Cảnh báo: Những thành phố lớn cũng có thể rơi vào “vùng lõm tiêm chủng”

Thứ Sáu, 29/05/2020 10:54 AM (GMT+7)

“Vùng lõm tiêm chủng” vốn là cụm từ ngành y tế thường dùng để nói về các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn 90%. Đây là những lỗ hổng khiến cho dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

 “Vùng lõm tiêm chủng” vốn là cụm từ ngành y tế thường dùng để nói về các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn 90%. Đây là những lỗ hổng khiến cho dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Tuy nhiên những năm gần đây, xuất hiện vùng lõm ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh. 

photo1516161038458-1516161038458

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, thứ nhất là do việc lựa chọn vắc xin

Do lo ngại các rủi ro khi tiêm, tại các thành phố lớn, rất nhiều phụ huynh lựa chọn tiêm dịch vụ. Không thể phủ nhận vai trò của tiêm chủng dịch vụ trong việc nâng cao tỷ lệ tiêm phòng những năm gần đây, tuy nhiên cũng tồn tại bất cập. Ví dụ như các phụ huynh thường đợi con đủ 12 tháng để tiêm mũi tổng hợp Sởi – Quai bị - Rubella, trong khi ngay từ 9 tháng con đã có thể tiêm mũi sởi đơn theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Điều này sẽ khiến cho nguy cơ trẻ mắc sởi và lây lan sởi trong cộng đồng cao hơn. Đây chính là lỗ hổng tiêm chủng khiến cho bệnh sởi bùng phát và lây lan mạnh trong những năm 2018, 2019 vừa qua.

Nguyên nhân thứ hai, là do làn sóng “anti vaccine” vẫn còn tồn tại ở một nhóm các phụ huynh thành thị

Trào lưu “anti vaccine” xuất hiện mạnh mẽ ở Việt Nam vào năm 2017. Do tiếp cận các thông tin thiếu cơ sở khoa học trên mạng xã hội, một số phụ huynh có tâm lí lo ngại về sự nguy hại của việc tiêm vắc xin đối với sự phát triển của trẻ nên đã chọn cách không tiêm cho con. Trào lưu này xuất hiện nhiều ở các thành phố lớn, nơi điều kiện tiếp cận mạng xã hội dễ dàng hơn. Hệ luỵ đầu tiên nhìn thấy là dịch sởi đã bùng phát trở lại vào các năm 2018, 2019. Theo Dự án Tiêm chủng mở rộng, năm 2018, ghi nhận 7.585 ca nghi sởi/rubella, trong đó có 3.529 ca được lấy mẫu bệnh phẩm và 1.794 ca dương tính với sởi, tăng gấp 8,4 lần so với số mắc sởi của cả năm 2017 (214 ca) Đến năm 2019, Tại Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ…số ca mắc sởi tiếp tục tăng mạnh so với năm 2018. Theo các bác sĩ, hầu hết các ca mắc bệnh sởi là do chưa tiêm ngừa. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng diễn ra phức tạp hơn. Bình thường dịch sởi xuất hiện vào mùa xuân nhưng vào năm 2019, dịch sởi đã kéo dài cả sang những tháng hè.

Tại Việt Nam, theo Quy định tại Điều 29, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ban hành ngày 21/11/2007 quy định:

- Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.

- Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.

Như vậy, đưa trẻ đi tiêm chủng không chỉ là quyền lợi của trẻ mà còn là trách nhiệm của cha mẹ đã được Luật quy định.

Năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19 dẫn đến giãn cách xã hội, nhiều gia đình chưa cho con đi tiêm các mũi đúng hạn. Thời điểm đầu hè này, trẻ có các nguy cơ mắc sởi, viêm não Nhật bản, Thuỷ đậu…do vậy cần khẩn trương đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thực hiện đầy đủ các mũi tiêm theo quy định của Bộ Y tế.

Phương Liên

Nguyễn Đắc Xuân

Cùng chuyên mục

Dấu hiệu và cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết

Ở Việt Nam, tình trạng mắc sốt xuất huyết không ổn định, các đợt cao điểm thường vào khoảng tháng 6 đến...

Vì sao cần tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ trong 24h sau sinh?

Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao. Một trong những đường lây truyền nguy hiểm nhất của...

Tập huấn và nâng cao năng lực cho cán bộ an toàn vệ sinh thực phẩm

Vấn đề vệ sinh thực phẩm phải luôn được quan tâm không chỉ của các cán bộ mà còn toàn dân.

Kiểm tra và giám sát nghiêm ngặt các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập tỉnh Thanh Hóa

Hiện nay, các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập tỉnh Thanh Hóa xuất hiện nhiều và cần chú ý về chất...