Câu chuyện về “làn sóng bạc đầu”

Thứ Năm, 28/03/2019 09:59 AM (GMT+7)

Khi nhân khẩu từ tuổi 60 trở lên của một quốc gia vượt quá 10% dân số thì nước đó tiến vào xã hội già hóa. “Làn sóng bạc đầu” đang ùn ùn kéo tới và đưa nhiều quốc gia vào nước dân số già.

dan-so-gia-hoa

“Làn sóng bạc đầu” tiến nhanh

Làn sóng bạc đầu tiến rất nhanh, năm 1996 mới chỉ có 70 nước có dân số già. Năm 2016, số quốc gia loại này đã lên tới hơn 100. Và 10 năm tới, nhiều quốc gia sẽ có dân số già, trong đó có Việt Nam.

Dân số già thì nền kinh tế sẽ phát triển chậm lại, do thiếu nguồn lao động chủ lực. Xin lấy một quốc gia đông dân nhất thế giới làm thí dụ. Điều tra dân số của Trung Quốc năm 1964 số người già chiếm 6%. Điều tra dân số năm 1982, số người già tăng lên 8%. Năm 1990, số người già đã chiếm gần 9%. Và hiện nay tỉ lệ người già của Trung Quốc đã trên 10%. Quốc gia này bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2000.

Do tỉ lệ sinh cao nên Trung Quốc thắt chặt chính sách sinh đẻ, mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh 1 con và chính sách này được duy trì suốt 3 thập kỷ. Trong 3 thập kỷ đó, kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh, có năm GDP đạt tới 2 con số, đứng đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế. Nhưng tỉ lệ sinh thấp thì tỉ lệ người già sẽ tăng cao. Kết quả là kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, năm 2018, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn Việt Nam.

 Đến lúc này thì giới lãnh đạo Trung Quốc thấy cần phải bãi bỏ chính sách 1 con, nhưng hầu hết các cặp vợ chồng trẻ đều không muốn đẻ thêm nữa, vì vậy "làn sóng bạc đầu" vẫn là một thách thức lớn của Trung Quốc.

dan-so-gia-4

Hiểm họa…

“Làn sóng bạc đầu” làm kinh tế phát triển chậm lại, trong khi các khoản chi xã hội thì tăng lên hàng năm, lương hưu tăng lên, trợ cấp xã hội tăng lên, tạo thành gánh nặng tài chính đáng kể. Chính phủ Việt Nam cũng đang trợ cấp thường xuyên cho những người 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu. Đây là một chính sách đầy nhân văn nhưng cũng làm gánh nặng tài chính quốc gia tăng lên.

“Làn sóng bạc đầu” cũng ảnh hưởng lớn đến đạo đức, đời sống xã hội và đe dọa gia đình truyền thống. Ở các bệnh viện lớn hiện nay, đội ngũ điều dưỡng viên tự nguyện rất đông. Các cụ đầu bạc vào nằm viện, con cháu thuê người chăm sóc. Như vậy tình cảm gia đình không thể không bị ảnh hưởng xấu.

Tết Kỷ Hợi vừa rồi, nhiều cụ già ăn tết tại các trại dưỡng lão và các trung tâm bảo trợ xã hội, vì con cái không đón bố mẹ về ăn Tết. “Muốn biết phúc nước thì nhìn vào dân. Muốn biết phúc nhà thì nhìn vào con cháu”, ngày xưa Nguyễn Công Trứ đã viết như vậy. Với các cụ già, đón mùa xuân không chỉ cần có bánh chưng giò chả, hoa đào mà cần nhất là con cháu sum vầy.

“Làn sóng bạc đầu” đặt các quốc gia vào những thách thức tổng thể, đòi hỏi những thay đổi về chính sách kinh tế xã hội.

Cộng hòa Pháp là nước già hóa dân số đầu tiên. Nước Pháp phải đối diện với làn sóng bạc đầu từ giữa thế kỷ thứ 19. Vì thế đây cũng là quốc gia có nhiều kinh nghiệm nhất trong việc ứng phó với làn sóng bạc đầu. Nước Pháp có một hệ thống chính sách an sinh xã hội rất tốt nên cho dù sóng bạc đầu ùn ùn kéo tới nhưng quốc gia này vẫn ổn định.

Chính phủ Pháp nuôi trẻ con từ khi còn là thai nhi 3 tháng tuổi trong bụng mẹ và nuôi tiếp cho đến khi trẻ học hết bậc phổ thông. Nhờ chính sách đó mà các cặp vợ chồng Pháp không ngại đẻ, do đó tỉ lệ người già ở Pháp tăng không đáng kể sau hơn 1 thế kỷ. Chính phủ Bồ Đào Nha thưởng lớn cho các đôi vợ chồng sinh con thứ 2 và thứ 3.

Nhiều năm nay, dân số Bồ Đào Nha tăng trưởng âm. Khi dân số tăng trưởng âm thì tỉ lệ người già sẽ rất cao và sự tồn vong của dân tộc bị đe dọa. Singapore cũng có chính sách ưu đãi cụ thể đối với các cặp vợ chồng chịu đẻ thêm, vì đất nước này đang trong tình trạng dân số không tăng trưởng. Chính phủ Nhật Bản cũng có chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng đẻ thêm, nhưng họ vẫn không muốn đẻ thêm. Thậm chí có 23% thanh niên Nhật không muốn lấy vợ hoặc họ chỉ cưới con búp bê hoặc những nhân vật ảo trong phim hoạt hình.

Thiếu lao động là vấn đề lớn của nước Nhật. Chính phủ Nhật đã phải nới rộng chính sách nhập cảnh, nhập quốc tịch để giải quyết vấn đề thiếu lao động. Tăng tuổi nghỉ hưu cũng là một giải pháp ứng phó với làn sóng bạc đầu. Người già được tiếp tục làm việc sẽ thấy thoải mái hơn, vui hơn, khỏe hơn mà cũng không tranh mất chỗ làm của thế hệ trẻ. Kinh nghiệm, kĩ năng, tay nghề của người già cần được phát huy, điều này giúp khắc phục tình trạng thiếu lao động. Trong tiến trình tới, Việt Nam cũng sẽ tăng tuổi nghỉ hưu và động viên người già tiếp tục làm việc.

Trước “làn sóng bạc đầu”, nhiều nước tiên tiến đã đưa ra mô hình: Dân số, môi trường, xã hội, kinh tế, trong đó dân số được đặt lên hàng đầu. Tất cả các quốc gia đều phải có cơ quan chuyên trách về dân số. Cơ quan này sẽ tham mưu cho Chính phủ đề ra chiến lược phát triển dân số một cách thông minh nhất.

Một chính sách kinh tế không hợp lý có thể sẽ được khắc phục trong 1 năm, thậm chí 1 tháng, nhưng một chính sách dân số sai lầm thì phải một thế hệ, thậm chí nhiều thế hệ mới khắc phục được. Những chính sách ứng phó với “làn sóng bạc đầu” phải được thực hiện càng sớm càng tốt. Nếu để sóng ập vào rồi mới tìm cách khắc phục thì quá muộn.

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...