Chuyện "vượt cạn" dưới nước của sản phụ người Việt

Chủ Nhật, 25/08/2019 06:19 PM (GMT+7)

Sau khi chồng bơm hơi và dẫn nước ấm đầy bồn, Mai Linh, 25 tuổi, bước vào, quỳ gối, chống hai tay xuống và bắt đầu rặn đẻ, dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ bệnh viện Philippines.

Tình cờ xem video của một người bạn sinh con trong nước, Mai Linh, sống ở Philippines, ấp ủ kế hoạch sẽ chào đón con mình tương tự như vậy. "Một em bé sinh dưới nước ấm, không phải khóc, được cha bé đỡ lên và đưa tới vòng tay của mẹ", Linh nói.

vuot-can
vuot-can

 Vợ chồng Linh bơm hơi và nằm thử vào bồn trước khi sử dụng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

 Để chuẩn bị cho mong muốn đó, cô bắt đầu tham gia khóa học "Nuôi con sữa mẹ", "Làm nghề bố mẹ" để hiểu rõ hơn về cơ thể người phụ nữ, tầm quan trọng của thời khắc con ra đời, cách bố mẹ chào đón con có ảnh hưởng đến tâm thức trẻ như thế nào.

Bên cạnh đó, cô còn tìm hiểu thêm về "thai sản thuận tự nhiên", tham khảo nhiều câu chuyện sinh con tự nhiên nhẹ nhàng, tích cực. Linh cho rằng, sinh con là bản năng của mỗi người phụ nữ, nếu đủ tin tưởng về cơ thể của mình, cộng với tâm thư giãn thì việc sinh đẻ sẽ trở nên thoải mái và nhanh chóng.

Trong tuần 37 của thai kỳ, Linh bàn bạc với bác sĩ về quyết định sinh con trong nước tại phòng dịch vụ cá nhân dành cho sản phụ ở một bệnh viện ở Philippines. Trước đó, bệnh viện này đã có hai trường hợp sinh dưới nước nhưng không thành công và đều phải chỉ định mổ.

Các bác sĩ khá lo lắng và khuyên Linh nên cân nhắc kỹ. Họ yêu cầu vợ chồng cô soạn ra Birth plan (kế hoạch sinh con) và phải được chữ ký chấp thuận của bác sĩ trưởng khoa sản, phó khoa và bác sĩ phụ trách ca sinh. Đây là thủ tục bắt buộc của bệnh viện cho sản phụ muốn sinh con dưới nước.

Bảng kế hoạch gồm các mong muốn của Linh như sinh con trong nước, phát nhạc thiền khi đẻ, chọn tư thế ngồi xổm hoặc bò để sinh, chồng Linh là người đón con ra đời và tự cắt dây rốn cho bé, không cách ly mẹ và con, không tắm cho em bé...

Khi được sự đồng ý của bệnh viện, vợ chồng Linh bắt đầu sắm sửa các dụng cụ như bể bơi dạng phao, máy bơm hơi, cục làm ấm nước, ống nước...

Tất cả đều sẵn sàng để chuẩn bị cho lần vượt cạn dưới nước này. Rạng sáng 4/8, Linh có những cơn gò chuyển dạ đầu tiên, cô quyết định ngủ thêm một tiếng đồng hồ rồi mới chuẩn bị đồ đạc tới đến bệnh viện. Lúc này, tử cung đã mở được 4 phân, bác sĩ phụ trách ca sinh bắt đầu theo dõi cơn gò.

vuot-can-2

 Chồng Linh đỡ em bé ra khỏi bụng mẹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

 Gần hai tiếng đồng hồ sau, khi cơn gò giảm 3 phút một lần, Linh được đưa đến phòng sinh cá nhân. Tại đây, có hai bác sĩ và 6 điều dưỡng hỗ trợ.

Chồng cô bắt đầu bơm hơi và dẫn nước vào bồn. Nước được giữ ấm ở nhiệt độ 37 độ C và lưu thông liên tục. Nước ấm sẽ giúp sản phụ giảm bớt đau đớn và thoải mái hơn trong quá trình rặn em bé ra ngoài. Cô từ từ bước vào bồn, ngồi xổm, quỳ gối, chống tay xuống.

Tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ, Linh thả lỏng thư giãn cơ thể và bắt đầu rặn. "1,2,3 push", bác sĩ hô nhịp nhàng. Chưa đầy 5 phút sau, bé gái nặng 3,45 kg ra đời trong niềm hân hoan của đôi vợ chồng trẻ. Theo Birth plan, bé được cha tự tay đỡ rồi đưa lên ngực mẹ, da kề da và bú sữa mẹ ngay. Sau thủ tục đo đạc các chỉ số của bé, lấy nhau thai, Linh được đưa về phòng nghỉ ngơi và về nhà lúc 19h cùng ngày.

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...