Chuyện một cán bộ dân số vùng cao yêu nghề

Thứ Tư, 01/05/2019 06:44 AM (GMT+7)

Đó là chị Cao Thị La, cán bộ chuyên trách dân số xã Liên Sang (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa). Gần 20 năm qua, chị đã âm thầm giúp đỡ nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã giảm sinh, nâng cao chất lượng sống, xây dựng mô hình gia đình 2 con phát triển ổn định.

can-bo-dan-so

 Chị La (bìa trái) tuyên truyền giảm sinh tại nhà người dân. Ảnh: Trang Nguyễn

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”

Liên Sang là một xã miền núi nằm phía tây của huyện Khánh Vĩnh, cách trung tâm huyện 14 km, người dân sinh sống chủ yếu dựa vào núi rừng, nương rẫy, trình độ dân trí thấp. Toàn xã có 1.932 nhân khẩu, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 2/3, chủ yếu là người Raglai, H’rê, Tày, Cơ Ho, Ê Đê. Đa số bà con có cuộc sống khó khăn, trẻ em không được đến trường.

Chị La cho biết, địa bàn nhiều dân tộc khác nhau nên phong tục tập quán cũng khác nhau, vì vậy công tác vận động thời gian đầu cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu chịu khó giải thích cho bà con hiểu, một người làm được thì cả xóm sẽ làm theo. Hiểu được vậy, ban đầu chị La vận động chị em trong gia đình thực hiện trước để làm gương. Sau đó chị mới gặp gỡ bà con hàng xóm vận động làm theo. Do đặc thù vùng núi, hầu hết bà con đều lên nương rẫy từ rất sớm nên chị phải đi đến nhà bà con tuyên truyền vào ban đêm. Các buổi sinh hoạt nhóm chị cũng tổ chức vào buổi tối, sinh hoạt đến tận khuya mới về. Để đạt hiệu quả, chị còn lập danh sách phân luồng đối tượng để truyền thông cho phù hợp. Các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con chị truyền thông các biện pháp tránh thai hiện đại. Gia đình có con vị thành niên, thanh niên chị đề cập đến Luật Hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, sàng lọc trước sinh sơ sinh cho bà mẹ mang thai...

Để trau dồi kiến thức tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu và thực hiện tốt hơn, chị La thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kiến thức, tìm tòi đọc sách báo để tìm ra cách nói chuyện phù hợp, thuyết phục. Mưa dầm thấm lâu, dần dần bà con hiểu ra và thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản tốt hơn. Đến nay, chị La đã tham gia ngành được 16 năm nhưng chưa lúc nào chị cảm thấy nản chí. Trong những lần đi vận động, có hộ gia đình nào không đồng ý thực hiện, chị tiếp tục phối hợp với già làng, trưởng thôn, chính quyền địa phương đến nhà vận động, thuyết phục và theo dõi cho đến khi thực hiện. “Tôi cũng là người dân tộc thiểu số nên hòa đồng, thấu hiểu suy nghĩ và biết cách nói cho bà con hiểu. Cuộc sống của bà con quanh năm cơm không đủ no, những đứa trẻ con nheo nhóc, còi cọc bên nhà tranh vách đất. Những hình ảnh đó đã thôi thúc tôi tiếp tục gắn bó với công việc. Hơn nữa tôi còn làm công tác phụ nữ xã nên thường xuyên gặp gỡ, giúp người dân vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Hộ nào thực hiện tốt chính sách dân số thì được ưu tiên. Nhờ vậy công việc vận động ngày càng hiệu quả hơn”, chị La nói.

Tâm huyết với nghề, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm

Chị Cao Thị Ni La, 33 tuổi, ở thôn Chà Liên kể, khi chị sinh cháu thứ 2 xong, lo lắng chưa biết kế hoạch hóa gia đình như thế nào thì được chị La đến nhà hướng dẫn tận tình và tư vấn cho chị uống thuốc tránh thai. “Năm nay con thứ 2 của tôi đã 10 tuổi, còn tôi sức khỏe ổn định. Con cái tôi được đến trường, ăn học đầy đủ”, chị Ni La nói. Chị Cao Thị Linh, cộng tác viên thôn Chà Liên cũng cho biết, gia đình chị La luôn gương mẫu, 2 con học giỏi lễ phép, chồng chị luôn ủng hộ vợ tham gia công tác xã hội. Chị La rất tâm huyết với nghề, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay cho đội ngũ cộng tác viên và luôn động viên tinh thần cho chị em lúc khó khăn. Nhiều trường hợp người dân khó tiếp cận, chị đồng hành cùng giải quyết. Vì vậy, chị được bà con luôn tin yêu và quý mến.

Ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng khoa Dân số - Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh đánh giá, chị La là một cán bộ dân số năng nổ, nhiệt tình, có kinh nghiệm, gắn bó dài lâu với ngành Dân số, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đến nay, các cặp vợ chồng trẻ trên địa bàn xã đã chủ động thực hiện kế hoạch hóa gia đình và tự giác đến Trạm Y tế khám sức khỏe, nam giới cũng biết chia sẻ cùng vợ trong kế hoạch hóa gia đình. Năm 2018, nhiều chỉ tiêu ngành giao, xã thực hiện đạt cao. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 16,66%; tỷ suất sinh giảm còn 18,81‰, thấp hơn mức trung bình chung của huyện 1,08‰; tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại tăng lên 76,12%.

Chị La xứng đáng là một tấm gương sáng trong công tác dân số, từng được Sở Y tế tặng Giấy khen và chính quyền địa phương nhiều lần khen thưởng.

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...