Chính phủ quyết liệt, người dân đồng lòng: Tất thắng đại dịch COVID-19

Thứ Tư, 01/04/2020 07:59 PM (GMT+7)

Nhìn lại quá trình phòng, chống dịch Covid-19 những ngày vừa qua tại Việt Nam, sẵn sàng bước vào giai đoạn cách ly xã hội 15 ngày, quyết tâm chung sức đồng lòng đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Thủ đô Hà Nội, những ngày cuối tháng 3/2020… Khắp các tuyến phố khoác lên mình một vẻ đìu hiu, vắng lặng mà nếu chỉ nhìn qua ảnh người ta có thể nhầm đây là Hà Nội của những dịp Tết Nguyên đán. Thỉnh thoảng có lác đác vài ba người đi trên phố, nhịp sống của phố phường chậm lại hẳn. Ai cũng hiểu, vào lúc này, chậm là để nhanh, để mau chóng và quyết liệt đẩy lùi kẻ địch nguy hiểm đang gây hại cho nhân loại, đó là virus SARS-CoV-2.

Ngày 23/1/2020, Việt Nam công bố hai trường hợp đầu tiên dương tính virus nCoV là hai cha con người Trung Quốc. Nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, Việt Nam đã ngay lập tức đề ra các biện pháp phòng, chống bệnh, thậm chí cao hơn mức được khuyến nghị.

Vào ngày 26/1, tức mùng 2 Tết Canh Tý, chủ trì cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp do virus nCoV, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Tinh thần chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tập trung ở mức cao nhất để phát hiện kịp thời, sớm nhất có thể các trường hợp nghi ngờ lây nhiễm, khoanh vùng, cách ly tuyệt đối, theo dõi chăm sóc thật tốt và xét nghiệm, nhất định không để dịch lây lan rộng trong cộng đồng ở Việt Nam. Dù phải hy sinh lợi ích kinh tế cũng phải đặt công tác phòng, chống dịch lên trên."

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào Việt Nam, các biện pháp quyết liệt, toàn diện liên tục được Chính phủ đưa ra để để bảo vệ sức khoẻ của người dân, cộng đồng, giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực đối với kinh tế, xã hội: Kiểm soát chặt chẽ hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu, tổ chức cách ly, quản lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; Liên tục cập nhật, cung cấp thông tin và khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; Tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng tung tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh; Thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh; Khuyến cáo người dân hạn chế đến vùng có dịch, và cả các nước có người nhiễm bệnh; Bộ GD&ĐT triển khai các công việc ứng phó với dịch bệnh nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh, sinh viên. Bộ VH-TT-DL ra công điện yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành quốc tế tạm dừng tổ chức các đoàn khách du lịch tới các tỉnh, thành phố đang có dịch, có người nhiễm bệnh và không đón khách du lịch từ vùng có dịch vào Việt Nam.

Tối ngày 6/3/2020, Việt Nam xác nhận ca thứ 17 dương tính với COVID-19, cũng là ca bệnh đầu tiên tại Hà Nội. Con số này tiếp tục tăng lên, cuộc chiến chống dịch bước vào giai đoạn 2. Các biện pháp chống dịch lại được đưa ra quyết liệt, ráo riết hơn nữa bởi “Giai đoạn 2 khó hơn giai đoạn đầu khi dịch đã lan ra hơn 100 nước. Chúng ta phải ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả thay vì một vài ngả như trước đây”.

Trước tình hình số ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng, có nguy cơ lây lan rộng ra cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu đóng cửa các dịch vụ không cần thiết để hạn chế tối đa tụ tập đông người. Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác.

Thủ tướng yêu cầu cần phải: "Trên dưới đồng lòng, anh em đoàn kết, tất cả cùng hiệp đồng tác chiến, phản ứng nhanh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa với từng tình huống xảy ra trên từng địa bàn. Có như vậy, chúng ta có niềm tin chiến thắng đại dịch COVID-19 ở các thành phố lớn của Việt Nam và thành công của các thành phố lớn chính là thành công cho cả nước”...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị người dân thực hiện tốt 5 việc thiết yếu gồm:

1. Hạn chế tối đa ra khỏi nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết;

2. Nếu ra ngoài thì luôn luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn với người tiếp xúc (tối thiểu 2m);

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn;

4. Vệ sinh nhà cửa thông thoáng, sinh hoạt lành mạnh;

5. Khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khoẻ hằng ngày và giữ liên lạc với cán bộ y tế.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải quyết liệt kiểm soát dịch bệnh cả từ hai nguồn, từ ngoài vào và từ trong nước. Các cấp chính quyền tiến hành "đi từng ngõ, gõ từng nhà", xác định đầy đủ các trường hợp đã nhập cảnh, những người tiếp xúc gần, có biện pháp cách ly và theo dõi y tế phù hợp.

Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận: “Chúng ta ứng xử trong giai đoạn này như trong thời chiến. Đó là một cuộc chiến không có tiếng súng. Vì vậy, việc giữ cho mình an toàn vượt qua ngưỡng 2 tuần này là quan trọng nhất, mọi người dân phải thực hiện việc này một cách tự giác”.

Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đội ngũ y tế, lực lượng quân đội, công an, tình nguyện viên, chính quyền địa phương cũng đang ngày đêm căng mình chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân.Thời điểm dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc, Việt Nam đã cử đội bay cảm tử bay sang vùng dịch để đưa người Việt đang sinh sống tại Trung Quốc về nước, không để họ kẹt trong tâm dịch. Hơn hai tháng kể từ đó, dịch bệnh bùng phát ở châu Âu. Việt Nam không đắn đo, tiếp tục đưa những chuyến bay sang vùng dịch bệnh hoành hành đón kiều bào, du học sinh trở về. Bác sĩ, phi hành đoàn trang bị kĩ lưỡng, chấp nhận có thể nhiễm bệnh, chấp nhận cách ly sau khi trở về.

Có những giọt nước mắt đã rơi khi máy bay hạ cánh về đến quê hương. Với họ, lúc này bệnh hay không bệnh không còn là vấn đề lớn, quan trọng là về được Việt Nam. Về đến Việt Nam là về nhà, là tăng cơ may được sống, được bình an.

Sân bay hỗn loạn nhưng sự kiểm dịch được tổ chức rất sát sao. Điều đó chứng tỏ rằng khi cả thế giới còn đang chờ đợi thì Việt Nam đã sẵn sàng rồi". Những dòng chia sẻ của chàng trai người Anh Gavin Wheeldon trong quá trình cách ly tại một doanh trại ở Sơn Tây, Hà Nội đã chạm đến trái tim của nhiều cư dân mạng không chỉ trong nước mà còn cả bạn bè quốc tế.

Giờ đây, chúng ta có 2 tuần để hành động. Virus sẽ lây lan nhanh hơn hành động của chúng ta nếu chúng ta không triển khai phòng chống kịp thời, quyết liệt. Mỗi người dân phải có trách nhiệm với sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của mình và những người xung quanh; đồng thời có trách nhiệm với cộng đồng, đất nước, thực hiện thật tốt hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Cách ly xã hội, hạn chế tiếp xúc và hạn chế ra ngoài là nỗ lực của toàn thế giới lúc này để chặn đà tiến của dịch Covid-19. Hãy nhớ rằng, tạm thời xa cách lúc này chính là biểu hiện của sự yêu thương và bảo vệ lẫn nhau. Dù phải giữ khoảng cách về không gian nhưng chúng ta lại ở rất gần nhau về ý chí và quyết tâm dập tắt dịch bệnh. Hai tuần là để Hà Nội, TP.HCM hay bất kỳ đâu trên mảnh đất hình chữ S này lấy lại được nhịp sống và sự bình yên vốn có của nó, lấy lại được nụ cười và sự gần gũi, quan tâm nhau như truyền thống bao đời nay của người dân đất Việt.

Phương Linh/Thanh Thúy/Thế Ân/Đình Nam/Tiến Dương/Thanh Huyền

Trần Thị Hải Yến

Cùng chuyên mục

Dấu hiệu và cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết

Ở Việt Nam, tình trạng mắc sốt xuất huyết không ổn định, các đợt cao điểm thường vào khoảng tháng 6 đến...

Vì sao cần tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ trong 24h sau sinh?

Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao. Một trong những đường lây truyền nguy hiểm nhất của...

Tập huấn và nâng cao năng lực cho cán bộ an toàn vệ sinh thực phẩm

Vấn đề vệ sinh thực phẩm phải luôn được quan tâm không chỉ của các cán bộ mà còn toàn dân.

Kiểm tra và giám sát nghiêm ngặt các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập tỉnh Thanh Hóa

Hiện nay, các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập tỉnh Thanh Hóa xuất hiện nhiều và cần chú ý về chất...