Công tác Dân số 6 tháng đầu năm 2019: Cần chủ động, sáng tạo để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra

Thứ Ba, 06/08/2019 08:01 AM (GMT+7)

Nửa đầu năm 2019, rất nhiều chỉ tiêu cụ thể trong công tác DS - KHHGĐ nước ta chỉ mới đạt 25-30% kế hoạch năm, điều này đòi hỏi nỗ lực vượt bậc của các cấp để hoàn thành nhiệm vụ.

dan-so

Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số Nguyễn Doãn Tú phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Trường

Những điểm sáng

Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề công tác dân số 6 tháng đầu năm 2019, ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế cho biết, năm 2019 là năm thứ 13 liên tiếp Việt Nam duy trì được mức sinh thay thế, nghĩa là trung bình mỗi bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ sinh 2-2,1 con.

Tổng Cục trưởng dẫn theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, cho thấy dân số nước ta là 96,2 triệu người. 10 năm qua, dân số nước ta tăng 10,4 triệu người. Hiện dân số Việt Nam xếp thứ 3 Đông Nam á (sau Indonesia và Philippines), thứ 15 thế giới.

Cùng với các chỉ số như tỷ suất chết trẻ em, tỷ số tử vong bà mẹ đều giảm và tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên, tỷ trọng người cao tuổi, người sống thọ của Việt Nam ngày càng tăng… Ông Nguyễn Doãn Tú thẳng thắn cho biết, công tác DS-KHHGĐ Việt Nam gặp nhiều thách thức mới.

"Trong đó, đề án nâng cao chất lượng dân số ở địa phương chậm triển khai, thậm chí có những tỉnh chưa triển khai" - Tổng Cục trưởng nhấn mạnh.

Ông Đinh Thái Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Tổng cục Dân số) thông tin, trong nhiều chỉ tiêu năm 2019, chỉ có số ít chỉ tiêu đạt, đại đa số chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Nhiều chỉ tiêu dù thực hiện trong nửa năm, chỉ mới hoàn thành 25 -30%, nghĩa là đạt 1/4, 1/3 kế hoạch.

Các chỉ tiêu ước đạt kế hoạch năm 2019 là sàng lọc trước sinh, tổng số người mới dùng các biện pháp tránh thai, tuổi thọ trung bình (73,6 tuổi); Trong đó, sàng lọc trước sinh là điểm sáng khi ước tính, chỉ tiêu này sẽ vượt kế hoạch với hơn 671.300 bà mẹ được sàng lọc năm nay.

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2019, trong 61/63 tỉnh, thành (trừ TPHCM và Đắk Lắk không báo cáo số liệu), có hơn 361.100 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh, đạt 66% kế hoạch năm. Hiện có hiện có 3 tỉnh trong 61 tỉnh chưa triển khai sàng lọc trước sinh cho các bà mẹ mang thai là: Hà Giang, Hoà Bình, Gia Lai. Quảng Nam là tỉnh duy nhất chỉ thực hiện được một ca sàng lọc trước sinh trong 6 tháng đầu năm.

Nhiều chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch

Nhiều chỉ tiêu chuyên môn trong công tác DS-KHHGĐ 6 tháng đầu năm 2019 khiến các đại biểu lo lắng. Nếu sàng lọc trước sinh đạt mức cao thì sàng lọc sơ sinh lại đạt thấp. 6 tháng đầu năm, 61/63 tỉnh mới thực hiện được hơn 200.100 ca, bằng 1/3 chỉ tiêu giao. Trong thực hiện miễn phí sàng lọc sơ sinh, chỉ mới thực hiện được 1/4 kế hoạch giao, thậm chí có 3 tỉnh không có ca nào thực hiện miễn phí sàng lọc sơ sinh.

6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em sinh ra mới là hơn 570.300 cháu, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ số giới tính khi sinh của toàn quốc tại thời điểm này là 110,1 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.

Theo ông Đinh Thái Hà, dự báo cả năm 2019, con số này là 114,1 bé trai/100 bé gái, không đạt kế hoạch (giao 114/100), tương đương với việc khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh không đạt kế hoạch đề ra. 6 tháng cuối năm cần phải triển khai quyết liệt Chương trình Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh bằng cách tích cực triển khai hoạt động Đề án 468; thí điểm đưa chính sách dân số, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào hương ước, quy ước của thôn, bản, tổ dân phố; thí điểm việc đưa nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào giáo dục trong nhà trường phổ thông; tổ chức các đợt thanh tra chuyên ngành…

Nhiều chỉ tiêu khác cũng không đạt kế hoạch giao như: Sàng lọc sơ sinh; mức giảm tỷ lệ sinh; Số người cao tuổi được khám sức khoẻ định kỳ ít nhất 1 năm/lần; giảm số người chưa thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại (như bao cao su, thuốc tránh thai…).

Tại Hội thảo, Tổng Cục trưởng Nguyễn Doãn Tú cho rằng, các địa phương cần thực hiện những việc cụ thể để giải quyết đồng bộ, có hiệu quả các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số theo các chủ trương, định hướng và nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 21/NQ-TW và Nghị quyết 137/NQ-CP về Công tác dân số trong tình hình mới, từ đó đề ra cách thức, phương án thực hiện.

 Đồng thời với việc đổi mới truyền thông, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số nhấn mạnh, mỗi địa phương cần phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực vận động tranh thủ sự ủng hộ của các cấp uỷ, chính quyền, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là phát huy vai trò của ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ các cấp. Tích cực tham mưu, đề xuất ban hành các kế hoạch, nghị quyết chuyên đề về hỗ trợ chính sách dân số tại địa phương.

Hà Nội là địa phương chi ngân sách cho dân số nhiều nhất nước

Một trong những khó khăn, thách thức trong công tác dân số Việt Nam được Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số chỉ ra tại Hội thảo. Theo đó, nguồn lực đầu tư ở các cấp đều bị cắt giảm nhiều. Theo báo cáo của 61/63 tỉnh, thành, ngân sách địa phương chi cho công tác dân số đạt hơn 670,6 tỷ đồng. Thấp nhất là Quảng Bình với 0,53 tỷ đồng, cao nhất là Hà Nội với 144 tỷ đồng. Một số địa phương có mức hỗ trợ cao là TPHCM (gần 59 tỷ đồng), Long An (hơn 54 tỷ đồng), Nghệ An (22 tỷ đồng).

Mô hình tổ chức tại địa phương thực hiện khác nhau

Tây Ninh là tỉnh mới nhất chuyển Chi cục DS-KHHGĐ về thành Phòng Dân số thuộc Sở Y tế. Tỉnh Sơn La đã xây dựng đề án này, hiện Chi cục DS-KHHGĐ Sơn La còn con dấu nhưng không còn tài khoản để hoạt động. Trong khi đó, các tỉnh Bình Thuận, Phú Yên đã xây dựng đề án này nhưng sau khi Bộ Y tế có văn bản gửi UBND tỉnh và các Sở, ngành có liên quan đề nghị giữ nguyên hệ thống tổ chức DS-KHHGĐ thì hai tỉnh này dừng không xây dựng đề án sáp nhập nữa. Chi cục Dân số 2 tỉnh này vẫn hoạt động độc lập. Số còn lại vẫn giữ nguyên Chi cục DS-KHHGĐ như trước đây.

Duyen

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia cho cán bộ Y tế, dân số các cấp năm 2024

Sáng ngày 17/4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và Cung ứng...

Hội thảo khoa học “Già hóa dân số ở Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”

Sáng 10/4, tại thành phố Ninh Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trung ương Hội Người cao tuổi Việt...

Ra quân điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lễ ra...