Chuyện của phóng viên dân số: Lần đầu được nghe thuật ngữ "lạ"

Thứ Năm, 20/06/2019 07:34 AM (GMT+7)

Trong quãng thời gian 1 năm làm phóng viên viết về mảng dân số, dù ngắn ngủi nhưng đối với tôi như một trải nghiệm giúp mình “cứng cáp” hơn.

 Những ngày ấy, tôi nhớ mãi chuyến công tác tại Phú Thọ, khi tôi - một phóng viên nam tiếp cận các nữ nạn nhân bạo lực gia đình tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đoan Hùng đã suýt bị gã chồng vũ phu của nạn nhân giật máy ảnh và đòi đánh.

pv-dan-so

PV Báo GĐ&XH có mặt ở nhiều bản người dân tộc Mông, Xinh Mun vùng biên giới Sơn La để viết về tình trạng tảo hôn. Ảnh: N.Huy

Lần đầu được nghe những thuật ngữ “lạ”

Trong gần 10 năm công tác tại Báo Gia đình & Xã hội, có lẽ những kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với tôi là thời gian thử việc ở Phòng Dân số. Là phóng viên nam, tôi chủ động xin đi công tác địa phương để có thêm kinh nghiệm và đề tài hay. Chuyến đi đầu tiên vào dịp cuối tháng 10/2009, tôi xung phong lên Sơn La - tỉnh biên giới miền núi Tây Bắc mà tôi tìm hiểu sẽ có nhiều đề tài hay mặc dù sẽ vất vả. Trước khi đi, “hành trang” được tôi mang theo là những lời dặn dò ân cần của Trưởng phòng Đỗ Nhật Trường: “Viết về dân số có nhiều “thuật ngữ” chuyên ngành. Em cố gắng tìm hiểu thật kỹ, xin tài liệu… Khi nào về anh giải thích, có gì sẽ sửa chữa ở trên bài sau”.

Từ Hà Nội phải mất hơn 6 giờ ngồi xe khách, tôi đã có mặt tại TP Sơn La. Điểm đầu tiên là Chi cục DS/KHHGĐ, tôi được Ban lãnh đạo Chi cục tiếp đón nhiệt tình, được Phó Chi cục trưởng Trần Đình Thuận cung cấp rất nhiều thông tin về ngành Dân số địa phương. Vậy là lần đầu tiên, tôi được nghe đến “thuật ngữ lạ” như: Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên; tỷ lệ sinh; thống kê các trường hợp sử sụng các biện pháp tránh thai; đặt vòng tránh thai; cấy thuốc tránh thai; sử dụng bao cao su…

Sau khi làm việc xong tại Chi cục DS/KHHGĐ Sơn La, tôi qua làm việc tại Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Sau khi bày tỏ mong muốn được đi đến các đồn biên phòng để tìm hiểu về công tác khám chữa bệnh của quân y biên phòng, nạn tảo hôn tại địa bàn biên giới, Thượng tá Tô Xuân Tiến - Chủ nhiệm Quân y Biên phòng Sơn La lúc bấy giờ giới thiệu đến 2 đồn biên phòng. Sáng hôm sau, trên chiếc xe u oát, chúng tôi đến vùng biên giới Việt - Lào, rồi quanh co mất vài giờ lần lượt đến 2 đồn biên phòng Phiêng Pằn (Mai Sơn) và Đồn biên phòng 461 (huyện Yên Châu).

Ngoài tìm hiểu thông tin về công tác tuyên truyền dân số, xóa đói giảm nghèo tại khu vực 2 đồn biên phòng, tôi “tranh thủ” nhờ các chiến sĩ biên phòng đưa tới bản Phiêng Pằn để tìm hiểu về nạn tảo hôn của người Mông và người Xinh Mun; tới thăm gia đình chị Vì Thị Sỏng lấy chồng từ 16 tuổi, mới 36 tuổi đã có 5 con và chị Vạc Thị Máy, 20 tuổi nhưng 2 mặt con, đứa lớn đã gần 4 tuổi, đứa nhỏ hơn 1 tuổi... Sau khi chia tay các chiến sĩ biên phòng, tôi tiếp tục bắt xe đến các bản người Mông ở huyện Bắc Yên, huyện Phù Yên để tiếp tục tìm hiểu về nạn tảo hôn.

Trong chuyến công tác này, tôi đã “thu hoạch” được kết quả ưng ý là các bài viết để đăng trên các ấn phẩm của báo. Đó là các bài viết về công tác dân số tỉnh Sơn La, Hội Phụ nữ tỉnh Sơn La với công tác dân số, nạn tảo hôn, các chiến sỹ biên phòng Sơn La khám chữa bệnh “kiêm” công tác tuyên truyền KHHGĐ… Đặc biệt là trải nghiệm thú vị đầu tiên của một phóng viên nam viết về dân số.

Suýt bị đánh ở bệnh viện

 Sau chuyến đi Sơn La, tôi lại tiếp tục có thêm các chuyến công tác ở Hòa Bình, Nam Định, Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Ninh… trong đó, góp mặt tại các ngày hội chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình ở huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), Giao Thủy, Vụ Bản (tỉnh Nam Định)… Dù là nam giới tác nghiệp tại nơi có nhiều phụ nữ tham gia tư vấn về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, nhất là các ca khám, siêu âm… song được sự giúp đỡ của cán bộ dân số địa phương nên người dân hiểu và tạo điều kiện để nhà báo tác nghiệp.

Có một kỷ niệm tôi nhớ mãi không quên. Đó là chuyến công tác tại huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), tôi đến Trung tâm DS/KHHGĐ huyện Đoan Hùng và được giới thiệu sang Bệnh viện Đa khoa huyện Đoan Hùng để tìm hiểu các trường hợp nạn nhân bạo lực gia đình. Tại đây, BS Nguyễn Ngọc Quang, Phòng khám Tư vấn chăm sóc sức khoẻ phụ nữ của Bệnh viện thông tin thực tế buồn trên địa bàn xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình. Mỗi ngày có từ 3 - 4 phụ nữ phải nhập viện do bị chồng bạo hành, hoặc những trường hợp đến xin tư vấn, trợ giúp ngày càng nhiều. Mỗi câu chuyện là một mảnh đời bất hạnh, tâm sự đẫm nước mắt của những người phụ nữ vừa chịu đau đớn về thể xác, vừa phải giấu giếm xin trợ giúp vì nếu chồng biết họ sẽ lại tiếp tục bị đánh.

Một trường hợp bị chồng bạo hành khi còn khá trẻ là chị Đ.T.L (25 tuổi, ở xã Chí Đán, huyện Đan Hùng) đã phải nhập viện trong tình trạng bị thương ở nhiều nơi trên cơ thể. Vừa dẫn tôi xuống phòng bệnh nhân, BS Nguyễn Thế Dũng (Khoa Cấp cứu) cho biết, Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân này vào hơn 10h đêm hôm trước, chị Đ.T.L bị chồng dùng thanh sắt cài cửa dài hơn 40cm đánh, mặc cho vợ khóc lóc, van xin. Khi nhiều người thân đến can ngăn thì chồng mới chịu dừng tay và mọi người đưa chị đi cấp cứu. Cũng theo BS Dũng, nạn nhân nằm viện song chồng vẫn không tỏ ra ăn năn, hối lỗi mà liên tục đến quấy rối, cản trở việc khám chữa, chăm sóc của các nhân viên y tế.

Khi chúng tôi gặp chị Đ.T.L, sau những câu hỏi han về tình trạng sức khỏe và kể lại câu chuyện bị hành hung, bất ngờ từ cửa ra vào có giọng người đàn ông quát lớn: “Các ông làm gì thế này? Tôi là chồng của cô ấy. Gia đình tôi đang hạnh phúc. Các ông quay với chụp cái gì?”. Đồng thời người đàn ông khoảng 35 tuổi khá lực lưỡng này vừa quát tháo, vừa xông vào đòi cướp máy ảnh và vung tay định đánh tôi. Rất may, do biết trước người đàn ông ngỗ ngược này nên đông đảo các bác sỹ, y tá của bệnh viện đã can ngăn kịp thời nên anh ta chưa thể “động thủ”, cho tôi có thời gian ra khỏi phòng. Người chồng liên tục chửi bới, đe dọa và đuổi hết mọi người ra khỏi phòng và đóng sập cửa phòng lại.

Bên ngoài, chúng tôi vẫn còn nghe thấy tiếng chị Đ.T.L khóc, kèm theo đó là những lời than thân trách phận lấy phải người chồng ngỗ ngược. Các bác sỹ của Bệnh viện phải rất vất vả khuyên người chồng bình tĩnh và nếu người nhà bệnh nhân tiếp tục quấy rối sẽ gọi công an đến can thiệp. Sau đó gã chồng chị L mới mở cửa kèm điều kiện không cho vợ tiếp xúc người lạ, không được quay chụp gì, nếu ai cố tình sẽ “xử lý”…

Khi ra khỏi bệnh viện, để tránh bị rình rập, tôi được các bảo vệ Bệnh viện canh chừng người lạ và đưa ra an toàn để tiếp tục hành trình tác nghiệp tại địa bàn khác.

Duyen

Cùng chuyên mục

Chương trình Tọa đàm Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh

Hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới 8/5 năm 2024, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng dịch vụ dân số,...

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...