giúp người bệnh phục hồi chức năng nhanh, giảm đau đớn và sớm quay lại với cuộc sống thường ngày, tránh được các biến chứng do gãy xương.

NCT dễ bị té ngã, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Tuổi cao, sức yếu, mắt mờ, NCT ít vận động, phản xạ kém với môi trường xung quanh. Bệnh cao huyết áp cũng là nguyên nhân khiến các cụ hoa mắt, chóng mặt, đi đứng loạng choạng, khó khăn. Vì lẽ đó, bậc tam cấp cao, sàn nhà tắm ẩm ướt, hay đi một đoạn đường dài… đều có nguy cơ khiến các cụ té ngã bất cứ lúc nào, dẫn đến chấn thương. Trong đó, chấn thương xương khớp, nhất là gãy xương là tổn thương nổi bật nhất ở NCT khi bị té ngã.

Theo các bác sĩ ngoại khoa, NCT khi bị té ngã thường gãy xương ở một số vị trí nhất định. Thứ nhất, do người già té ngã sai tư thế, thường bị gãy đầu trên xương đùi bao gồm: Cổ xương đùi và liên mấu chuyển, vì cấu trúc xương này ở NCT thường yếu, không đảm đương được nhiệm vụ nâng đỡ cơ thể khi ngoại lực tác động. Thứ hai, khi bị té, bệnh nhân thường có phản xạ chống tay, dẫn đến gãy vùng đầu dưới xương cẳng tay, mà nổi bật là gãy đầu dưới xương quay. Vị trí thứ 3 là gãy đầu trên xương cánh tay. Đó là những vùng chịu lực, cấu trúc xương loãng, đầu xương xốp nên dễ gây chấn thương.

Không lạm dụng thuốc, chú ý dinh dưỡng

Bên cạnh các chấn thương gãy xương do té ngã, NCT thường gặp phải vấn đề đau nhức xương khớp. Một bộ phận người bệnh tự ý dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, thường tin lời mách bảo về tác dụng chữa đau nhức nhanh với đa số thuốc có chứa corticoid, dẫn đến nhiều biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe bệnh nhân khi sử dụng thời gian dài. Theo BS Lê Nhất Vũ, một trong những tác dụng phụ của corticoid góp phần làm rối loạn chuyển hóa trong xương, gây loãng xương nếu sử dụng lâu dài và không kiểm soát. Không phải loại bệnh đau nhức xương khớp nào cũng sử dụng corticoid.

 Qua quá trình khám, chữa bệnh, BS Lê Nhất Vũ ghi nhận, rất nhiều bệnh nhân tổn thương xương khớp do tự ý dùng thuốc dẫn đến hội chứng cushing, làm da mỏng, dễ tổn thương, xuất huyết dưới da và rối loạn phân bố mỡ các vùng cơ thể. Nghiêm trọng hơn,bệnh nhân có thể lệ thuộc corticoid và suy tuyến thượng thận do biến chứng của việc sử dụng corticoid kéo dài. Loãng xương cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chấn thương xương khớp do té ngã ở NCT. Quá trình loãng xương đến sớm ở phụ nữ hơn nam giới, nhất là giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.

Theo các bác sĩ Chuyên khoa Xương khớp, chế độ dinh dưỡng, tập luyện hàng ngày hết sức quan trọng giúp xương chắc khỏe, làm chậm quá trình loãng xương. BS Lê Nhất Vũ khuyến cáo, NCT nên thực hiện chế độ dinh dưỡng đủ chất trong các bữa ăn hằng ngày, bổ sung các thực phẩm từ thiên nhiên giàu can xi và vitamin D. NCT có thể hỗ trợ dinh dưỡng cho hệ cơ xương khớp từ sữa. Theo một số nghiên cứu cho thấy, nguồn dinh dưỡng từ đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành, có hàm lượng vitamin D và can xi rất cao. Song song đó, NCT cần hạn chế sử dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu bia vì chúng ngăn cản hấp thu các chất dinh dưỡng. Đồng thời thực hiện chế độ vận động hợp lý tùy sức khỏe, nhu cầu từng người, giúp dẻo dai và xương chắc khỏe.

Ngọc933

Cùng chuyên mục

Những điều cần biết khi cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là một phương pháp tránh thai hiện đại, có độ tin cậy cao và đang là sự lựa chọn của rất...

Những điều cần biết về vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết có chứa progesterone, hormone này giúp ngăn chặn hoạt động của chu kỳ nội mạc tử cung do...

Những lưu ý trong đặt vòng tránh thai

Đặt vòng là phương pháp được sử dụng rộng rãi vì chi phí hợp lý, thủ thuật đơn giản và hiệu quả cao, an...

Những điều cần biết về thuốc tiêm tránh thai

Y học phát triển kèm theo các dự luật về kế hoạch hóa gia đình cũng như sự cởi mở trong lối sống khiến cho nhu...