Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Đắk Nông

Thứ Bảy, 07/09/2019 02:04 PM (GMT+7)

Từ năm 2019, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đắk Nông bắt đầu triển khai Đề án "Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) dựa vào cộng đồng giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông".

dack-nong

Tư vấn, khám sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng ở Đắk Nông. Ảnh: Vũ Trang

Với những giải pháp thiết thực, phù hợp, việc triển khai Đề án sẽ từng bước đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT trên địa bàn nhằm ứng phó với những thách thức của vấn đề già hóa dân số.

Giúp NCT tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ y tế

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 29.000 NCT, tăng hơn 2.000 người so với năm 2017. Tỷ lệ NCT tăng nhanh đồng nghĩa với gánh nặng bệnh tật kép, đặc biệt là các bệnh mạn tính không lây như tiểu đường, huyết áp, tim mạch… ngày càng cao. Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình cả nước có khoảng 95% NCT mắc bệnh, chủ yếu là bệnh mạn tính. Điều này đòi hỏi công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT phải được quan tâm hơn nữa, trong đó y tế đóng vai trò nòng cốt.

Thời gian qua, để chủ động ứng phó với vấn đề già hóa dân số cũng như đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho NCT, ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cũng như mở rộng độ bao phủ dịch vụ y tế cho NCT. Qua đó, NCT trên địa bàn dễ dàng được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương. Hiện nay, hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn đều có điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có hơn 16.000 NCT được khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, hàng năm, ngành Y tế cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho NCT tại cộng đồng, kết hợp với tuyên truyền, giáo dục về chính sách, pháp luật liên quan đến NCT, mô hình chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng… Đặc biệt, trong năm 2018, ngành Y tế đã phê duyệt Đề án thành lập khoa Lão-Tim mạch thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh và dự kiến, trong năm 2019 sẽ đi vào hoạt động với quy mô một phòng khám, 30 giường bệnh. Đến năm 2020, khoa sẽ hoạt động ổn định với quy mô 50 giường bệnh.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, việc thành lập khoa Lão-Tim mạch là một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án nhằm giúp NCT trên địa bàn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên sâu ngay tại địa phương. Đối với NCT, việc điều trị, chăm sóc sẽ có sự khác biệt so với những đối tượng khác. Bởi lẽ, NCT chủ yếu mắc các bệnh mạn tính và có thể mắc đồng thời nhiều bệnh, cho nên việc chữa trị đòi hỏi thời gian lâu dài và phải được theo dõi thường xuyên. Do đó, cùng với việc thành lập và đưa vào hoạt động khoa Lão-Tim mạch, năm 2019, ngành Y tế cũng triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung và NCT nói riêng một cách cơ bản, liên tục, toàn diện.

Cần sự quan tâm của toàn xã hội

Đề án "Chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông" đặt ra một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025 như: 80% NCT có khả năng tự chăm sóc, được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe; 80% NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe; 90% NCT khi bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe; 100% NCT có thẻ BHYT; 100% NCT không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng…

Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, để thực hiện tốt các mục tiêu trên, cùng với tiếp tục khảo sát, đánh giá thực trạng chăm sóc sức khỏe NCT trên địa bàn, ngành phối hợp với các ngành, địa phương triển khai những hoạt động, giải pháp phù hợp. Theo Đề án, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2025 là nâng cao nhận thức của lãnh đạo, các cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và nhân dân về thực trạng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe NCT. Để làm được điều đó, công tác truyền thông giáo dục cần được tập trung đẩy mạnh với nhiều hình thức.

Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng tích cực phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường các giải pháp nhằm từng bước củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám, chữa bệnh cho NCT, phát triển nguồn nhân lực chăm sóc NCT; hỗ trợ, tạo điều kiện cho NCT tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và nâng cao sức khỏe tinh thần tại cộng đồng… Tuy nhiên, để NCT được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất, cùng với nỗ lực của ngành Y tế còn rất cần sự quan tâm, chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...