Chủ động tránh thai, trách nhiệm không của riêng ai

Thứ Hai, 23/09/2019 07:20 AM (GMT+7)

Tại Việt Nam, vẫn có 250 - 300 nghìn ca phá thai mỗi năm được thông báo chính thức. Kết quả Điều tra biến động dân số và KHHGĐ ngày 1/4/2016 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi 15 - 49 đang có chồng thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn.

tranh-thai

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm, có khoảng 85 triệu ca có thai ngoài ý muốn; 56 triệu ca phá thai, trong đó, có tới 25 triệu ca phá thai không an toàn. Chi phí điều trị hàng năm do phá thai không an toàn được ước tính là 553 triệu đô la Mỹ.

Tại Việt Nam, vẫn có 250 - 300 nghìn ca phá thai mỗi năm được thông báo chính thức. Kết quả Điều tra biến động dân số và KHHGĐ ngày 1/4/2016 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi 15 - 49 đang có chồng thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn.

Chị em phụ nữ cần phòng tránh thai an toàn vì lợi ích của chính mình và cộng đồng

Nguyên nhân mang thai ngoài ý muốn được biết là do không áp dụng biện pháp tránh thai; do thất bại của các biện pháp tránh thai (sử dụng không đúng cách, sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống kém hiệu quả) và do nhu cầu không được đáp ứng - có nhu cầu KHHGĐ nhưng không được cung cấp biện pháp tránh thai, không tiếp cận được dịch vụ.

Phá thai không an toàn khiến phụ nữ gặp nhiều tai biến, hậu quả xấu về sức khỏe sinh sản như vô sinh (do tắc dính buồng tử cung, vòi trứng), chửa ngoài dạ con, băng huyết, sót rau, thủng tử cung, nhiễm trùng, thậm chí tử vong.

Trên cơ sở đó, ngày 26/9/2007, với sự liên minh của 11 tổ chức phi chính phủ và các Hiệp hội Khoa học và Y khoa quốc tế quan tâm đến sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản đã thống nhất phát động lấy ngày 26/9 hàng năm là Ngày Tránh thai thế giới, lần đầu tiên được tổ chức năm 2007 tại châu Âu.

Ngày Tránh thai thế giới có ý nghĩa như một Chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người đều có thể chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), phòng tránh thai an toàn mang lại rất nhiều lợi ích như: Giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ của mình như chủ động trong thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra; tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Bên cạnh đó, phòng tránh thai giúp mỗi gia đình có đủ 2 con, không sinh quá nhiều. Từ đó, có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn, nâng cao đời sống, kinh tế của mỗi gia đình.

Các hoạt động ý nghĩa trong khuôn khổ Chương trình "Là phụ nữ, tôi chọn sống chủ động"

Thời gian qua, Tổng cục DS-KHHGĐ đã có nhiều hoạt động thiết thực trong việc nâng cao nhận thức của người dân về phòng tránh thai an toàn, trong đó, Chương trình "Là phụ nữ, tôi chọn sống chủ động" do Tổng cục DS-KHHGĐ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Công ty Bayer Việt Nam thực hiện đã đạt được rất nhiều kết quả đáng khích lệ.

Từ tháng 10/2016 đến nay, Chương trình đã tiếp cận đến khoảng 40 triệu chị em phụ nữ trên cả nước với 2 hình thức tuyên truyền chủ yếu là: Chuỗi Hội thảo tại 19 địa phương và các kênh truyền thông trực tuyến để tăng sự tương tác với các chị em trên khắp mọi nơi.

Năm 2017, Chương trình đã tổ chức liên tiếp 12 Hội nghị chuyên đề phổ cập kiến thức phòng tránh thai tại 12 tỉnh thành với hơn 1.200 chị em tham gia. Tiếp đó, đến năm 2018, Chương trình tiếp tục tổ chức thêm 15 buổi Hội thảo, hơn 1.500 chị em phụ nữ đã được phổ biến về kiến thức tránh thai an toàn. 

Năm 2018, Đoàn Thanh niên với vai trò là đơn vị kế thừa đã tích cực hưởng ứng và tham gia vào Chương trình. Tuy là một "chiến binh" mới nhưng đã nhanh chóng tạo nên một mảnh ghép hoàn chỉnh để đảm bảo Chương trình không chỉ được lan tỏa sâu rộng đến mọi vùng miền trên cả nước mà còn giúp giới trẻ trang bị từ rất sớm các kiến thức tránh thai an toàn và hiệu quả. 

Đến nay, Chương trình đã được tổ chức tại 17 trường Đại học trên cả nước và thu hút hơn 5.534 sinh viên cùng tham gia, hưởng ứng. Trong đó, Đại học Tây Đô là trường có số lượng sinh viên tham gia cao nhất với hơn 3.500 sinh viên.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Chương trình, các cuộc thi online "Hiểu về tránh thai"; "Cùng viết câu chuyện truyền cảm hứng"; "Sinh viên sống chủ động" được tổ chức trên website: www.phunusongchudong.suckhoegiadinh.com.vn đã tạo ra phong trào thi đua sôi nổi trên cả nước với hơn 428 nghìn chị em phụ nữ tham gia. Tính đến tháng 4/2019 đã có hơn 500 bài viết truyền cảm hứng được gửi về chương trình và có hơn 100 bài dự thi đạt giải thưởng.

Ngoài ra, thông qua cổng thông tin trực tuyến của Chương trình, hơn 600 câu hỏi của chị em phụ nữ về các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản và các biện pháp tránh thai đã được giải đáp; thông điệp "Chủ động tránh thai, tròn vai thiên chức" được lan tỏa trên các phương tiện thông tin đại chúng. Fanpage "Phụ nữ sống chủ động" và "Sinh viên sống chủ động" của Chương trình đã nhận được hơn 162.000 người theo dõi tương tác thường xuyên.

Với những thành công trên, cùng với cam kết đồng hành của công ty TNHH Bayer Việt Nam, thời gian tới, Tổng cục DS-KHHGĐ và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tiếp tục xây dựng thực hiện Chương trình góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phòng tránh thai an toàn.

Nhân kỷ niệm lần thứ 12, Ngày Tránh thai thế giới 26/9 năm nay, Tổng cục DS-KHHGĐ phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và công ty TNHH Bayer tổ chức Hội thảo Hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới với chủ đề "Chủ động tránh thai, trách nhiệm không của riêng ai" nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng về nguyên nhân của việc mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, lợi ích của việc tránh thai cũng như kêu gọi sự quan tâm và nhiều nỗ lực hơn nữa từ các cơ quan có liên quan đặc biệt là cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.

Sự kiện ý nghĩa này được tổ chức ngày 23/9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 35 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội với sự tham gia của trên 500 đại biểu bao gồm: Lãnh đạo Bộ Y tế, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đại diện 10 Bộ, ngành đoàn thể Trung ương, các Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh/TP, đại diện cán bộ làm công tác dân số, chị em phụ nữ và sinh viên.

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...